Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa ký Quyết định số 2448/QĐ-TTg, ngày 16-12-2013 phê duyệt Đề án hội nhập quốc tế về giáo dục và dạy nghề đến năm 2020.
Đề án đặt mục tiêu đến năm 2020, phát triển một số cơ sở giáo dục đại học và dạy nghề đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và thế giới; đổi mới nội dung, chương trình đào tạo và dạy nghề tiếp cận nền giáo dục tiên tiến của các nước; tiến tới công nhận văn bằng, chuyển đổi tín chỉ và kỹ năng nghề giữa Việt Nam với các nước ASEAN và các nước khác trên thế giới…; tăng cường quy mô học sinh, sinh viên gửi đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài, đồng thời thu hút học sinh, sinh viên, học viên nước ngoài đến học tập tại Việt Nam; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục và dạy nghề các cấp phục vụ hội nhập quốc tế.
Trong giai đoạn 2014 - 2015, phấn đấu xây dựng 3 trường đại học xuất sắc. Ảnh minh hoạ. |
Trong giai đoạn 2014-2015, phấn đấu xây dựng 3 trường đại học xuất sắc; tuyển chọn khoảng 3.000 giảng viên gửi đi đào tạo trình độ thạc sĩ và tiến sĩ tại các cơ sở giáo dục đại học ở nước ngoài, đến năm 2015 có khoảng 50 chương trình đào tạo đại học được các tổ chức quốc tế có uy tín kiểm định.
Phấn đấu xây dựng 5 trường nghề đạt cấp độ quốc tế; tiếp nhận và sử dụng 49 chương trình, giáo trình dạy nghề cấp độ khu vực ASEAN và 26 chương trình, giáo trình dạy nghề cấp độ quốc tế.
Các sinh viên, đặc biệt là sinh viên 3 trường đại học xuất sắc và 5 trường nghề đạt cấp độ quốc tế, có khả năng học tập tiếp tục hoặc làm việc tại các nước trong khu vực và thế giới.
Trong giai đoạn 2016-2020, phấn đấu nâng tổng số trường đại học xuất sắc lên 5 trường; tổng số trường nghề đạt cấp độ quốc tế lên hơn 10 trường; phấn đấu đào tạo, bồi dưỡng khoảng 22.500 lượt giảng viên đại học, cao đẳng, giáo viên trung cấp chuyên nghiệp, 300.000 lượt giáo viên phổ thông, 130.000 lượt giáo viên mầm non, 5.500 lượt giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề phục vụ hội nhập quốc tế...
Một trong những nội dung hoạt động chính của Đề án là đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục đại học, trong đó ưu tiên tăng cường cơ sở vật chất theo hướng hiện đại đạt chuẩn khu vực và quốc tế. Trước mắt, tập trung xây dựng và phát triển các trường: Trường Đại học Việt - Đức, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Trường Đại học Công nghệ Việt - Nga.
Bên cạnh đó, tăng cường liên kết đào tạo với những cơ sở giáo dục đại học nước ngoài có uy tín, đẩy mạnh sự tham gia của các doanh nghiệp, viện nghiên cứu với giáo dục và dạy nghề nhằm nâng cao năng lực của các cơ sở giáo dục và dạy nghề trong nước, trao đổi giảng viên và sinh viên quốc tế; tăng cường kiểm định chất lượng giáo dục và dạy nghề theo chuẩn khu vực và quốc tế./.
Theo dangcongsan.vn