Tăng cường hiệu quả giáo dục toàn diện thông qua đổi mới các hình thức giáo dục ở bậc tiểu học

07:11, 06/11/2012

Đổi mới hình thức giáo dục ở bậc tiểu học đang là yêu cầu cấp thiết đối với các nhà trường và giáo viên. Nội dung đổi mới gồm: đổi mới cơ sở vật chất trường, lớp; đổi mới công tác quản lý; đổi mới phương pháp dạy học và đổi mới trong cách đánh giá, phân loại học sinh. Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD và ĐT, ngành GD và ĐT tỉnh đang tích cực thực hiện các biện pháp đổi mới nhằm tăng cường hiệu quả giáo dục toàn diện ở bậc tiểu học.  

Nhiều năm qua, phong trào xây dựng trường tiểu học đạt chuẩn xanh - sạch - đẹp - an toàn trên địa bàn tỉnh được đánh giá là một trong các địa phương dẫn đầu toàn quốc đã góp phần quan trọng trong việc đổi mới cơ sở vật chất không gian trong trường học, lớp học, nâng cao chất lượng giáo dục. Năm học 2011-2012, toàn tỉnh có thêm 14 trường tiểu học được công nhận đạt chuẩn xanh - sạch - đẹp - an toàn, nâng tổng số trường tiểu học được công nhận đạt chuẩn lên 68 trường. Năm học 2012-2013, ngành GD và ĐT tỉnh tiếp tục chỉ đạo các trường tiểu học trên địa bàn xây dựng trường học theo hướng xanh - sạch - đẹp - an toàn và thân thiện, củng cố vườn trường, bổ sung cây xanh, cây cảnh vào trong và ngoài lớp học. Bên cạnh đó, ngành phát động phong trào thi đua xây dựng mô hình lớp học kiểu mới theo hướng xanh - sạch - đẹp - an toàn và thân thiện gắn với việc thay đổi hình thức tổ chức dạy học, đưa vào chương trình giáo dục nhiều tiết học ngoài trời, trong thư viện... Không gian lớp học được bố trí lấy học sinh làm trung tâm, giúp học sinh chủ động tiếp thu kiến thức qua việc bố trí các góc học, nhóm học nhằm tăng cường các hoạt động giáo dục khác nhau. Môi trường xung quanh lớp học giúp học sinh tự học, khuyến khích học sinh tham gia vào hoạt động của nhà trường, được bày tỏ ý kiến, qua đó, thực hiện chương trình các môn học một cách linh hoạt, bảo đảm vừa sức, phù hợp với học sinh và thực tiễn giáo dục địa phương theo hướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức và kỹ năng các môn học ở bậc tiểu học. Mô hình học tập mới này sẽ tạo cho học sinh những thay đổi tích cực, các em được tham gia hoạt động ngoại khóa nhiều hơn, được hướng dẫn tự học theo nhóm... giúp học sinh chủ động tiếp thu kiến thức, tự tin tổ chức, điều khiển các hoạt động tập thể và hoạt động giáo dục ngoài giờ.

Giờ học tiếng Anh của học sinh khối lớp 3 Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (TP Nam Định).
Giờ học tiếng Anh của học sinh khối lớp 3 Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (TP Nam Định).

Đối với việc đổi mới công tác quản lý, ngoài việc tổ chức các lớp tập huấn về công tác quản lý, sử dụng phần mềm phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; giáo dục kỹ năng sống; tích hợp nội dung giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào các môn học và hoạt động giáo dục; nội dung chương trình, sách giáo khoa tiếng Anh mới; quản lý thư viện theo hướng xây dựng thư viện thân thiện; tập huấn tin học; hội thảo "Hoàn thiện kỹ năng phát âm cho học sinh tiểu học"; ngành tiếp tục khuyến khích các nhà trường tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên đi học nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ, đáp ứng yêu cầu đổi mới. Đến nay, số lượng giáo viên tiểu học toàn tỉnh đạt chuẩn chiếm 99,9%. Sở GD và ĐT chỉ đạo Phòng GD và ĐT các huyện, thành phố chỉ đạo các trường triển khai hướng dẫn thực hiện chuẩn kiến thức, kỹ năng các môn học ở tiểu học đến từng giáo viên; tổ chức hội thảo, rút kinh nghiệm ở cấp trường, tuyên truyền và nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên về trách nhiệm, đạo đức nhà giáo để giáo viên có ý thức trong việc nâng cao chất lượng giáo dục học sinh. Ngành chỉ đạo các nhà trường căn cứ vào điểm mạnh của từng trường để tổ chức dạy và học, giao quyền tự chủ cho các nhà trường trong việc chủ động bố trí thời gian và nội dung hợp lý đối với các hoạt động dạy học và giáo dục để thực hiện chương trình đổi mới; tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động thực tế tại địa phương, học sinh được tự học có sự hướng dẫn của giáo viên để hoàn thành yêu cầu học tập cùng với việc bồi dưỡng học sinh năng khiếu, tăng cường các hoạt động nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện.

Trong đổi mới phương pháp dạy học, các trường tiểu học đang tập trung dạy học phù hợp với đối tượng học sinh, trên cơ sở bảo đảm chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình. Đồng thời, thực hiện chương trình các môn học một cách linh hoạt, bảo đảm vừa sức, phù hợp với học sinh và thực tiễn giáo dục theo hướng dẫn chuẩn kiến thức, kỹ năng các môn học ở bậc tiểu học. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi các trường và giáo viên cần có thời gian tìm hiểu và lựa chọn phương tiện giảng dạy phù hợp với khả năng, điều kiện để thực hiện một cách chủ động và sáng tạo. Để phục vụ mục tiêu đổi mới phương pháp dạy học, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (TP Nam Định) đã chuẩn bị tài liệu giảng dạy các môn học với nội dung phong phú, hấp dẫn. Điển hình như bộ tài liệu môn tự nhiên - xã hội bằng hình ảnh đã được Bộ GD và ĐT đánh giá như một bộ tài liệu tiêu biểu cho hoạt động đổi mới phương pháp dạy học ở bậc tiểu học. Đây là sản phẩm hợp tác giữa Bộ GD và ĐT và Tập đoàn Giáo dục UNET, giúp giáo viên chuyển tải và mở rộng kiến thức sách giáo khoa môn tự nhiên - xã hội (sử dụng đĩa DVD) bằng hình ảnh sinh động, nội dung hấp dẫn giúp học sinh hứng thú trong học tập, đồng thời giúp giáo viên tổ chức các hoạt động học tập đạt kết quả cao, phù hợp chủ trương đổi mới phương pháp dạy tiểu học.

Tuy nhiên, đối với các trường tiểu học ở nông thôn việc áp dụng các trang thiết bị hiện đại trong dạy và học còn nhiều khó khăn, do vậy hiệu quả của việc đổi mới phương pháp dạy học tại các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh chưa cao. Một trong những bất cập là đồ dùng phục vụ cho việc dạy học do Bộ GD và ĐT cấp còn hạn chế, đồ dùng do giáo viên tự làm sẽ phong phú và đa dạng hơn, nhưng trên thực tế giáo viên không có thời gian cũng như kinh phí thực hiện. Việc đổi mới phương pháp dạy học ở một số trường còn mang tính hình thức, giáo viên chưa chủ động tìm tòi, sáng tạo và khai thác hiệu quả các hình thức dạy học nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Cùng với các biện pháp khắc phục như nâng cao chất lượng sinh hoạt tổ nhóm chuyên môn, tăng cường bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên, đổi mới không gian lớp học, đổi mới các hình thức tổ chức dạy học, cách đánh giá tiết dạy..., vấn đề đặt ra là cần phân loại học sinh và luôn hướng học sinh hợp tác trong học tập thông qua các nhóm học, trong đó, giáo viên có vai trò là người tổ chức cho học sinh tự học và hướng dẫn, quan sát. Hưởng ứng việc triển khai thí điểm Dự án mô hình trường học mới Việt Nam (VNEN) do Bộ GD và ĐT phát động, với tinh thần tự nguyện, ưu tiên những vùng khó khăn, tỉnh ta có một trường tiểu học của huyện Ý Yên tham gia triển khai thí điểm dự án. Các trường tham gia dự án sẽ tập trung đổi mới phương pháp sư phạm, bồi dưỡng giáo viên, giữ nguyên nội dung sách giáo khoa, chuẩn kiến thức, kỹ năng theo chương trình hiện hành. Dự án củng cố việc giảng dạy và học tập cả ngày tại các trường tiểu học, tập trung chuyển đổi hình thức giảng dạy truyền thụ từ phía giáo viên sang học sinh theo hình thức tự học là chính. Mô hình mới này cũng đề cập tới việc phát huy vai trò giáo dục của gia đình, cộng đồng trong việc dạy dỗ con em mình. Tài liệu dùng để dạy và học của mô hình trường học mới là tài liệu hướng dẫn học tập dùng cho cả giáo viên và học sinh, giúp hỗ trợ, hướng dẫn học sinh về phương pháp học tập mới, thói quen tự học, tự đánh giá... Vấn đề cuối cùng nhằm tăng cường hiệu quả giáo dục toàn diện là đổi mới cách đánh giá, xếp loại học sinh tiểu học dựa trên nguyên tắc coi trọng việc động viên, khuyến khích sự tiến bộ của học sinh, không tạo áp lực cho học sinh và giáo viên.

Tăng cường hiệu quả giáo dục toàn diện thông qua việc đổi mới các hình thức giáo dục ở bậc tiểu học, có sự sáng tạo phù hợp với thực tiễn, đã và đang được ngành GD và ĐT quan tâm chỉ đạo thường xuyên, góp phần nâng cao chất lượng GD và ĐT bền vững./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com