Để thư viện trường học thu hút học sinh đến đọc sách báo

04:11, 24/11/2012

Đến thư viện Trường Tiểu học Nghĩa Trung (Nghĩa Hưng) vào mỗi buổi chiều sau giờ học, sẽ bắt gặp nhiều học sinh đang say sưa đọc sách. Với diện tích 90m2, thư viện của nhà trường được trang bị đầy đủ hệ thống tủ đựng sách, báo, bàn, ghế ngồi phục vụ nhu cầu đọc sách, báo của giáo viên và học sinh. Trên các giá sách thiết kế hình cây thông màu sắc tươi sáng, những cuốn truyện tranh, sách tham khảo được sắp xếp gọn gàng, đẹp mắt, trở thành thế giới tri thức đầy hấp dẫn các em đang ở độ tuổi ưa tìm hiểu, khám phá. Những câu danh ngôn nổi tiếng về sách và tác dụng của sách được phóng to, treo trang trọng trên tường, nhắc nhở mọi người về sự cần thiết và tầm quan trọng của văn hóa đọc. Từ lâu, nhà trường đã duy trì việc hằng tuần bố trí cho mỗi khối lớp được đến đọc sách sau giờ học. Để hình thành thói quen đọc sách, bồi đắp cho học sinh niềm yêu thích sách, báo, bên cạnh việc đầu tư kinh phí mua sách, huy động các nguồn lực xã hội đóng góp ủng hộ, nhà trường còn phát động mỗi em góp một cuốn sách hay cho thư viện. Phong trào đọc và làm theo sách, báo đã góp phần không nhỏ vào kết quả giáo dục toàn diện của nhà trường.

Thư viện Trường Tiểu học xã Nghĩa Trung (Nghĩa Hưng) luôn thu hút đông học sinh đến đọc sách sau giờ học.
Thư viện Trường Tiểu học xã Nghĩa Trung (Nghĩa Hưng) luôn thu hút đông học sinh đến đọc sách sau giờ học.

Những năm qua, ngành GD và ĐT tỉnh đã quan tâm đầu tư phát triển hệ thống thư viện trường học để nâng cao khả năng tự đọc, tự tìm hiểu kiến thức thông qua sách, báo của học sinh và giáo viên. Toàn tỉnh hiện có khoảng 580 thư viện trường học với hàng trăm thư viện đạt chuẩn. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải thư viện trường nào cũng duy trì được phong trào đọc sách. Nhiều thư viện trường học chưa thực sự hấp dẫn, thu hút học sinh. Nguyên nhân do còn nhiều thư viện có cơ sở vật chất nghèo nàn, số lượng và chất lượng sách đều hạn chế, phòng đọc tạm bợ, không đáp ứng được nhu cầu của học sinh. Bên cạnh đó, thực tế chương trình học vẫn chưa được giảm tải, quỹ thời gian vui chơi giải trí trong đó có hoạt động đọc sách báo của học sinh quá hạn hẹp, nhất là học sinh ở các trường thành phố nên mặc dù nhiều trường có số lượng sách khá lớn nhưng vẫn không thu hút được các em đến đọc. Em Nguyễn Hoàng Nam, ở Ô 18, phường Hạ Long (TP Nam Định) cho biết: “Thư viện trường em có rất nhiều sách nhưng chỉ mở cửa vào giờ hành chính là lúc chúng em đang học các môn văn hóa, hết giờ học ở trường chúng em phải về nhà hoặc đi học thêm nên không có thời gian đọc sách trong thư viện trường”. Em Nguyễn Thu Thảo, ở xã Trực Thái (Trực Ninh) cho biết: “Thư viện trường học chật hẹp, các lớp phải luân phiên nhau đến đọc nên chúng em không được đọc sách thường xuyên. Nhiều bạn khi đến thư viện còn gây mất trật tự, ảnh hưởng đến việc tập trung đọc sách của các bạn khác”. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ làm công tác thư viện ở các trường phần lớn vẫn là kiêm nhiệm, không có nghiệp vụ thư viện, không am hiểu hoạt động thư viện nên chủ yếu mới thực hiện chức năng trông coi kho sách chứ chưa có khả năng lôi cuốn học sinh hoặc định hướng cho các em chọn lọc những cuốn sách hay và bổ ích. Để thư viện trường học ngày càng có đông bạn đọc, ngành GD và ĐT cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, các trang thiết bị và đội ngũ cán bộ chuyên trách cho thư viện nhà trường. Các hoạt động của thư viện trường học cần được mở rộng, phong phú hấp dẫn hơn, không chỉ dừng lại ở việc lưu giữ, cho mượn sách mà cần khuyến khích học sinh đến với sách nhiều hơn bằng các hình thức: tổ chức thi kể chuyện, hỏi đáp về nội dung những cuốn sách hay, hướng dẫn các em viết thu hoạch hoặc cảm xúc về cuốn sách đã đọc. Nhiều năm qua ở huyện Vụ Bản đã duy trì được hội thi giới thiệu sách dành cho thiếu nhi vào dịp hè do phòng VH, TT và phòng GD và ĐT phối hợp tổ chức, giúp các em có thêm niềm say mê đọc sách. Đây là sân chơi bổ ích rất cần được nhân rộng. Cùng với sự quan tâm đầu tư của ngành GD và ĐT, các nhà trường phải chủ động phát huy chức năng hoạt động của thư viện, tránh rườm rà trong thủ tục mượn, trả sách để học sinh xóa bỏ tâm lý e ngại khi đến thư viện. Có như vậy, thư viện trường học mới phát huy được vai trò là cầu nối đưa học sinh đến với sách, thúc đẩy văn hóa đọc phát triển trong các nhà trường./.

Bài và ảnh: Lam Hồng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com