Tháo gỡ khó khăn trong công tác tuyển sinh hệ trung cấp chuyên nghiệp

07:11, 12/11/2013

Mặc dù các cơ sở đào tạo TCCN đã có nhiều nỗ lực trong việc tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật, nâng cao trình độ giáo viên, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng nghiệp nhưng hiện nay hầu hết các trường TCCN đều gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh.

Năm học 2012-2013, trên địa bàn tỉnh có 14 đơn vị đào tạo TCCN với quy mô đào tạo khoảng 10 nghìn học sinh/năm ở 47 ngành nghề. Tuy nhiên, các trường tuyển được rất ít học sinh vào học. Trong 14 trường có đào tạo TCCN, có Trường Trung cấp Công đoàn và Trường Trung cấp Bảo hộ lao động đã mở từ những năm học trước nhưng đến nay vẫn chưa có học sinh đăng ký vào học. 12 trường còn lại tuyển sinh được 1.857/3.025 chỉ tiêu được giao, trong đó chỉ có 3 trường: Cao đẳng Sư phạm (đào tạo hệ trung cấp), Chính trị Trường Chinh và Trung cấp Y tế tuyển vượt chỉ tiêu được giao. Trường Trung cấp Kinh tế kỹ thuật nông nghiệp Nam Định với 500 chỉ tiêu được giao chỉ tuyển được 86 chỉ tiêu, Trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật tuyển được 84/375 chỉ tiêu, Trường Cao đẳng nghề Nam Định tuyển được 94/200 chỉ tiêu, Trường Cao đẳng Công nghiệp tuyển được 168/700 chỉ tiêu, Trường Trung cấp Cơ điện tuyển được 156/300 chỉ tiêu… Trong khi đó, nhu cầu lao động có tay nghề ở các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hiện nay là rất lớn. Một số nghề luôn “khát” lao động có tay nghề như: xây dựng, hàn, điện cơ, cơ khí, điện tử công nghiệp, điện lạnh, chăn nuôi, thú y… nhưng vẫn thiếu người học. Một trong những nguyên nhân khiến các trường TCCN khó khăn trong công tác tuyển sinh là thiếu thông tin dự báo về nhu cầu nhân lực, về thị trường lao động. Nội dung đào tạo trong nhà trường và thực tiễn công việc còn có khoảng cách. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân, nhà trường, xã hội đối với giáo dục nghề nghiệp chưa đầy đủ và sự yếu kém của công tác giáo dục hướng nghiệp trong các trường phổ thông đã gây trở ngại đến việc quyết định lựa chọn học nghề của học sinh. Một nguyên nhân xã hội nữa là tâm lý coi nặng bằng cấp ở cả phụ huynh và học sinh nên thường có xu hướng đi học đại học, cao đẳng... sau khi tốt nghiệp phổ thông.

Học sinh khoa Sửa chữa ô tô, Trường Trung cấp Cơ điện Nam Định trong giờ thực hành.
Học sinh khoa Sửa chữa ô tô, Trường Trung cấp Cơ điện Nam Định trong giờ thực hành.

Nhằm tháo gỡ những khó khăn trong công tác tuyển sinh ở các đơn vị, ngành GD và ĐT đã tăng cường thanh tra, kiểm tra công tác tuyển sinh, công tác đào tạo và chủ động phối hợp với ngành chủ quản và các cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch tuyển sinh phù hợp với nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực của xã hội. Trong năm học vừa qua, tỉnh và các ngành đã cấp (ngoài kinh phí đào tạo) cho các trường do tỉnh quản lý khoảng 45 tỷ đồng; các trường do Trung ương quản lý được đầu tư khoảng 100 tỷ đồng để tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học. Các trường đã cử 50 lượt cán bộ quản lý và 300 lượt giáo viên tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trong đó có 35 giáo viên dạy môn tiếng Anh được kiểm tra năng lực (đạt 97,2%) theo chương trình thực hiện “Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020”; 11 giáo viên tiếng Anh được Bộ GD và ĐT bồi dưỡng nâng bậc, những giáo viên còn lại đang tích cực tự học, tự bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu giảng dạy. Các trường cũng tìm mọi giải pháp để thực hiện nhiệm vụ đào tạo theo nhu cầu xã hội, gắn công tác đào tạo với thực tế sản xuất; mở rộng liên kết với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, bệnh viện, trường học để đưa học sinh đến thực tập, rèn luyện thực tế. Theo khảo sát bước đầu, có trên 50% học sinh sau tốt nghiệp tìm được việc làm đúng với ngành nghề đào tạo. Một số ngành như: giáo dục mầm non, âm nhạc, mỹ thuật, may công nghiệp, hàn, tiện 100% học sinh có việc làm sau tốt nghiệp. Thực hiện chủ trương của Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, các cơ sở đã đào tạo cho hơn 1.700 lao động nông thôn với các ngành nghề: chăn nuôi, thú y, bảo vệ thực vật, cơ khí, điện dân dụng, may công nghiệp… Các trường đã thực hiện việc tuyển học sinh tốt nghiệp THCS vào học theo hướng học văn hóa kết hợp với học nghề, song song với xây dựng và hoàn chỉnh chương trình các môn văn hóa theo hướng tích hợp và chuẩn hóa hoặc liên kết với các trung tâm GDTX để vừa dạy văn hóa vừa dạy nghề cho học sinh. 100% cơ sở đào tạo TCCN đã thực hiện chuyển đổi ngành đào tạo theo quy định, trên cơ sở đó tiếp tục hoàn thiện chương trình và xây dựng kế hoạch đào tạo phù hợp với chương trình mới. Trong năm học vừa qua, các trường đã hoàn thiện hàng chục bộ giáo trình, góp phần hoàn thiện hệ thống chương trình, giáo trình trong các trường chuyên nghiệp và nâng cao chất lượng đào tạo. Cùng với việc quan tâm huy động mọi nguồn lực cho việc thực hiện nhiệm vụ đào tạo, các trường đều thực hiện nghiêm túc nền nếp dạy học, giám sát chất lượng giảng dạy của giáo viên; đầu tư bổ sung sách chuyên môn, đáp ứng yêu cầu về học tập và nghiên cứu của học sinh, sinh viên; đẩy mạnh phong trào thi đua “Dạy tốt - Học tốt”, tổ chức các hội thi: thi học sinh giỏi TCCN, thi giáo viên dạy giỏi cấp trường… qua đó rút kinh nghiệm, phổ biến phương pháp giảng dạy, học tập hiệu quả của giáo viên và học sinh. Bên cạnh đó, các trường đã quan tâm xây dựng và thiết lập hệ thống quản lý giáo dục, đổi mới phương pháp quản lý, giáo dục học sinh, đề cao vai trò, trách nhiệm của cố vấn học tập, giáo viên chủ nhiệm và giáo viên quản lý giáo dục cấp khoa, kết hợp ba môi trường giáo dục: gia đình, nhà trường và xã hội.

Năm học 2013-2014, ngành giáo dục TCCN đã đưa ra các mục tiêu, giải pháp nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý về giáo dục chuyên nghiệp; triển khai có hiệu quả, sáng tạo, đi vào chiều sâu các phong trào, các cuộc vận động lớn của ngành; tiếp tục thực hiện nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo TCCN, đẩy mạnh công tác phân luồng, hướng nghiệp; tăng cường công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giáo dục thể chất, chăm sóc sức khỏe cho học sinh; thực hiện quy hoạch phát triển nhân lực ngành GD và ĐT theo nhu cầu phát triển xã hội… Tuy nhiên, công tác tuyển sinh của các trường vẫn khó khăn. Vì vậy, công tác tuyên truyền tư vấn, định hướng nghề nghiệp cần được các cấp, các ngành phối hợp “vào cuộc” nhằm làm chuyển biến mạnh mẽ tư tưởng, tâm lý của học sinh, phụ huynh, khắc phục định kiến về học nghề. Các trường TCCN cần chú trọng đầu tư trang thiết bị dạy nghề và đào tạo theo nhu cầu xã hội, góp phần nâng cao tay nghề, trình độ giáo viên… bảo đảm chất lượng đào tạo nhằm thu hút học sinh./.

Bài và ảnh: Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com