UNESCO công nhận tư cách thành viên đầy đủ của Pa-le-xtin

08:11, 02/11/2011

Theo hãng tin AP, trong phiên họp ngày 31-10 tại Pa-ri, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO) đã bỏ phiếu thông qua quy chế trở thành thành viên đầy đủ của Pa-le-xtin của tổ chức này, với 107 phiếu thuận, 14 phiếu chống và 52 phiếu trắng. Pháp cùng với đa số các nước A-rập, châu Phi, Mỹ La-tinh và châu Á (bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ) bỏ phiếu thuận. Các nước bỏ phiếu chống bao gồm I-xra-en, Mỹ, Ca-na-đa, Đức.

Kết quả này là nguồn khích lệ quan trọng đối với nỗ lực của Pa-le-xtin để được cộng đồng quốc tế công nhận là một Nhà nước độc lập. Phát ngôn viên của Pa-le-xtin dẫn lời Tổng thống Pa-le-xtin Ma-mút Áp-bát khẳng định: “Việc công nhận Pa-le-xtin là thành viên của UNESCO là một chiến thắng cho các quyền, cho công bằng và tự do của chúng tôi”.

Ngoại trưởng Pa-le-xtinRi-át An Man-ki (Riyad al-Malki) phát biểu  trong phiên họp của UNESCO ngày 31-10.
Ngoại trưởng Pa-le-xtinRi-át An Man-ki (Riyad al-Malki)
phát biểu trong phiên họp của UNESCO ngày 31-10.

UNESCO là cơ quan LHQ đầu tiên mà Pa-le-xtin tìm cách gia nhập kể từ khi Tổng thống Áp-bát nộp đơn hồi tháng trước xin được Đại hội đồng LHQ công nhận trở thành thành viên chính thức của LHQ. Hội đồng Bảo an LHQ dự kiến sẽ nhóm họp vào 11-11 tới để quyết định việc tổ chức bỏ phiếu chính thức về đề xuất của Pa-le-xtin.

Kết quả bỏ phiếu ở UNESCO đã tạo ra những phản ứng khác nhau.  Đại diện của Pa-ki-xtan coi đó là một quyết định “trọng đại”. “Từ hơn 6 thập niên qua, người dân Pa-le-xtin đã chứng minh họ là những con người xuất sắc nhưng thật đáng tiếc họ vẫn không có được các quyền của mình”. “Hôm nay sai lầm này đã được chuyển thành lẽ phải”. Còn đại diện của Xri Lan-ca cho rằng, với cuộc bỏ phiếu, UNESCO đã “hành động theo đúng lương tâm của cộng đồng thế giới”.

Mỹ đã lập tức phản đối việc UNESCO công nhận Pa-le-xtin trở thành thành viên chính thức với tuyên bố sẽ cắt các khoản tài chính đóng góp cho UNESCO. Bộ Ngoại giao Mỹ nói, sẽ không trao cho UNESCO 60 triệu USD trong tháng 11 theo như quy định. Mỹ hiện là nước tài trợ nhiều nhất cho UNESCO. Hằng năm, Mỹ cấp một ngân khoản trị giá 22% tổng ngân sách của cơ quan này. Đại diện của Mỹ tại UNESCO đã coi cuộc bỏ phiếu này là “hấp tấp” và có thể sẽ “làm phức tạp thêm” nỗ lực của Mỹ trong việc ủng hộ cơ quan này.

Trong khi đó, đặc phái viên I-xra-en coi hành động này là thảm kịch và là “một sự tổn hại đối với luật pháp quốc tế”. “Đây chỉ là hành động đơn phương của Pa-le-xtin, không những không mang lại thay đổi gì trong tranh chấp lãnh thổ giữa hai bên mà còn loại bỏ khả năng về một thỏa thuận hòa bình”, Bộ Ngoại giao I-xra-en khẳng định. Phía I-xra-en lo ngại, kết quả bỏ phiếu ở UNESCO sẽ gây một hiệu ứng dây chuyền đối với các cơ quan chuyên ngành khác của LHQ. 

Trước phản ứng tiêu cực gây quan ngại sẽ gây ảnh hưởng tới hoạt động của UNESCO, trưởng ban chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Ca-thơ-rin A-stôn (Catherine Ashton) đã kêu gọi các nước duy trì sự ủng hộ đối với UNESCO. “Đây là quyết định cho hòa bình, bản sắc, văn hóa, di sản và tự do ngôn luận”, bà Ca-thơ-rin nhấn mạnh. “Do đó, EU kêu gọi các bên hãy suy nghĩ trước khi hành động”.

Theo: qdnd.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com