Trong các năm học gần đây, Sở GD và ĐT đã tập trung chỉ đạo đổi mới hình thức giáo dục ở bậc tiểu học trên các phương diện: công tác quản lý, phương pháp dạy học, cách đánh giá, phân loại học sinh và đổi mới cơ sở vật chất trường, lớp nhằm tăng hiệu quả giáo dục toàn diện.
Năm học 2012-1013, Sở GD và ĐT đã chỉ đạo bậc tiểu học tăng cường việc đổi mới phương pháp, hình thức dạy học, đổi mới không gian lớp học, đưa các tiết dạy ra ngoài lớp học, đồng thời đẩy mạnh phong trào giáo viên tự làm và sử dụng đồ dùng, thiết bị dạy học tự làm, tích cực tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn và sinh hoạt chuyên môn… Qua đó, đã góp phần định hướng cho cán bộ quản lý và giáo viên trong việc dạy học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng các môn học. Kỷ cương nền nếp, chất lượng dạy học và các hoạt động ngày càng được nâng cao; không còn tình trạng học sinh không đạt chuẩn được lên lớp; không có học sinh diện phổ cập phải bỏ học, số học sinh lưu ban thấp. Sở GD và ĐT đã chỉ đạo các phòng GD và ĐT tích cực tham mưu với các cấp ủy Đảng, chính quyền tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, đội ngũ giáo viên bảo đảm tốt các điều kiện để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày ở tất cả các trường tiểu học trong tỉnh. Về nội dung giảng dạy, các nhà trường đã bố trí hợp lý thời gian và nội dung các hoạt động dạy học và giáo dục để thực hiện chương trình và sách giáo khoa theo quy định cho mỗi lớp; thực hành vận dụng kiến thức đã học và tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động thực tế tại địa phương; học sinh được tự học có sự hướng dẫn của giáo viên để hoàn thành yêu cầu học tập hoặc bồi dưỡng học sinh năng khiếu, dạy học các môn tự chọn, tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, CLB, hoạt động ngoại khóa… Sở GD và ĐT đã tổ chức hội thảo đổi mới hình thức tổ chức dạy học 2 buổi/ngày cho cán bộ và giáo viên trong tỉnh, từ đó đã có những đánh giá rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo đổi mới hình thức tổ chức dạy học nhằm nâng cao chất lượng dạy học 2 buổi/ngày một cách bền vững. Đồng thời, triển khai nghiêm túc các chương trình: Thí điểm mô hình trường học mới Việt Nam tại Trường Tiểu học A Yên Đồng (Ý Yên).
Cô và trò Trường Tiểu học Hợp Hưng (Vụ Bản) trong giờ học môn Tiếng Anh. |
Thực hiện mô hình này, nhà trường đã tập trung đổi mới phương pháp sư phạm, bồi dưỡng giáo viên, giữ nguyên nội dung sách giáo khoa, chuẩn kiến thức, kỹ năng theo chương trình hiện hành, đồng thời chuyển đổi hình thức giảng dạy, truyền thụ từ phía giáo viên sang học sinh theo hình thức tự học là chính và phát huy vai trò giáo dục của gia đình, cộng đồng trong việc dạy dỗ con em. Tài liệu dùng để dạy và học của mô hình trường học mới là tài liệu hướng dẫn học tập dùng cho cả giáo viên và học sinh, nhằm hỗ trợ, hướng dẫn học sinh về phương pháp học tập mới, thói quen tự học, tự đánh giá... Sở GD và ĐT cũng đã triển khai phương pháp “Bàn tay nặn bột” tại 2 Trường Tiểu học Kim Đồng và Nguyễn Văn Trỗi (TP Nam Định); dạy học môn Mỹ thuật theo phương pháp mới tại 8 trường tiểu học thuộc Thành phố Nam Định, huyện Vụ Bản và huyện Nam Trực; dạy học theo tài liệu môn Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục tại 58 trường tiểu học trong tỉnh. Đồng thời tiếp tục triển khai dạy môn Tin học theo Chương trình giáo dục phổ thông của Bộ GD và ĐT ở 266/291 trường, đạt 91,4%; số học sinh các khối lớp 3, 4, 5 được học Tin học đạt 87,83%. Ngành đã triển khai có hiệu quả Đề án dạy học ngoại ngữ với 100% số trường và 100% học sinh các khối lớp 3, 4, 5 được học môn tiếng Anh, trong đó một số trường được chọn dạy thí điểm chương trình Tiếng Anh tiểu học mới của Bộ GD và ĐT. Ngoài ra, Sở GD và ĐT khuyến khích những trường có điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên tổ chức thực hiện chương trình làm quen với Tiếng Anh lớp 2. Việc tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp cũng được các nhà trường thực hiện đổi mới với các hoạt động theo chủ đề, chủ điểm, các hoạt động giao lưu… nhằm giáo dục truyền thống dân tộc, lòng yêu quê hương, đất nước cho học sinh và tạo cơ hội cho các em rèn luyện kỹ năng tham gia các hoạt động xã hội, cộng đồng. Các trường đã tổ chức tốt các hoạt động tập thể dục, văn nghệ, múa hát tập thể và các trò chơi dân gian giữa giờ, tổ chức nhiều hoạt động đền ơn, đáp nghĩa, chăm sóc các công trình và di tích lịch sử… Nhiều trường đã tích cực hưởng ứng cuộc thi "Giao thông thông minh" trên internet do Uỷ ban ATGT quốc gia tổ chức, cuộc thi vẽ ý tưởng tuổi thơ, chiếc ô tô mơ ước do Bộ GD và ĐT tổ chức. Đổi mới công tác quản lý, ngành đã thực hiện hiệu quả chủ trương phân cấp quản lý và giao quyền tự chủ cho cơ sở, xã hội hóa giáo dục, thực hiện “ba công khai”, kiểm định chất lượng trường tiểu học và thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ và đột xuất. Ngoài ra, ngành còn tổ chức tốt các lớp tập huấn, bồi dưỡng về phương pháp giáo dục tiểu học, công tác quản lý, sử dụng phần mềm phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, giáo dục kỹ năng sống, tập huấn phương pháp kỷ luật tích cực cho cán bộ quản lý và giáo viên cốt cán các huyện, thành phố; tổ chức hội thảo - tập huấn chủ đề đổi mới không gian lớp học, bồi dưỡng tin học cho cán bộ quản lý, giáo viên; tập huấn sử dụng phần mềm quản lý học sinh cho 292 trường tiểu học trong tỉnh; tập huấn dạy học Tiếng Việt - Công nghệ giáo dục… Đồng thời, ngành tiếp tục khuyến khích các nhà trường tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên đi học nâng cao chất lượng đội ngũ, đáp ứng yêu cầu đổi mới. Đến nay, 100% giáo viên tiểu học trong tỉnh đạt chuẩn đào tạo, trong đó trên 60% đạt trình độ trên chuẩn. Hằng năm, Sở GD và ĐT yêu cầu các phòng GD và ĐT huyện, thành phố, chỉ đạo các trường triển khai hướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức, kỹ năng các môn học ở tiểu học đến từng giáo viên; tổ chức hội thảo, rút kinh nghiệm ở cấp trường, tuyên truyền và nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên về trách nhiệm, đạo đức nhà giáo. Trong đổi mới cơ sở vật chất trường, lớp, với sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, năm học 2012-2013, toàn tỉnh có 2 trường tiểu học được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, 10 trường tiểu học được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, đưa tổng số trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 lên 97,6%, có 73 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, đạt 25,2%. Công tác xây dựng trường tiểu học đạt chuẩn xanh - sạch - đẹp - an toàn, thư viện đạt chuẩn tiếp tục được các trường tập trung xây dựng và phát huy hiệu quả tốt, tạo được môi trường giáo dục lành mạnh và thân thiện đối với học sinh. Đến nay, toàn tỉnh đã có 91 trường tiểu học đạt xanh - sạch - đẹp - an toàn và 113 trường có thư viện đạt chuẩn. Trong năm học, việc tổ chức thành công cuộc thi "Xây dựng mô hình lớp học kiểu mới" theo hướng xanh - sạch - đẹp - an toàn và thân thiện với 109 lớp dự thi đã góp phần làm thay đổi hình thức dạy học, đưa vào chương trình giáo dục nhiều tiết học ngoài trời, trong thư viện… Không gian lớp học được tổ chức theo phương châm lấy học sinh làm trung tâm, bố trí các góc học, nhóm học hợp lý nhằm giúp học sinh chủ động tiếp thu kiến thức. Trang trí cảnh quan, môi trường xung quanh lớp học sinh động, giúp học sinh tự học và khuyến khích các em tham gia vào hoạt động của nhà trường, được bày tỏ ý kiến, qua đó, thực hiện chương trình các môn học một cách linh hoạt, bảo đảm vừa sức, phù hợp với các em và thực tiễn giáo dục địa phương. Mô hình học tập này sẽ được áp dụng tại tất cả các lớp học trong các trường tiểu học năm học 2013-2014.
Việc đổi mới hình thức giáo dục ở bậc tiểu học đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh, đưa ngành học này của tỉnh ngày càng phát triển, giữ vững danh hiệu là đơn vị đứng trong tốp dẫn đầu toàn quốc./.
Bài và ảnh: Hồng Minh