Đổi mới dạy và học tiếng Anh trong các trường phổ thông

07:08, 26/08/2013

Năm 2008, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020”. Mục tiêu của Đề án là: Đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, triển khai chương trình dạy và học ngoại ngữ mới ở các cấp học, trình độ đào tạo, nhằm đến năm 2015 đạt được bước tiến mới về trình độ, năng lực sử dụng ngoại ngữ của nguồn nhân lực, nhất là đối với một số lĩnh vực ưu tiên và đến năm 2020 đa số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng và đại học có đủ năng lực ngoại ngữ sử dụng độc lập, tự tin trong giao tiếp, học tập, làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hóa, biến ngoại ngữ trở thành thế mạnh phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH đất nước.

Học sinh Trường Tiểu học Phạm Hồng Thái (TP Nam Định) trong giờ học tiếng Anh. Ảnh: Internet
Học sinh Trường Tiểu học Phạm Hồng Thái (TP Nam Định) trong giờ học tiếng Anh. Ảnh: Internet

Từ nhiều năm nay, các cấp học trong tỉnh từ tiểu học đến THPT đã thực hiện chương trình dạy tiếng Anh cho học sinh theo quy định của Bộ GD và ĐT. Riêng bậc tiểu học, môn tiếng Anh được đưa vào giảng dạy trong các trường tiểu học như một môn học tự chọn và đến năm học 2012-2013 đã có 100% học sinh các khối lớp 3, 4, 5 tham gia với thời lượng 2 tiết/tuần, trong đó có 71 trường được chọn dạy thí điểm chương trình tiếng Anh tiểu học mới của Bộ GD và ĐT (đối với khối lớp 3 thời lượng 4 tiết/tuần), 38 trường tiếp tục triển khai ở khối lớp 4, có 5 trường triển khai ở khối lớp 5. Hầu hết đội ngũ giáo viên dạy tiếng Anh bậc tiểu học đã đủ về số lượng, với 100% đạt chuẩn về trình độ đào tạo. Đối với bậc THCS và THPT, học sinh đã được học ngoại ngữ theo chương trình 7 năm (phần lớn học sinh đều được học môn ngoại ngữ tiếng Anh). Để thực thực hiện tốt việc dạy và học ngoại ngữ theo chương trình của Đề án, những năm qua Sở GD và ĐT đã quan tâm nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ bằng nhiều biện pháp như tiến hành khảo sát, đánh giá năng lực dạy ngoại ngữ của giáo viên, hỗ trợ giáo viên tự đánh giá năng lực để lập kế hoạch bồi dưỡng về trình độ; tập huấn về chương trình và phương pháp dạy ngoại ngữ theo chương trình mới mỗi năm học ở các cấp học theo tiến độ mở rộng quy mô dạy học ngoại ngữ ở bậc phổ thông; tăng cường tổ chức sinh hoạt chuyên đề, hội thảo về chuyên môn để giáo viên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, cập nhật các phương pháp dạy học tiếng Anh... Đối với đội ngũ giáo viên tiến hành đánh giá định kỳ, đánh giá qua dự giờ, khảo sát chất lượng học sinh, tổ chức các CLB ngoại ngữ theo từng cấp học, tạo môi trường giao tiếp, cử giáo viên đi tập huấn, bồi dưỡng năng lực tiếng Anh… Đặc biệt từ năm 2011, dạy và học theo chuẩn kiến thức kỹ năng đã được đề cao, đòi hỏi giáo viên phải phân loại tốt đối tượng học sinh, từ đó đề ra yêu cầu phù hợp với từng đối tượng. Sở GD và ĐT đã tổ chức cuộc thi tiếng Anh trên mạng internet thu hút hàng nghìn học sinh trong toàn tỉnh tham gia, tạo nên những chuyển biến đáng kể trong cách học môn ngoại ngữ ở các nhà trường. Năm học 2012-2013, cuộc thi Tiếng Anh qua internet của tỉnh đã thu hút 387 học sinh khối lớp 5 và lớp 9 tham gia, trong đó khối lớp 5 có 132/210 học sinh dự thi đoạt giải gồm 13 giải nhất, 25 giải nhì, 41 giải ba và 53 giải khuyến khích; khối lớp 9 có 108/177 học sinh dự thi đoạt giải, gồm 11 giải nhất, 25 giải nhì, 31 giải ba và 41 giải khuyến khích. Tại kỳ thi tiếng Anh trên internet toàn quốc, cấp tiểu học tỉnh ta có 5 HCĐ; cấp THCS có 4 HCV, 2 HCB và 10 HCĐ. Cũng trong năm học này, Sở GD và ĐT tổ chức cuộc thi hùng biện tiếng Anh lần đầu tiên dành cho học sinh trung học. Cuộc thi đã thu hút 120 học sinh ở các trường THCS và THPT tham gia, trong đó khối THPT có 80 em dự thi, đã đạt 42 giải, gồm: 5 giải nhất, 9 giải nhì, 5 giải ba và 23 giải khuyến khích; khối THCS có 40 học sinh dự thi, đã giành 24 giải, gồm: 4 giải nhất, 5 giải nhì, 9 giải ba và 6 giải khuyến khích.

Việc dạy ngoại ngữ trong các trường phổ thông nhằm giúp học sinh có thể giao tiếp thông qua kỹ năng nghe, hiểu và nói, sau đó mới là đọc, hiểu và viết. Tuy nhiên, trên thực tế, ở nhiều trường học hầu như học sinh chỉ tập trung học từ vựng và ngữ pháp để đáp ứng yêu cầu thi cử chứ ít chú ý đến luyện khả năng nghe và nói. Bên cạnh đó, lượng kiến thức tiếng Anh trong sách giáo khoa tương đối nhiều, trong khi thời lượng mỗi tiết học ít, khó đáp ứng tất cả các yêu cầu nội dung nghe, nói từ vựng, ngữ pháp. Bởi thế, những tiết dạy có tính tương tác cao giữa thầy và trò còn hạn chế. Mặt khác, dù tất cả giáo viên dạy tiếng Anh ở các cấp học đều đạt chuẩn về bằng cấp, nhưng do được đào tạo từ nhiều nguồn khác nhau nên chất lượng không đồng đều, phương pháp giảng dạy chưa đổi mới, nhiều giáo viên phát âm tiếng Anh chưa chuẩn do ý thức tự bồi dưỡng chưa cao, ít được tham gia các lớp bồi dưỡng của các chuyên gia có nhiều kinh nghiệm giảng dạy và có ít cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm của các giáo viên từ những nước nói tiếng Anh. Bên cạnh đó, một số trường chưa đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất đáp ứng cho môn học này, như: chưa xây dựng được phòng học tiếng đúng quy chuẩn, sĩ số của mỗi lớp học thường đông, không bảo đảm để đạt hiệu quả giảng dạy tốt…

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020”, từ năm học 2010-2011, Sở GD và ĐT đã triển khai thí điểm dạy môn tiếng Anh cho học sinh tiểu học, bắt đầu từ khối lớp 3, phương pháp chủ đạo là dạy ngôn ngữ giao tiếp với các hoạt động tương tác (trò chơi, bài hát, kể chuyện, câu đố, vẽ tranh…), dưới các hình thức hoạt động độc lập, theo cặp và nhóm. Phương pháp này đã giúp học sinh luyện các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, giáo viên tạo cơ hội tối đa cho học sinh sử dụng tiếng Anh trong lớp học, trong đó đặc biệt chú trọng tới hai kỹ năng nghe và nói. Năm học 2013-2014, Sở GD và ĐT đã cử 1.000 giáo viên tiếng Anh các cấp tiểu học, THCS và THPT đi học tập, bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn, đồng thời đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học cho các trường thí điểm, để tiến tới triển khai dạy đại trà toàn tỉnh trong những năm tiếp theo./.

Hồng Minh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com