Đổi mới căn bản, toàn diện GD và ĐT: Phải thay đổi gấp cách nghĩ, cách làm

07:09, 30/09/2011

Hội thảo khoa học "Tọa đàm khoa học về đổi mới căn bản, toàn diện GD và ĐT” do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì ngày 27-9 vừa qua đã đặt ra nhiều giải pháp, hướng đi hướng tới một cuộc chấn hưng giáo dục mạnh mẽ. Trước thực trạng nền giáo dục nước nhà được đánh giá còn nhiều bất cập, yếu kém, cần phải được đổi mới, nhiều đại biểu nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các giáo sư đầu ngành tâm huyết cho rằng, việc đổi mới là cấp thiết, nhưng không được làm kiểu chữa cháy, chắp vá mà phải có lộ trình tổng thể...

Đổi mới lâu nay chưa bám sát thực tế

Xoay quanh mục tiêu đóng góp ý kiến về "đổi mới căn bản, toàn diện GD và ĐT”, Thứ trưởng Bộ GD và ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, 10 năm qua bên cạnh những thành tựu to lớn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển và đổi mới đất nước, giáo dục nước ta vẫn còn tồn tại nhiều yếu kém, bất cập, chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Việc xây dựng chiến lược phát triển giáo dục trong thời gian tới cần phù hợp với đòi hỏi của sự phát triển đất nước. Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020 sẽ được hình thành mang tính thiết thực, hiệu quả cao với 7 giải pháp được đưa ra lựa chọn. Trong đó, 3 giải pháp có tính đột phá gồm đổi mới quản lý giáo dục; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; tiếp tục đổi mới nội dung chương trình, phương pháp dạy học, thi, kiểm tra và đánh giá chất lượng giáo dục.

Một giờ học của học sinh Trường THCS Thị trấn Ngô Đồng (Giao Thủy). Ảnh: Vân anh
Một giờ học của học sinh Trường THCS Thị trấn Ngô Đồng (Giao Thủy).
Ảnh: Vân Anh

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã có những đóng góp đầy tâm huyết: "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục chính là cải cách giáo dục! Muốn chuyển biến căn bản và toàn diện nền giáo dục thì nhất thiết chúng ta phải làm một cuộc cải cách giáo dục. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, đổi mới hay cải cách không đơn thuần là khác biệt về câu chữ. Hiện nay, tồn tại một thực trạng là đổi mới chắp vá, thiếu một tầm nhìn tổng thể, một kế hoạch đồng bộ. Điều đó diễn ra khi chưa có một đề án tổng thể, chưa xác định rõ phương hướng của cả hệ thống giáo dục mà đã tính chuyện làm mới chương trình và SGK thì đổi mới ấy còn xa mới có tính căn bản và toàn diện”. "Muốn giáo dục đổi mới căn bản, toàn diện nhất thiết phải thay đổi cách nghĩ, cách làm giáo dục”, bà Bình nhấn mạnh.

GS. TSKH Vũ Ngọc Hải, nguyên Thứ trưởng Bộ GD và ĐT nói, điều then chốt thực hiện lộ trình này là "đổi mới căn bản quản lý giáo dục và chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục”. Đó là một trong những giải pháp quan trọng để củng cố, nâng cao chất lượng giáo dục, tạo nền tảng vững chắc từ yếu tố người thầy - có vai trò không thể thiếu truyền thụ kiến thức và định hướng cho học sinh - nhằm tạo hiệu quả và sự thành công. Theo TS.Trần Quốc Toản, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, nền giáo dục nước ta đang đứng trước nhiều đòi hỏi, thách thức và cơ hội lớn. Muốn thực hiện đúng ý nghĩa việc đổi mới, nền giáo dục nước nhà phải trả lời được ba câu hỏi lớn: Vì sao lại phải đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục? Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục là đổi mới thế nào? Làm thế nào để đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục? Còn theo GS. Lâm Quang Thiệp, sự đổi mới giáo dục chúng ta đã làm lâu nay diễn ra ngập ngừng, không nhất quán, thiếu đồng bộ. Nghĩa là không chỉ ra được, không xác định được quan điểm cơ bản làm nền tảng, điều đó kéo theo giải pháp chỉ mang tính tạm thời, không triệt để.

Cần nâng cao đời sống người giảng dạy

Từng giữ chức Bộ trưởng Bộ GD và ĐT từ nhiều năm trước, bà Nguyễn Thị Bình rất tâm huyết với chủ trương đổi mới giáo dục, mà thực chất là cuộc cải cách toàn giáo dục trên quy mô lớn. Một trong những vấn đề bà Bình tâm huyết là "Định hướng phát triển giáo dục phổ thông 10-15 năm tới” (đây cũng là tên một cuốn sách do bà làm chủ biên, xuất bản năm 2010). Trong đó, điều nan giải nhất hiện nay là thu nhập của giáo viên quá thấp, đời sống nhà giáo chưa được cải thiện. Vì vậy, để giải quyết tận gốc vấn đề giáo viên, không có gì khác là phải sớm bắt đầu cải cách công tác đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và phải thay đổi chính sách đãi ngộ để nhà giáo sống được bằng lương và các khoản phụ cấp nghề nghiệp chứ không thể để các thầy, cô giáo sống bằng dạy thêm hoặc bằng một nghề nào khác, bà Bình nói thêm.

GS Hoàng Tụy, một trong những "cây đại thụ” đầu ngành giáo dục, được mọi người biết đến với Bản điều trần chấn hưng nền giáo dục (gửi Chính phủ năm 2004), đã chỉ ra, chấn hưng, cải cách nền giáo dục hiện nay phải đi từ triết lý giáo dục căn bản. Bàn về vấn đề tiền lương, cải cách, ông nói: "Việc cải cách tiền lương cần đi liền với chống tham nhũng. Lương phải thực chất thì mới chống tham nhũng, cải cách được giáo dục”. Theo ông, về lý thuyết, giảng viên đại học chỉ có mức lương 5-6 triệu đồng, nhưng trên thực tế tổng thu của họ lại lên tới 50-60 triệu đồng. Có nhiều nguồn để làm nên tổng thu lớn như vậy. Đơn cử, ở nước ngoài tiền tài trợ cho các đề tài nghiên cứu khoa học chỉ được dùng để mua thêm phương tiện để nghiên cứu, chứ tuyệt đối không được dùng tiền tài trợ đó để tiêu cho bản thân. Nhưng tại một số trường đại học hiện nay, việc đăng ký được đề tài khoa học (Nhà nước tài trợ kinh phí) là một số cá nhân đã có tiền bỏ túi. Đôi khi, việc làm đề tài lại liên quan đến việc lên chức, nâng lương, tăng thu nhập đáng kể. "Điều đó đã nảy sinh nạn chạy đề tài nghiên cứu khoa học. Nếu tình trạng cơ cấu thu nhập bất hợp lý còn tồn tại thì sẽ là kẽ hở cho tham nhũng”, GS Hoàng Tuỵ phân tích./.

Theo: daidoanket.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com