Nâng cao chất lượng các cơ sở dạy nghề địa phương

05:08, 25/08/2012

Hiện nay, hệ thống cơ sở giáo dục chuyên nghiệp và dạy nghề trên địa bàn tỉnh gồm 11 đơn vị trực thuộc Trung ương, 26 cơ sở trực thuộc địa phương với quy mô đào tạo khoảng 29.500 người mỗi năm, trong đó trình độ cao đẳng nghề khoảng 4.000 người, trung cấp nghề 5.000 người, dạy nghề và dạy nghề thường xuyên chiếm tỷ lệ cao nhất. Đến tháng 4-2012, ở 37 cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh có trên 2.000 cán bộ, giáo viên, trong đó có 1.466 giáo viên. Công tác phát triển chương trình, giáo trình, học liệu đã được các cơ sở thực hiện theo hướng dẫn của Bộ LĐ-TB và XH và chỉ đạo của tỉnh. Đối với trình độ cao đẳng nghề và trung cấp nghề, các cơ sở đã bám sát chương trình khung do Bộ LĐ-TB và XH quy định để xây dựng chương trình, giáo trình của đơn vị và được Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB và XH), Sở LĐ-TB và XH thẩm định trước khi triển khai thực hiện. Đối với trình độ sơ cấp nghề, các cơ sở dạy nghề đã bám sát quy định của Thông tư 31/2011 của Bộ LĐ-TB và XH để xây dựng chương trình, giáo trình cụ thể phù hợp với đặc điểm nghề đào tạo tại đơn vị và được Sở LĐ-TB và XH thẩm định trước khi thực hiện.

Học sinh lớp điện công nghiệp Trường Cao đẳng nghề Nam Định trong giờ thực hành lắp đặt tủ điện.
Học sinh lớp điện công nghiệp Trường Cao đẳng nghề Nam Định trong giờ thực hành lắp đặt tủ điện.

Năm học 2010-2011, các cơ sở đã xây dựng được 25 chương trình sơ cấp nghề và chỉnh sửa 50 chương trình, giáo trình nghề khác, đáp ứng yêu cầu học nghề của lao động. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của các cơ sở dạy nghề từng bước được quan tâm. Trong giai đoạn 2006-2011, các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư 61,57 tỷ đồng để xây dựng cơ bản. Có 34/37 cơ sở dạy nghề đã đạt chuẩn về diện tích, chỉ còn 3 cơ sở do địa phương quản lý chưa đạt, gồm Trung tâm Dạy nghề HND tỉnh, Trung tâm Dạy nghề Hội LHPN tỉnh và Trung tâm Dạy nghề Đông Yên tại xã Yên Trị (Ý Yên). Về phòng học lý thuyết và xưởng thực hành nghề, các cơ sở do Trung ương quản lý đều đạt chuẩn quy định, 26 cơ sở do địa phương quản lý mới đạt tương đối về diện tích phòng học lý thuyết cũng như xưởng thực hành nhưng chủ yếu là nhà cấp 4, tận dụng các phòng cũ nên đã xuống cấp, chỉ có Trung tâm Dạy nghề huyện Vụ Bản mới được đầu tư xây dựng nên bảo đảm khang trang theo chuẩn. Về trang thiết bị phục vụ dạy nghề, giai đoạn đầu khi mới thành lập các cơ sở dạy nghề (nhất là các cơ sở công lập) chủ yếu tận dụng máy móc, thiết bị cũ mua của các doanh nghiệp và tự làm thiết bị để dạy nghề. Để khắc phục hạn chế về trang thiết bị, một số cơ sở đã liên kết với doanh nghiệp đưa học sinh đến thực tập để được tiếp cận với thiết bị hiện đại. Trong giai đoạn 2006-2011, nguồn ngân sách tỉnh và kinh phí từ chương trình mục tiêu quốc gia đã cấp 85,73 tỷ đồng cho các cơ sở dạy nghề do tỉnh quản lý để mua sắm trang thiết bị mới. Theo kết quả điều tra về lao động và công tác đào tạo nghề của Sở LĐ-TB và XH, nhìn chung hệ thống cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển mới, hoạt động đào tạo nghề từng bước đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Các cơ sở dạy nghề đã góp phần thực hiện mục tiêu phổ cập nghề cho người lao động để làm việc ngay tại địa phương, gia đình và cung cấp một số lượng lớn công nhân kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu duy trì và phát triển làng nghề, các khu, CCN, các điểm công nghiệp tập trung của tỉnh và các địa phương.

Tuy nhiên, hiện nay hệ thống cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh phát triển chưa đồng bộ. Các cơ sở chủ yếu tập trung đăng ký hoạt động dạy nghề ở một số ngành, nhóm ngành đơn giản, trong khi một số ngành nghề mới mà thị trường lao động đang có nhu cầu cao như: lập trình CNC, đúc dát đồng mỹ nghệ… thì các cơ sơ chưa quan tâm đầu tư đúng mức. Điều này dẫn đến tình trạng lao động mà các cơ sở cung ứng ra thị trường vừa thừa, vừa thiếu; phát sinh sự cạnh tranh gay gắt hơn giữa các cơ sở dạy nghề. Trang thiết bị dạy nghề của các cơ sở vừa thiếu, vừa yếu về số lượng, chủng loại, chất lượng do việc đầu tư bị hạn chế bởi nguồn vốn và đầu tư dàn trải. Việc cập nhật thiết bị, công nghệ mới càng khó khăn trong khi đội ngũ giáo viên nghề ở các cơ sở do địa phương quản lý vừa thiếu về số lượng, lại chưa đạt chuẩn chất lượng, nhất là trong lĩnh vực thực hành. Thực trạng ở nhiều cơ sở dạy nghề do địa phương quản lý là giáo viên được tuyển đủ tiêu chuẩn thì tay nghề thực hành hạn chế, nếu sử dụng các nghệ nhân làng nghề để truyền dạy thì tay nghề cao nhưng lại không đảm bảo về bằng cấp, chứng chỉ theo quy định. Không những thế, mức thù lao đối với các nghệ nhân nhiều khi vượt quá khả năng chi trả của đơn vị dạy nghề trừ khi các nghệ nhân tham gia với tâm huyết truyền nghề để tinh hoa nghề truyền thống không bị mai một(!). Tình trạng thiếu giáo viên cơ hữu ở các trung tâm dạy nghề cấp huyện cũng đang là trở ngại cho mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo do thiếu chủ động vì phải thuê giáo viên. Để khắc phục những hạn chế nêu trên, tỉnh cần tập trung đánh giá, rà soát toàn bộ mạng lưới cơ sở dạy nghề, khẩn trương hoàn thiện quy hoạch phát triển cơ sở dạy nghề đến năm 2020, tầm nhìn 2030 làm cơ sở để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, sát nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Các cơ sở dạy nghề phải nghiêm túc đánh giá năng lực thực tế, lựa chọn số lượng ngành nghề thực sự là thế mạnh để tập trung đầu tư cả về giáo viên và trang thiết bị giảng dạy, bảo đảm chất lượng, tránh trùng chéo ngành nghề, vừa khó cho cơ sở, vừa khó cho người học lựa chọn nghề. Các cơ sở dạy nghề cần tăng cường liên kết, huy động các nguồn lực trong xã hội tham gia đầu tư cho hoạt động đào tạo nghề, giảm bớt phụ thuộc ngân sách Nhà nước để vừa tránh bị động về nguồn vốn đầu tư cũng như thời gian thực hiện các dự án để không rơi vào nguy cơ đánh mất các cơ hội phát triển cho cả cơ sở và người học./.

Bài và ảnh: Vân Anh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com