Thực hiện Đề án của chính phủ về “Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường”, những năm qua Sở GD và ĐT đã triển khai nhiều biện pháp tích cực, đưa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) vào chương trình giảng dạy chính khóa, ngoại khóa nhằm nâng cao kiến thức pháp luật, giúp học sinh chủ động phòng ngừa những hành vi vi phạm pháp luật.
Toàn tỉnh hiện có 246 trường THCS, 56 trường THPT, 16 trung tâm giáo dục thường xuyên, với 180 nghìn học sinh. Để nâng cao hiệu quả công tác GDPL cho học sinh, hằng năm, đội ngũ giáo viên dạy môn Giáo dục công dân tại các cơ sở giáo dục trong tỉnh đều được bổ sung. Đến nay, toàn ngành có 458 giáo viên môn Giáo dục công dân. Bên cạnh đó, Sở GD và ĐT đã tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ giáo viên dạy môn Giáo dục công dân, pháp luật, cán bộ làm công tác quản lý giáo dục để nâng cao chất lượng giảng dạy cho học sinh. Nội dung tập huấn gồm: bồi dưỡng kiến thức theo chuyên đề trong chương trình giảng dạy, cập nhật kiến thức pháp luật và bồi dưỡng phương pháp giảng dạy; phổ biến kiến thức về ATGT theo chương trình giáo dục ATGT cho học sinh của Bộ GD và ĐT; chương trình "Pokemon cùng em học ATGT" của quỹ Toyota Việt Nam phối hợp với Bộ GD và ĐT... Năm 2012, Sở GD và ĐT đã tổ chức 10 lớp tập huấn kiến thức pháp luật cho gần 1.000 lượt cán bộ, giáo viên đồng thời cập nhật các chỉ thị, nghị quyết, các văn bản về PBGDPL lên website của sở; nâng cao hiệu quả tủ sách pháp luật trong các nhà trường, bổ sung tài liệu, thiết bị phục vụ công tác giáo dục, tuyên truyền pháp luật.
Giáo viên Trường THPT Nam Trực hướng dẫn học sinh tìm hiểu các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông đường bộ. |
Việc đưa công tác giảng dạy pháp luật vào chương trình chính khóa trong các trường phổ thông được thực hiện bằng hình thức đưa vào chương trình giảng dạy chính khoá thông qua môn học Giáo dục công dân và Giáo dục pháp luật, thông qua các hoạt động bổ trợ như sinh hoạt tập thể, giáo dục ngoài giờ nhằm cung cấp kiến thức, rèn luyện kỹ năng thực hiện các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, quyền và nghĩa vụ trong các lĩnh vực pháp luật gắn với cuộc sống và học tập của học sinh. Sở GD và ĐT đã chỉ đạo các trường đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với lứa tuổi, phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh bằng các hình thức: kể chuyện pháp luật, xây dựng tiểu phẩm, xem phim tư liệu…, chú trọng các nội dung gắn với cuộc sống hằng ngày của học sinh như: giáo dục nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật, thói quen ứng xử theo pháp luật của học sinh. Các trường đều lựa chọn nội dung tuyên truyền, PBGDPL hợp lý, có hệ thống, đảm bảo hiệu quả thiết thực đối với học sinh. Đối với môn Giáo dục công dân, việc thực hiện dạy và học chương trình môn Giáo dục công dân và môn Pháp luật được các trường triển khai theo đúng chương trình của Bộ GD và ĐT, bố trí giáo viên có đủ năng lực, đúng chuyên môn giảng dạy. Hệ thống tài liệu tham khảo, sách hỗ trợ dạy và học môn Giáo dục công dân, môn Pháp luật hằng năm được bổ sung kịp thời, được biên soạn dễ hiểu, phục vụ cho việc dạy và học đồng thời lồng ghép tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho học sinh trung học. Sở GD và ĐT đã chỉ đạo, thí điểm đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào tích hợp giảng dạy trong môn Giáo dục công dân tại Trường THPT Tống Văn Trân (Ý Yên) và THPT Hoàng Văn Thụ (Vụ Bản). Bên cạnh đó, Sở GD và ĐT chỉ đạo các trường đổi mới, nâng cao chất lượng các hình thức PBGDPL thông qua các hoạt động ngoại khóa như: tổ chức các hoạt động viết, vẽ tranh, dàn dựng tiểu phẩm, sân khấu hóa những tình huống pháp luật, thành lập các câu lạc bộ chuyên đề pháp luật. Đối với môn giáo dục ATGT, ngoài việc đảm bảo các nội dung học tập theo chương trình và sách giáo khoa của Bộ GD và ĐT, các trường tăng cường các hoạt động ngoại khóa nhằm giáo dục ý thức tham gia giao thông cho học sinh; xây dựng góc tuyên truyền về ATGT; tổ chức hội thi tìm hiểu ATGT… Tại Trường THPT Nam Trực, khi giảng dạy môn giáo dục ATGT, giáo viên bộ môn đã thay đổi phương pháp giảng dạy thích hợp cho từng bài, nhất là việc sưu tầm tư liệu và sử dụng hình ảnh trực quan, liên hệ thực tế các tình huống vi phạm khi tham gia giao thông; xây dựng thói quen ứng xử có văn hóa, đúng luật pháp, xóa bỏ những thói quen tùy tiện vi phạm các quy tắc giao thông, hình thành ý thức tự giác tuân thủ pháp luật khi tham gia giao thông. Các giờ học đã thu hút học sinh cùng tham gia vào những tình huống giao thông cụ thể, không khí lớp học luôn sôi nổi, tác động mạnh vào tư duy, tạo bước chuyển biến mới về nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT của học sinh, làm cơ sở để từng bước hình thành “văn hóa giao thông” trong mỗi học sinh. Do đó, từ nhiều năm nay tuy nằm cạnh tỉnh lộ 489, học sinh cách xa trường từ 1 đến 15km nhưng không xảy ra tai nạn giao thông, nhận thức về pháp luật giao thông của giáo viên và học sinh được nâng lên…
Cùng với việc đưa nội dung PBGDPL vào giảng dạy trong các chương trình chính khóa, hằng năm, Sở GD và ĐT đều đưa nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật tới 100% các trường học. Trong các buổi chào cờ đầu tuần và sinh hoạt lớp cuối tuần đều tổ chức PBGDPL các nội dung về quyền và nghĩa vụ của công dân, giáo dục pháp luật về ATGT, phòng chống ma túy, bảo vệ môi trường, quy chế thi cử và các quy định cụ thể liên quan đến từng cấp học… tới học sinh. Năm 2012, toàn ngành đã tổ chức gần 1.000 buổi tuyên truyền PBGDPL cho 600 nghìn lượt học sinh phổ thông. Bên cạnh đó, các trường đều tổ chức giới thiệu, hướng dẫn cho cán bộ, giáo viên và học sinh địa chỉ các website về pháp luật trên mạng internet; phối hợp với Ban công an, Ban tư pháp các xã, phường, thị trấn tổ chức nói chuyện chuyên đề về ATGT, phòng chống ma túy, bảo vệ môi trường; tổ chức cho học sinh các trường THCS tham gia cuộc thi “Giao thông thông minh” trên mạng internet, do Ủy ban ATGT quốc gia tổ chức. Kết quả qua 3 tháng đầu của kỳ thi, tỉnh ta có 4 học sinh đoạt giải. Ngoài ra, các trường đều khai thác, sử dụng có hiệu quả tủ sách pháp luật trong trường học. Đến nay, các trường học trong tỉnh đều có tủ sách pháp luật hoặc thư viện, phòng đọc có ngăn sách pháp luật với khoảng từ 100 đến 250 đầu sách. Các đầu sách pháp luật thường xuyên được bổ sung, thay mới, tạo sức hấp dẫn đối với học sinh. Việc tích cực đổi mới công tác PBGDPL cho học sinh, đã tạo sự chuyển biến rõ nét về ý thức thường xuyên cập nhật, bổ sung, nâng cao hiểu biết về pháp luật trong cán bộ, giáo viên và học sinh, góp phần ổn định môi trường giáo dục, tăng cường hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về GD và ĐT. Việc dạy học tích hợp giáo dục pháp luật trong chương trình chính khóa, ngoại khóa được nâng cao, tình hình chấp hành pháp luật trong cán bộ, giáo viên và học sinh được nâng lên. Năm 2012 trên địa bàn toàn tỉnh không có hiện tượng vi phạm pháp luật trong học sinh…
Để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền PBGDPL cho học sinh phổ thông, thời gian tới ngành GD và ĐT tăng cường chỉ đạo các Phòng GD và ĐT, các đơn vị trực thuộc tuyên truyền kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước phù hợp với từng đối tượng cụ thể. Thường xuyên củng cố, kiện toàn và nâng cao kiến thức pháp luật cho đội ngũ cán bộ, giáo viên làm công tác pháp chế, giảng dạy, tuyên truyền PBGDPL trong toàn ngành. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên dạy môn Giáo dục công dân, môn Pháp luật; đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục pháp luật phù hợp với mục tiêu GD, ĐT. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong phổ biến, giáo dục pháp luật, coi công tác PBGDPL trong nhà trường là việc làm thường xuyên, liên tục, đồng thời tích cực đổi mới, đa dạng các hình thức tuyên truyền PBGDPL, từng bước hình thành ý thức "sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật" trong học sinh./.
Bài và ảnh: Văn Trọng