Luyện thi trực tuyến - Sinh động và gần gũi hơn

09:06, 20/06/2011

Vài năm trở lại đây, nhiều người đã nghĩ tới viễn cảnh không xa hình thức luyện thi trực tuyến có thể thay thế các “lò luyện” truyền thống. Điều này là có cơ sở khi việc tiếp cận với Internet của các em học sinh ngày một thuận lợi, hình thức luyện thi online cũng được cải tiến sinh động hơn để người học dễ dàng lĩnh hội kiến thức.

Chưa thể nói ngay rằng liệu các trang web luyện thi có thể “xoá sổ” các lò luyện hay không, song không thể phủ nhận chúng là nguyên nhân quan trọng khiến các điểm luyện thi trở nên đìu hiu, giảm nhiệt đáng kể. Bên cạnh việc đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ những năm gần đây bám sát chương trình học và sách giáo khoa làm cho việc luyện thi mất đi sức hút, rất nhiều học sinh đã chọn cách ngồi nhà học với chiếc máy tính thay vì chen chúc trong một lò luyện giữa thời tiết nóng bức. Ngoài ra, phương thức thi trắc nghiệm một số môn cũng rất phù hợp với các bài kiểm tra trên máy tính.

Khi mới ra đời, hình thức luyện thi trực tuyến còn khá thô sơ, thiếu sức hấp dẫn, chủ yếu là các bài kiểm tra dạng flash. Hiện nay thí sinh đã có thể theo dõi bài giảng của những thầy giáo nổi tiếng qua các video clip sinh động. Nhiều trang web còn có đội ngũ tư vấn trực tuyến để giải đáp thắc mắc cho thí sinh, khắc phục được phần nào hạn chế về vấn đề giao tiếp giữa người giảng và người học. Điểm mạnh dễ nhận thấy của luyện thi online là kho đề thi phong phú giúp học sinh ôn luyện được kỹ càng, cọ xát để chuẩn bị tâm lý cho kỳ thi tuyển.

Bằng nhiều cách, các trang web luyện thi rất có ý thức xoá đi cho người học ấn tượng: luyện thi trực tuyến là phải đối mặt với chiếc máy tính nhàm chán. Các trang luyện thi thường tổ chức nhiều cuộc thi thử miễn phí để giúp thí sinh hoàn thiện kỹ năng làm bài. Kết quả thi được mau chóng xếp hạng và công bố nên rất kích thích sự vươn lên của thí sinh. Qua đó thí sinh cũng có thể tự đánh giá trình độ của mình so với mặt bằng chung. Điểm số mà thí sinh nhận được qua các lần thi, các môn thi sẽ được lưu giữ và tích luỹ, rồi được tổng kết định kỳ. Bằng cách này, nhiều trang web đã nóng lên bởi không khí đua tranh giữa các thí sinh, giữa thí sinh các trường, hay các tỉnh, nhờ đó được nhiều người biết tới hơn. Nhiều thí sinh vẫn theo học các lớp luyện thi bình thường và chỉ sử dụng dịch vụ thi thử của các trang web.

Một lý do không thể thiếu khiến luyện thi trực tuyến hút thí sinh, đó là chi phí rất phải chăng. Chỉ với khoảng 50.000 đồng, thí sinh có thể sở hữu một kho đề thi khổng lồ. Mỗi bài giảng phải trả khoảng 5.000-7.000 đồng. Tiền học có thể được trả theo từng bài giảng, theo tháng hay quý. Thí sinh có thể được thi thử miễn phí nhiều lần nếu học dài hạn. Có thí sinh đã so sánh: Kể cả chi phí Internet tại nhà, tiền chi cho mỗi buổi ôn trên mạng chỉ bằng tiền đi xe buýt hai lượt đi về trung tâm luyện thi. Ngoài ra, hình thức thanh toán cũng rất linh hoạt: chi trả trực tuyến, qua tin nhắn điện thoại, thẻ cào…

Về phía các trang web, sự đầu tư cho cơ sở vật chất cũng có nhiều khác biệt so với luyện thi truyền thống bởi không cần tới phòng ốc và tổ chức lớp học. Thay vào đó, các nhà tổ chức lại phải tập trung đầu tư nâng cấp đường truyền để tránh quá tải trong thời điểm trước mỗi kỳ thi. Đại diện một trang web có hàng triệu người truy cập cho biết: Vào lúc cao điểm, lượng người online có thể lên tới hàng chục nghìn người mỗi ngày. Nếu không có sự chuẩn bị về thiết bị, máy móc, việc “cháy” băng thông, tắc nghẽn là không thể tránh khỏi.

Mặc dù dịch vụ luyện thi trực tuyến đã thể hiện nhiều ưu thế rõ ràng so với hình thức luyện thi truyền thống như: tiết kiệm và chủ động về thời gian, tiền bạc, nguồn học liệu phong phú. Các chuyên gia vẫn cảnh báo thí sinh và các bậc phụ huynh nên thận trọng khi sử dụng dịch vụ này. Người học hầu như chỉ tiếp xúc với các bài giảng ghi âm, ghi hình. Nếu không có căn bản, người học rất dễ bị “tẩu hoả nhập ma” trong biển kiến thức mênh mông và lạc hướng.

Các thí sinh không nên bỏ hoàn toàn các lớp ôn thi tại lớp, bởi đó chính là nơi các em được hệ thống kiến thức để có một nền tảng vững chắc, điều mà các trang web khó lòng làm được. Các chuyên gia cũng lưu ý, các em có thể phí hoài thời gian, tiền bạc nếu lạc vào các trang luyện thi chất lượng kém, chỉ tập hợp các đề thi, bài giảng vụn vặt, trùng lặp, thiếu cập nhật thường xuyên. Ngoài ra, việc các thí sinh lợi dụng sự lơi lỏng của cha mẹ, lại có điều kiện truy cập Internet thường xuyên, đã sa đà sang các sân chơi online hay truy cập nhiều trang thông tin không lành mạnh khác.

Trước sự tăng tốc của dịch vụ luyện thi online, yêu cầu quản lý, kiểm định các trang web luyện thi đang là vấn đề được nhiều người đặt ra. Bên cạnh đó, điều quan trọng nhất là các thí sinh không để bị phụ thuộc hoàn toàn vào máy móc, công nghệ, mà phải luôn tự mình nỗ lực, dù học tập với hình thức nào./.

Khải Phương



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com