Trong những năm qua, ngành GD và ĐT tỉnh đã thường xuyên phát động phong trào làm đồ dùng dạy học ở tất cả các cấp học từ mầm non đến THPT. Đặc biệt trong năm học 2011-2012, lần đầu tiên Sở GD và ĐT tổ chức hội thi thiết bị giáo dục tự làm dành cho giáo viên ở các bậc học trong toàn tỉnh đã "thổi bùng" lên nhiệt huyết của các thầy, cô giáo - những người vẫn ngày ngày trăn trở làm sao để đưa kiến thức đến được với học sinh một cách dễ dàng, hiệu quả nhất.
Là một trong 5 tỉnh, thành của cả nước được Bộ GD và ĐT chọn thực hiện thí điểm “Đề án phát triển thiết bị dạy học tự làm giai đoạn 2010-2015”, Sở GD và ĐT đã sớm xây dựng kế hoạch tổ chức hội thi thiết bị giáo dục tự làm từ cấp huyện đến cấp tỉnh; đồng thời có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị phát động phong trào tự làm đồ dùng dạy học. Hầu hết các đơn vị đã quán triệt kế hoạch, tổ chức cho giáo viên đăng ký và định hướng những thiết bị có thể cải tiến, cần sửa chữa, cần làm cho từng tổ, nhóm chuyên môn và mỗi giáo viên. Nhiều trường học, tổ chuyên môn đã tổ chức hội nghị, hội thảo chuyên đề bàn về việc tự làm thiết bị dạy và học ở các kỳ hội giảng, hội học và thi chọn giáo viên giỏi các cấp học. Nhiều thiết bị dạy và học tự làm đã phát huy được tính sư phạm của sản phẩm. Tiêu chuẩn các sản phẩm dự thi phải đảm bảo 3 yếu tố: Tính sáng tạo khoa học; tính thẩm mỹ sư phạm và tính kinh tế hiệu quả. Kết thúc năm học, toàn tỉnh có hơn 6.000 thiết bị dạy học tự làm của cán bộ, giáo viên tham gia dự thi ở các hội thi cấp huyện và các đơn vị trực thuộc sở, trong đó có nhiều thiết bị được đánh giá có chất lượng cao. Nhiều đơn vị tổ chức thành công hội thi và hội thi đã trở thành ngày hội của những nhà giáo say mê nghề nghiệp, giàu óc sáng tạo, tiêu biểu là các phòng GD và ĐT: Thành phố Nam Định, huyện Giao Thủy, huyện Trực Ninh…
Giáo viên Trường THCS Hàn Thuyên (TP Nam Định) giới thiệu bộ thiết bị dạy học tự làm môn Âm nhạc tại hội thi. |
Tại hội thi toàn tỉnh vừa qua, đã thu hút sự tham gia của 10/10 phòng GD và ĐT huyện, thành phố, 39 trường THPT, 15 trung tâm GDTX, dạy nghề trực thuộc Sở GD và ĐT, với 325 bộ sản phẩm dự thi và trưng bày, trong đó, khối cấp học mầm non có 30 bộ sản phẩm, cấp tiểu học có 100 sản phẩm; khối THPT có 66 sản phẩm; khối trung tâm GDTX và dạy nghề trực thuộc sở có 29 sản phẩm tham gia dự thi. Sự đa dạng, đẹp, hấp dẫn về hình thức, chất lượng, được làm công phu, tinh xảo có tính thẩm mỹ, giáo dục cao của các sản phẩm dự thi đã thu hút đông đảo cán bộ, giáo viên trong ngành đến xem, học hỏi, rút kinh nghiệm. Trong đó, có nhiều sản phẩm được tận dụng từ những nguyên liệu dễ tìm trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày như ống nhựa, bóng đèn cháy, tre, đá, linh kiện máy vi tính hỏng, vỏ lon, chai nhựa... Nhiều đồ dùng, đồ chơi đã có sự đầu tư với những sản phẩm bền, đẹp, được khai thác và ứng dụng sáng tạo, thiết kế phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi, có tác dụng rèn luyện kỹ năng, mang tính giáo dục cao. Qua đánh giá của ban giám khảo, trong số 30 bộ thiết bị đồ dùng đồ chơi của cấp học mầm non, có nhiều sản phẩm có tính sáng tạo, có thể phổ biến rộng rãi, như thiết bị chiếc bảng đa năng của nhóm cô giáo Trường Mầm non Hải Châu (Hải Hậu), cây thông đa năng của nhóm cô giáo Trường Mầm non Mỹ Hà (Mỹ Lộc), bộ tranh vải của cô giáo Đặng Thị Hường, Trường Mầm non Giao Phong (Giao Thủy)… Ở cấp tiểu học, nhiều thiết bị có tính sư phạm, tính sáng tạo và thực tiễn cao như biểu đồ Toán 4 của cô giáo Phan Bích Thủy, Trường Tiểu học Trần Phú (TP Nam Định); phần mềm dạy môn Lịch sử của cô giáo Đặng Hồng Trường, Trường Tiểu học Xuân Hồng C (Xuân Trường); bộ chữ cái dạy tập viết theo nhóm của các thầy cô giáo Trường Tiểu học A Hiển Khánh (Vụ Bản). Trong số 14 môn học ở cấp THCS, đã có 13 môn học có thiết bị tham gia hội thi, trong đó nhiều sản phẩm được đánh giá có thể triển khai sản xuất đại trà, áp dụng cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn toàn tỉnh, đó là các thiết bị: Nguyên tắc tạo ra dòng điện xoay chiều môn Vật lý, sơ đồ đa năng môn Hóa học, bộ đồ dùng hình học không gian lớp 9, mô hình thực hành biểu đồ hình tròn dạy môn Địa lý, hệ thống cân bằng bền môn Vật lý… Khối các trường THPT và trung tâm GDTX cũng có những sản phẩm có thể triển khai áp dụng trong các nhà trường ngay trong năm học tới. Để có được các sản phẩm mang tính ứng dụng cao, từ Sở GD và ĐT đến các phòng GD và ĐT, các nhà trường, trung tâm GDTX đều phải chuẩn bị từ rất sớm. Có nhiều sản phẩm được giáo viên ấp ủ ý tưởng từ nhiều năm trước, trong đó một số giáo viên đã sáng tạo cả các phần mềm mô phỏng các thí nghiệm Hoá học, Vật lý, Sinh học… rất có ý nghĩa và nâng cao hiệu quả trong việc dạy các thí nghiệm khó thực hiện được trong điều kiện dạy học hiện nay. Cũng có sản phẩm được làm lại từ các thiết bị dạy học cũ đã được trang bị trong quá trình giảng dạy để cho ra đời những thiết bị hoàn thiện hơn, hiệu quả hơn trên cơ sở thực tiễn giảng dạy và kết quả của các lần thi cấp trường, cấp huyện. Điều đó đã góp phần khắc phục kịp thời những thiết bị còn thiếu, bổ sung các thiết bị chưa có điều kiện mua sắm, thay thế hoặc cải tiến các thiết bị hư hỏng, mất mát… cho phù hợp với tình hình, đặc điểm của các nhà trường. Theo thầy giáo Bùi Quang Nhật, giáo viên Trung tâm GDTX Trần Phú, để làm được bộ thiết bị giáo dục, đòi hỏi giáo viên phải có lòng mê nghiên cứu và có tinh thần trách nhiệm cao đối với môn học. Không chỉ suy nghĩ để làm ra những sản phẩm mới có tính thực tiễn cao mà mỗi giáo viên phải biết cải tiến, sửa chữa những thiết bị đã được cung cấp nhưng qua quá trình thực hành đã hỏng hoặc không phù hợp với thực tiễn. Bản thân thầy, trong quá trình giảng dạy đã sửa chữa, cải tiến nhiều thiết bị thí nghiệm ở môn Vật lý. Với lòng đam mê nghiên cứu, thầy đã sáng tạo ra những sản phẩm thiết bị dạy học mới và nhiều thiết bị của thầy và đồng nghiệp đã được đăng ký sở hữu trí tuệ, được các đơn vị thiết bị trường học tìm mua để sản xuất đại trà. Trong Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật toàn tỉnh lần thứ hai và ba, thầy và đồng nghiệp tham gia và đã đoạt một giải nhất, một giải ba. Tại hội thi thiết bị dạy học tự làm toàn tỉnh lần này, thầy Nhật đã đem đến hội thi 7 sản phẩm, trong đó có 6 sản phẩm dự triển lãm, một tác phẩm dự thi, gồm các bộ thí nghiệm: Mô men lực điều kiện cân bằng, cảm ứng điện từ, từ trường dòng điện trong dây dẫn có dạng đặc biệt, máy phát điện xoay chiều ba pha bằng sức gió, dòng điện trong chân không. Đây là những bộ thí nghiệm được thầy ấp ủ làm từ nhiều năm nay, trong đó có nhiều chi tiết trong các sản phẩm được tận dụng từ đồ phế thải nhưng lại có tính ứng dụng cao cả trong giảng dạy và cuộc sống. Các sản phẩm của thầy tham dự tại hội thi đã thu hút đông đảo cán bộ, giáo viên đến tham quan và trao đổi kinh nghiệm. Hội thi đã thực sự là một hoạt động thiết thực của ngành GD và ĐT, góp phần đẩy mạnh phong trào “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” góp phần tích cực trong quá trình đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo cho học sinh, qua đó nâng cao hơn nữa chất lượng công tác giáo dục trong các nhà trường.
Thông qua các hội thi thiết bị giáo dục tự làm từ cấp huyện đến cấp tỉnh, đã khơi dậy sự sáng tạo, lòng yêu nghề của đội ngũ giáo viên, đồng thời định hướng cho giáo viên truyền thụ kiến thức nghiêng về thực hành, góp phần nâng cao hiệu quả dạy và học, khắc phục phương pháp truyền thụ một chiều, khuyến khích tư duy sáng tạo của giáo viên và học sinh. Trong giai đoạn 2002-2009, cùng với quá trình đổi mới chương trình, tất cả các trường phổ thông trong toàn quốc đã được trang bị đầy đủ thiết bị dạy học, đảm bảo nhu cầu tối thiểu theo danh mục thiết bị dạy học đã được Bộ GD và ĐT ban hành. Mặc dù các thiết bị dạy học này đã được quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, tuy nhiên việc mua sắm bổ sung, thay thế các thiết bị dạy học này hằng năm gặp một số khó khăn như nguồn cung cấp thiết bị, các chi tiết lẻ, kinh phí mua sắm bổ sung và sửa chữa, phương pháp sửa chữa khắc phục các thiết bị hư hỏng trong quá trình sử dụng... Vì vậy, giải pháp tự làm thiết bị dạy học, tự sửa chữa, tự cải tiến thiết bị dạy học trong các nhà trường là thật sự cần thiết trong điều kiện hiện nay. Hy vọng rằng, phong trào tự làm thiết bị dạy học sẽ tiếp tục được duy trì và phát triển rộng rãi trong các nhà trường, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở tất cả các cấp học./.
Bài và ảnh: Hồng Minh