Nhân năm học mới, đọc lại những lời dạy của Bác Hồ: "Cốt nhất là phải dạy cho học trò biết yêu nước, thương nòi"

08:08, 25/08/2011

Ngày 21 tháng 10 năm 1964, cùng Tổng thống Mali Môđibô Câyta đến thăm trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Bác Hồ đã nói với các thầy giáo, cô giáo: "Người thầy giáo tốt - Thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những người anh hùng vô danh".

Vốn là một người thầy giáo, rồi trong suốt 30 năm hoạt động cách mạng ở nước ngoài, đã nhiều năm sống ở những đất nước phát triển, Bác Hồ đã từng quan tâm đến nền giáo dục của họ, và nghĩ về sự học của nước nhà trong tương lai.

Trong tác phẩm "Đây công lý của thực dân Pháp !" năm 1926, Bác đã viết:

"Người Việt Nam rất hiếu học. Trong các tầng lớp xã hội, người sĩ phu chiếm địa vị hàng đầu. Có con học giỏi là một vinh hạnh cho cha mẹ. Cho nên dù có nghèo đói đến đâu, cha mẹ cũng cố tìm cách cho con cái được học hành".

Vị trí của ngành giáo dục đối với đất nước thật là quan trọng, không chỉ cho hôm nay, mà còn cho tương lai của cả dân tộc. Nhân năm học mới, chúng ta càng nhớ đến những lời dạy và lòng mong ước của Bác Hồ, trong bức thư Người gửi cho học sinh cả nước, nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam độc lập:

"Tôi đã tưởng tượng thấy trước mắt cái cảnh nhộn nhịp tưng bừng của ngày tựu trường ở khắp nơi... Nhưng sung sướng hơn nữa, từ giờ phút này giở đi, các em bắt đầu được nhận một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam… Một nền giáo dục của một nước độc lập, một nền giáo dục nó sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em". 

Bác Hồ với học sinh Trường Trung học Trưng Vương (Hà Nội) năm 1956.  Ảnh: Internet
Bác Hồ với học sinh Trường Trung học Trưng Vương (Hà Nội) năm 1956.
Ảnh: Internet

Chỉ mấy câu ngắn gọn ấy, nhưng đó chính là một nền giáo dục mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phác thảo ra cho chúng ta, ngay từ những ngày tháng 9 năm 1945. Bức thư ngắn gọn, chỉ có 616 từ, nhưng chứa đựng những tư tưởng hết sức cơ bản, đặt nền móng cho nền giáo dục mới của nước ta.

Trải qua hơn 66 năm, nền giáo dục của chúng ta đã thu được những thành tựu to lớn! Nạn mù chữ là gia tài đen tối mà chế độ cũ để lại đã bị xoá bỏ. Cả nước ta, từ miền núi đến miền xuôi là một trường học lớn. Mỗi năm hơn 22 triệu học sinh nô nức bước vào năm học mới, từ mẫu giáo tới đại học và trên đại học.

Song những năm gần đây, nền giáo dục của chúng ta có nhiều vấn đề quan trọng, mà xã hội quan tâm. Bệnh chạy theo thành tích, theo bằng cấp, nạn bằng thật học giả, nạn học thêm dạy thêm, nhồi nhét kiến thức, làm hỏng bộ óc học sinh, và cũng vì dạy thêm mà những giờ học chính khoá lại bị lơ là. Gần đây, hiện tượng bạo lực trong nhà trường cũng làm cho cả xã hội phải quan tâm, lo lắng. Nghiêm trọng hơn, là nhà trường nhiều nơi chưa chú ý đến việc dạy người, dạy lòng yêu nước, sự trung thực, thật thà.

Trong thư gửi giáo viên, học sinh, cán bộ thanh niên và nhi đồng ngày 31-10-1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết:

"Mỗi cấp giáo dục cần nhận rõ nhiệm vụ của mình trong lúc này:

- Đại học thì cần kết hợp lý luận khoa học với thực hành, ra sức học tập lý luận và khoa học tiên tiến của các nước bạn, kết hợp với thực tiễn của nước ta, để thiết thực giúp ích cho công cuộc xây dựng nước nhà.

- Trung học thì cần đảm bảo cho học trò những tri thức phổ thông chắc chắn, thiết thực, thích hợp với nhu cầu và tiền đồ xây dựng nước nhà, bỏ những phần nào không cần thiết cho đời sống thực tế.

- Tiểu học thì cần giáo dục các cháu thiếu nhi yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, trọng của công. Cách dạy phải nhẹ nhàng và vui vẻ, chớ gò ép thiếu nhi vào khuôn khổ của người lớn. Phải đặc biệt giữ gìn sức khoẻ cho các cháu".

Những lời dạy hơn 50 năm trước của Bác, như đang nói với chúng ta ngày hôm nay. Chúng ta hãy thực hiện tốt lời Bác đã chỉ dẫn. Những ý kiến của Bác về đại học, kết hợp lý luận khoa học với thực hành, kết hợp khoa học tiên tiến của thế giới với thực tiễn nước ta, thiết thực giúp ích cho công cuộc xây dựng nước nhà, cũng chính là những vấn đề mà giáo dục đại học của chúng ta hôm nay còn yếu kém.

Về trung học, Bác nói cần bỏ những phần nào không cần thiết cho đời sống thực tế. Đây là những lời dạy rất thiết thực, mà qua nhiều lần thay đổi sách giáo khoa ta vẫn chưa làm được. Chương trình học còn quá nặng nề, còn nhồi nhét kiến thức, khiến cho thầy trò suốt năm học phải vật lộn với chương trình, cộng với việc học thêm tràn lan, làm cho các em không còn thì giờ để rèn luyện thể lực, để vui chơi, để tiếp xúc với các loại hình văn học nghệ thuật cần cho trí tuệ con người, cần cho sự giáo dục toàn diện. Giáo dục là công việc suốt đời. Sau này, những gì cần thiết cho kiến thức của mình, nghề nghiệp của mình, chúng ta vẫn tiếp tục học, chứ đâu phải chỉ học trong khi ngồi trên ghế nhà trường.

Về tiểu học, Bác nhắc nhở chúng ta cần quan tâm đặc biệt đến việc giáo dục đạo đức và tâm hồn cho lớp trẻ. Cách dạy phải nhẹ nhàng, vui vẻ, không gò ép. Và phải chú ý đặc biệt đến việc giữ gìn sức khoẻ cho các em. Đây cũng chính là những vấn đề của giáo dục học, tâm lý học, mà chúng ta đã nói nhiều nhưng chưa thực hiện được. Các em 6, 7 tuổi đã phải đeo trên vai những ba-lô sách nặng nề, nhiều em còn bé đã phải đeo kính cận, lớp mẫu giáo cũng học thêm…

Dạy các em nhỏ là một nghệ thuật. Bác Hồ đã nói:

"Dạy các cháu chăm học nhưng phải giữ được tính chất trẻ con. Phải làm sao cho các em có kỷ luật, nhưng vẫn vui vẻ, hoạt bát chứ không phải khúm núm, đặt đâu ngồi đó, hay trở thành những ông cụ non… Trẻ em hay bắt chước, nên thầy giáo và cán bộ phụ trách… phải gương mẫu từ lời nói đến việc làm".

Trong tác phẩm "Đời sống mới" viết từ năm 1947, phần viết về nhà trường, Bác Hồ cũng đã nói:

"Các thầy nên tìm cách dạy sao cho dễ hiểu, dễ nhớ, nhanh chóng và thiết thực. Cốt nhất là phải dạy cho học trò biết yêu nước, thương nòi. Phải dạy cho họ có chí tự lập, tự cường. Nói tóm lại, trong chương trình học phải trọng về môn tinh thần và đạo đức".

Đây là những vấn đề mà các môn Văn, Sử, Địa... có thể tác động lớn vào tâm hồn và trí tuệ của các em. Tạo nên lòng yêu nước và nhân cách của con người Việt Nam, tạo nên bản lĩnh cá nhân và bản sắc dân tộc. Tiếc rằng, hiện nay đó lại là những môn học đem lại ít kết quả nhất. Kết quả kém trong việc thi môn Sử vừa qua là điều không chỉ nhà trường, mà cả xã hội phải lo lắng.

Bác Hồ thường nói, nhiệm vụ của học sinh là học tập:

 "Hồi Bác cùng tuổi với các cháu thì Bác phải đi rửa bát hoặc phải làm nhiều công việc khác để lấy tiền đi học. Còn bây giờ, các cháu có thể phát triển hết khả năng của mình. Đối với thanh niên trí thức như các cháu thì cần phải trả lời hai câu hỏi:

- Học để làm gì ?
- Học để phục vụ ai ?

"Các cháu học sinh không nên học gạo, không nên học vẹt. Bác không cần giải thích học gạo, học vẹt là thế nào, vì các cháu biết cả rồi. Học phải suy nghĩ, học phải liên hệ với thực tế, phải có thí nghiệm và thực hành. Học với hành phải kết hợp với nhau".

Với các thầy cô giáo, Bác đã nói:

“Các cô, các chú đều biết, giáo viên ngày nay không phải là "gõ đầu trẻ kiếm cơm", mà là người phụ trách đào tạo những công dân tiến bộ, những cán bộ tiến bộ cho dân tộc. Nhiệm vụ ấy là rất vẻ vang".

Có dạy tốt mới học tốt. Phải làm cho học sinh biết cách tự học, tự nghiên cứu, tự rèn luyện. Nền giáo dục của chúng ta không chỉ dạy chữ, mà còn phải dạy người, dạy nghề. Phải suốt đời tâm huyết, phải dạy học bằng cả trái tim và tâm hồn mình.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nói: "Sự nghiệp giáo dục không phải chỉ là việc của nhà trường". Bên cạnh nhiệm vụ của thầy giáo, của học sinh, nền giáo dục của chúng ta phải là mối quan tâm, và sự đóng góp, xây dựng của toàn xã hội. Nhà trường là cái nôi của một dân tộc. Danh ngôn thế giới đã nói: Ai làm chủ được giáo dục, họ có thể thay đổi được thế giới./.

Bùi Công Bính



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com