Đội nào vô địch World Cup 2010 ?

04:06, 11/06/2010

Sân vận động Soccer City, TP Johannesburg (Nam Phi) là nơi diễn ra Lễ khai mạc vòng chung kết giải vô địch bóng đá thế giới 2010.
Sân vận động Soccer City, TP Johannesburg (Nam Phi) là nơi diễn ra Lễ khai mạc vòng chung kết giải vô địch bóng đá thế giới 2010.
1 Ai sẽ vô địch kỳ này? Đó là câu hỏi luôn luôn vang lên trước mỗi mùa World Cup. Hậu vệ người Hà Lan Joris Mathijsen tuyên bố tuyển Hà Lan có khả năng đoạt chức vô địch. Tiền vệ Gerrard của tuyển Anh không chịu lép, khẳng định đây là thời cơ thích hợp để tuyển Anh lên ngôi. Một tuyển thủ quốc gia tin vào thắng lợi của đội bóng nước mình là điều bình thường. Hà Lan, đội bóng từng hai lần á quân World Cup, với dàn hảo thủ như Sneijder, Van de Vaart, Robben, Van Persie, Kuyt... hay đội tuyển Anh, từng vô địch World Cup, đang sở hữu một đội hình tài năng gồm Gerrard, Lampard, Terry, Ferdinand, Rooney, Joe Cole.... hoàn toàn có cơ sở để đặt cược niềm tin của mình vào ngôi vị cao nhất. Nhưng đến khi thủ môn Hàn Quốc Lee Woon Jae "nổ" với AFP : "Mục tiêu cao nhất của chúng tôi tại giải này là chiếc cúp vàng" thì có lẽ đó thuần túy chỉ là ước mơ. Hàn Quốc từng đứng hạng 4 ở World Cup 2002 trên sân nhà, một phần do nỗ lực bản thân nhưng phần lớn do các trọng tài hè nhau "khiêng" họ vào tứ kết rồi bán kết, nên cái danh xưng "đệ tứ anh hào" không phản ánh đúng thực lực của các cầu thủ xứ kim chi. Bằng chứng là ngay ở kỳ World Cup kế tiếp, các cầu thủ đến từ Seoul đã xách vali về nước ngay từ vòng 1. So với ba tuyển thủ trên, các cầu thủ Ý có vẻ khiêm tốn hơn, cũng không loại trừ khiêm tốn là một liệu pháp để giảm sức ép của các nhà đương kim vô địch. Cannavaro, đội trưởng đội tuyển Ý nhún nhường: "Tây Ban Nha, Argentina, Anh và Brazil là bốn ứng cử viên sáng giá nhất. Tiếp theo là Đức". Tiền vệ tuyển Ý Andrea Pirlo cũng đánh giá Anh, Brazil và Tây Ban Nha là ba đội có cơ hội cao nhất ở Nam Phi 2010.

2 Dù sao trên đây cũng chỉ là ý kiến cá nhân. Theo cuộc thăm dò của FIFA dành cho 32 huấn luyện viên trưởng của 32 đội tuyển sắp tranh hùng tại Nam Phi về chức vô địch World Cup 2010 thì đa số phiếu đều dồn cho Brazil (63,5%) và Tây Ban Nha (61,5%), bất chấp đây là World Cup đầu tiên có mặt đầy đủ 7 nhà vô địch thế giới. Brazil và Tây Ban Nha cũng là hai đội tuyển được William Hill đánh giá cao nhất khi đưa ra tỉ lệ cá cược là 9/2 (đặt 2 ăn 9). Sau đó mới tới Anh 6/1, Argentina 8/1, Đức 12/1. Cứ theo tình hình này thì ngôi vương ở World Cup kỳ này khó lọt khỏi tay Brazil hoặc Tây Ban Nha. Xét về logic, điều đó hoàn toàn hợp lý: Đây là hai đội đang dẫn đầu bảng xếp hạng của FIFA suốt hai năm qua. Nếu chúng ta không tin vào con số thống kê thì cũng buộc phải tin vào sự thực đầy thuyết phục này: Brazil là đương kim vô địch Nam Mỹ, còn Tây Ban Nha là đương kim vô địch châu Âu.

Dĩ nhiên, còn một sự thực khác trong bóng đá: tỉ lệ vào sâu của từng đội bóng còn tùy thuộc vào khả năng đội bóng đó kết thúc vòng đấu bảng ở vị trí nào, do đó sẽ gặp đối thủ nào ở vòng 2, rồi tiếp tục loằng ngoằng như thế ở tứ kết, bán kết và chung kết. Đó là điều không thể tính toán được, và không đội bóng nào có thể biết chính xác đối thủ sắp tới của mình là ai vì điều đó không chỉ tùy thuộc vào phong độ của mình mà còn liên quan đến phong độ của các đối thủ. Bên cạnh đó, lá thăm cũng đóng vai trò gây khó khăn cho đội này hoặc tạo dễ dàng cho đội kia. Chẳng hạn Brazil nếu đứng nhất bảng G (khả năng này rất lớn) sẽ chỉ gặp đội đứng nhì bảng H ở vòng 2, tức là một trong 3 đội trung bình Thụy Sĩ, Chi Lê và Honduras; trong khi đó nếu Tây Ban Nha đứng nhất bảng H, bắt buộc phải gặp một trong hai đội sừng sỏ là Bồ Đào Nha của Cristiano Ronaldo hoặc Bờ Biển Ngà của "Voi rừng" Drogba, tất nhiên không tính đội Triều Tiên. Nếu không muốn chạm trán sớm với Bồ Đào Nha hay Bờ Biển Ngà, Tây Ban Nha phải "phấn đấu" đứng hạng nhì, nhưng như vậy thầy trò Del Bosque lại đụng thứ dữ dằn hơn nữa: Brazil. Rõ ràng, ngay từ lá thăm đầu tiên, con đường của Tây Ban Nha đã chông gai hơn Brazil.

Dẫn chứng như vậy để thấy rằng, muốn trở thành nhà vô địch, anh không được quyền, và cũng không cần thiết chọn lựa đối thủ. Nói cách khác, muốn thống trị thế giới, anh phải toàn thắng cả 7 trận, bất kể đối thủ trước mặt mình là ai, vì sớm hay muộn thì anh cũng phải gặp những đội sừng sỏ nhất trên lộ trình đi đến chỗ đặt chiếc cúp. Đã là "cao thủ" có tham vọng tranh danh đoạt báu thì phải buộc thiên hạ tránh mình chứ mình chẳng việc gì phải tránh thiên hạ. Ở điểm này, đội 5 lần vô địch thế giới Brazil có lẽ giỏi ứng phó hơn đội tuyển xứ bò tót.

3 Brazil là quốc gia duy nhất trên thế giới khi nhắc tới chúng ta lập tức nghĩ ngay đến bóng đá, trước khi nghĩ đến những thứ khác. Là quốc gia mà vị trí á quân World Cup đồng nghĩa với thất bại. Vô địch World Cup nhưng bằng lối chơi không đẹp cũng là một thất bại theo kiểu khác. Nhưng dù sao thì người dân Brazil cần phải làm quen với một thực tế: đội vô địch World Cup 1970 có lẽ là đội tuyển Brazil cuối cùng lên ngôi bằng lối đá đẹp. Từ 1974 trở đi, những đội Brazil chơi cống hiến nhất đều thất bại. Brazil vô địch 1994 và 2002 chỉ là những đội Brazil đẫm chất thực dụng. Đó là lý do lối chơi hoa mỹ của tuyển Brazil 58, 70, 82, 86 dần dần được các HLV thực dụng như Ferreira, Scholari âm thầm... cấy vào những tế bào lạ hoắc. Đến Dunga thì công việc thực dụng hóa đội Brazil gần như đã hoàn tất. Bất chấp dân Brazil la ó, Dunga vẫn lầm lũi thực hiện thứ bóng đá "hiệu quả trên hết", và bằng cách thắng tất cả các giải đấu mà mình tham gia (dẫn đầu vòng loại bảng đấu Nam Mỹ, vô địch Nam Mỹ, vô địch Confederations Cup), Dunga đã lấy thành tích biện minh cho phương tiện - hùng hồn đến mức số lượng cà chua và trứng thối dành cho thứ "bóng đá xấu xí" của ông ngày càng giảm dần. Ở đây, Dunga rất gần Mourinho, cả hai làm bóng đá y hệt Đặng Tiểu Bình quan niệm: Bất kể mèo trắng hay mèo đen, bắt được chuột chính là mèo tốt!. Khi giảm chất nghệ sĩ để tăng cường chất cơ bắp, khi trong một số trận chấp nhận là đội kiểm soát bóng ít hơn đối phương, Dunga thừa biết ông đang viết câu chuyện bóng đá bằng vốn từ nghèo nàn và bằng thứ ngữ pháp cộc lốc, hầu như không sử dụng một biện pháp tu từ nào để giúp câu văn lung linh như các bậc tiền bối, nhưng ông luôn vững tin rằng bằng lối hành văn kém lấp lánh đó cuối cùng ông cũng mô tả được chiến thắng có mùi vị gì.

4 Những tín đồ của bóng đá đẹp không nên òa ra khóc mà có lẽ nên học cách làm quen với thực tế đó. Khi các đội tôn thờ bóng đá đẹp như Brazil hay Real Madrid phải cầu viện đến các HLV như Dunga hay Mourinho để kiếm tìm chiến thắng thì có lẽ cuộc sống ở thiên niên kỷ mới đã thay đổi? Và "đời thay đổi nên chúng ta thay đổi"? Những ai xem đó chỉ là biểu hiện của "thuyết âm mưu" thì hãy cố cầu nguyện cho lối đá "tiqui-taca" đầy mê hoặc của Tây Ban Nha hoặc lối chơi tổng lực phóng khoáng của đội Hà Lan lên ngôi kỳ này. Nhưng nếu vạn nhất chức vô địch cuối cùng không thuộc về các ứng cử viên được điểm danh mà rơi vào tay một đội châu Phi chẳng hạn thì bóng đá lại hấp dẫn theo kiểu khác. Ừ, biết đâu được, thực tiễn lúc cao hứng vẫn có thể tạo ra những thử thách cho các giá trị tưởng là bất biến. Đội tuyển chủ nhà Nam Phi có một tiền vệ luôn ủng hộ cho tình huống bất ngờ này, ít ra là bằng cái tên của mình. Tên của anh ta là... Surprise Morini - Morini Ngạc Nhiên!

(Theo Sài Gòn giải phóng)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com