Thành phố Nam Định nâng cao chất lượng giáo dục đồng đều trong các nhà trường

07:08, 22/08/2013

Thành phố Nam Định có 21 trường tiểu học và 18 trường THCS. Năm 2009, HĐND Thành phố Nam Định phê duyệt Đề án “Nâng cao độ đồng đều về chất lượng giáo dục giữa các trường tiểu học và THCS”. Theo đó, bắt đầu từ năm học 2009-2010, UBND thành phố triển khai thực hiện đồng bộ các nội dung của Đề án và đã đạt được những kết quả tích cực.

Cô và trò Trường THCS Hoàng Văn Thụ (TP Nam Định) trong giờ thực hành môn Hóa học.
Cô và trò Trường THCS Hoàng Văn Thụ (TP Nam Định) trong giờ thực hành môn Hóa học.

Trước khi triển khai Đề án, chất lượng giáo dục giữa các trường học của thành phố có sự chênh lệch đáng kể; cùng với tâm lý chọn trường, chọn lớp của phụ huynh học sinh dẫn đến tình trạng một số trường quá tải, một số trường lại quá ít học sinh… Thực hiện Đề án, Phòng GD và ĐT thành phố đã chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể xây dựng kế hoạch và triển khai các giải pháp đồng bộ, cụ thể thực hiện 5 nội dung. Để nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, Phòng GD và ĐT đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy mở các lớp bồi dưỡng chính trị cho cán bộ, giáo viên vào đầu mỗi năm học; tổ chức cho cán bộ, giáo viên toàn ngành học tập đầy đủ các nghị quyết của Đảng, các văn bản hướng dẫn của ngành và xây dựng kế hoạch mở các lớp trung cấp lý luận chính trị cho hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các trường tiểu học và THCS. Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả việc tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn cho cán bộ quản lý và giáo viên do Sở GD và ĐT tổ chức; tổ chức tốt các hội thảo, hội giảng trong từng năm học, tạo môi trường thuận lợi cho cán bộ quản lý, giáo viên các nhà trường nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Được các nhà trường tạo điều kiện, nhiều giáo viên đã tích cực đi học nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu giảng dạy. Để tạo nguồn kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các trường có khó khăn, thành phố đã triển khai thực hiện hiệu quả công tác thu, chi các khoản thu thỏa thuận, trong đó có khoản tiền trái tuyến theo tinh thần của Đề án. Theo đó, kinh phí thu từ nguồn trái tuyến bình quân mỗi năm học khoảng 3,5 tỷ đồng. Từ nguồn thu này, hằng năm thành phố đã dành 60% để đối ứng cho chương trình xây dựng kiên cố hóa trường, lớp học bằng nguồn trái phiếu Chính phủ. Nhiều trường trên địa bàn thành phố đã và đang được xây dựng hệ thống phòng học kiên cố như các trường Tiểu học: Kim Đồng, Lê Hồng Sơn, Trần Văn Lan, Trần Tế Xương, Lộc An, Lộc Hạ, Phạm Hồng Thái, Nguyễn Trãi, Nguyễn Viết Xuân; THCS: Lý Thường Kiệt, Tống Văn Trân…; 40% số kinh phí còn lại chi cho các trường khó khăn để sửa chữa thường xuyên, xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp và hỗ trợ cho cán bộ, giáo viên được trưng tập, tăng cường theo Đề án hằng năm. Từ năm học 2009-2010 đến nay, UBND thành phố đã trưng tập, tăng cường 3 cán bộ quản lý và 30 lượt giáo viên, trong đó có 28 lượt giáo viên giỏi về các trường khó khăn như Tiểu học: Nguyễn Văn Cừ, Trần Phú, Lộc Vượng, Lộc An; THCS: Tô Hiệu, Lộc Vượng và 2 giáo viên của Trường THCS Tô Hiệu đi học tập kinh nghiệm tại Trường THCS Phùng Chí Kiên. Bên cạnh đó, Phòng GD và ĐT còn phối hợp với Phòng Nội vụ làm tốt công tác quy hoạch cán bộ, rà soát, cơ cấu lại đội ngũ giáo viên, từ đó lập kế hoạch tuyển dụng theo định mức quy định; thực hiện việc đánh giá, xếp loại cán bộ quản lý, giáo viên vào cuối năm học. Phòng GD và ĐT thành phố phối hợp với Công an thành phố và các ban, ngành, phường, xã trong công tác điều tra phổ cập và quản lý đăng ký hộ khẩu đúng nơi cư trú và huy động các nguồn lực ủng hộ cho công tác giáo dục. Do thực hiện đồng bộ các biện pháp, nên đến nay đội ngũ cán bộ quản lý của ngành đã bảo đảm về số lượng và chất lượng. Hầu hết đội ngũ giáo viên đều tâm huyết với nghề và thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn được nâng cao, 100% giáo viên ở cấp tiểu học và THCS đều đạt chuẩn, trong đó đạt trình độ trên chuẩn ở cấp tiểu học là 93,5%, ở cấp THCS là 70,3%. Trong các kỳ hội giảng cấp tỉnh, đội tuyển giáo viên của thành phố đều xếp thứ nhất toàn tỉnh ở cả cấp tiểu học và THCS. Hệ thống cơ sở vật chất trường học của thành phố đã được cải thiện đáng kể, nhiều trường đã được xây dựng khang trang, kiên cố. Phong trào giáo dục của thành phố tiếp tục phát triển và liên tục là đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh. Chất lượng giáo dục giữa các đơn vị đã có chuyển biến tích cực, bảo đảm độ đồng đều; ở cấp tiểu học chỉ còn 2 trường, ở cấp THCS chỉ còn 1 trường khó khăn. Một số trường trước kia khó khăn có nhiều hạn chế về công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, từ khi thực hiện Đề án đã có sự tăng cường, biệt phái giáo viên và đã có học sinh giỏi cấp tỉnh, tiêu biểu như các trường Tiểu học: Nguyễn Văn Cừ, Lộc Vượng, Trần Phú; THCS: Tô Hiệu, Lộc Vượng… Chất lượng giáo dục đại trà và các phong trào giáo dục của các trường khó khăn cũng có tiến bộ rõ rệt, tỷ lệ học sinh có học lực yếu, kém giảm. Số lượng học sinh tuyển vào lớp 1, lớp 6 hằng năm khá ổn định. Thành phố đã có thêm 4 trường đạt chuẩn quốc gia. Hằng năm, tỷ lệ học sinh thi đỗ vào các trường THPT đều tăng, năm học 2010-2011 đạt 95,3%, năm học 2011-2012 đạt 96,5%.

Trong thời gian tới, thành phố tiếp tục triển khai các biện pháp nâng cao độ đồng đều về chất lượng giáo dục giữa các trường nhằm đưa GD và ĐT tiếp tục phát triển vững chắc, xứng đáng với danh hiệu đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh./.

Bài và ảnh: Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com