Những năm gần đây, hoạt động chữ thập đỏ (CTĐ) trong các trường học trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần thiết thực giúp những học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập.
Hội CTĐ và Đoàn Thanh niên Trường THPT Tống Văn Trân (Ý Yên) cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn mượn bộ sách giáo khoa trong “Tủ sách dùng chung”. |
Trường THPT Tống Văn Trân (Ý Yên) là một trong những điển hình về phong trào CTĐ trường học. Hoạt động CTĐ của nhà trường đã giúp đỡ nhiều học sinh vượt qua khó khăn được tiếp tục học tập. Em Đinh Thị Như Quỳnh ở Thị trấn Lâm mồ côi cả cha lẫn mẹ, cuộc sống vô cùng khó khăn. Hội CTĐ nhà trường đã hỗ trợ em tiền đóng học phí suốt 3 năm học và vận động giáo viên, học sinh trong trường quyên góp tặng em một sổ tiết kiệm trị giá hơn 16 triệu đồng. Nhờ sự hỗ trợ của bạn bè, của Hội CTĐ nhà trường, Quỳnh đã nỗ lực vươn lên trong học tập và hiện em đang là sinh viên năm thứ nhất Đại học Giao thông Vận tải (Hà Nội). Để hoạt động CTĐ của nhà trường ngày càng phát huy hiệu quả, nhà trường đã lồng ghép tuyên truyền công tác CTĐ vào các tiết học trên lớp, các buổi sinh hoạt tập thể, chào cờ đầu tuần, sinh hoạt ngoại khóa… của học sinh. Nhà trường còn phát động các phong trào tiết kiệm: nuôi lợn nhựa, bán phế liệu, quyên góp sách vở, dụng cụ học tập… gây quỹ giúp đỡ các bạn học có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài việc tổ chức các hoạt động “tương thân, tương ái” trong phạm vi nhà trường, Hội CTĐ Trường THPT Tống Văn Trân còn tích cực tham gia quyên góp, ủng hộ các Quỹ “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, “Áo ấm tặng bà”, ủng hộ người khuyết tật, người nghèo, trẻ tàn tật, mồ côi, nạn nhân thiên tai… Hằng năm, vào đầu năm học, Hội CTĐ nhà trường tiến hành rà soát các học sinh có hoàn cảnh khó khăn để có kế hoạch trợ giúp. Mỗi năm, Hội CTĐ nhà trường trợ cấp 70-80 học sinh có hoàn cảnh khó khăn tiền, đồ dùng học tập, mua bảo hiểm y tế, tặng đồng phục, quà..., đặc biệt vào các dịp kỷ niệm ngày thành lập Đoàn (26-3), Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11) và Tết Nguyên đán, nhà trường trợ cấp cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn từ 70-80 suất quà, trị giá 100-200 nghìn đồng/suất. Trong đó, mỗi khối bình xét chọn một học sinh để trợ cấp thường xuyên 100 nghìn đồng/tháng trở lên. Nhờ sự trợ giúp của Hội CTĐ nhà trường, nhiều em có hoàn cảnh khó khăn đã vươn lên học tập tốt. Bên cạnh đó, sau mỗi năm học, nhà trường còn vận động học sinh hiến tặng sách để xây dựng “Tủ sách dùng chung” giúp các bạn có hoàn cảnh khó khăn giảm bớt chi phí mua sắm sách giáo khoa vào đầu năm học. Đến nay, tủ sách đã có hơn 4.000 cuốn sách để học sinh mượn. Chi hội CTĐ Trường Tiểu học Mỹ Xá (TP Nam Định) đã vận động giáo viên, học sinh và phụ huynh tham gia các hoạt động nhân đạo như: ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão lũ; xây dựng Quỹ “Bảo trợ trẻ em”; Quỹ “Trái tim không tật nguyền”; Quỹ “Vì người nghèo”… mỗi năm từ 20 đến 30 triệu đồng.
Đặc biệt, vào dịp Tết Nguyên đán hằng năm, chi hội CTĐ nhà trường tặng từ 20-25 suất quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ở Trường Tiểu học B Xuân Hồng (Xuân Trường), Hội CTĐ của trường phân công các em trong đội xung kích CTĐ giúp các bạn khuyết tật đến trường, trích Quỹ CTĐ mua thẻ BHYT tặng những học sinh gia đình nghèo để các em sử dụng khi rủi ro đau ốm...
Hoạt động của Hội CTĐ ở các trường học không chỉ giúp học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong nhà trường mà còn giúp đỡ, chăm sóc các gia đình neo đơn, các bạn nghèo, bạn có hoàn cảnh khó khăn, vùng thiên tai, lũ lụt… Mô hình CTĐ trong trường học đã góp phần xây dựng môi trường lành mạnh, thân thiện, tương thân, tương ái trong học sinh hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục và phát triển toàn diện trong thanh, thiếu niên, học sinh trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, tỉnh ta có hơn 500 chi hội và Hội CTĐ ở các trường đại học, TCCN, THPT, THCS và tiểu học, thu hút hàng nghìn thanh, thiếu niên tham gia. Công tác CTĐ trong các trường học đã tác động rất lớn đến tình cảm, ý thức, bồi dưỡng tinh thần cảm thông, chia sẻ của học sinh tới bạn bè và cộng đồng xã hội, đồng thời phát huy truyền thống “lá lành đùm lá rách”, khơi dậy tinh thần “tương thân tương ái” của các em học sinh ngay khi đang ngồi trên ghế nhà trường./.
Bài và ảnh: Văn Thứ