Khi chủ tịch của CLB Than Quảng Ninh Phạm Thanh Hùng tiết lộ số tiền mà đội cần mỗi mùa lên đến gần 80 tỷ đồng, nhiều người cảm thấy “choáng”.
Hóa ra thành công trong những năm gần đây của đội bóng đất Mỏ có phần đóng góp lớn từ khả năng chi tiền mua cầu thủ, lương thưởng.
Chuyện đội này, đội nọ chi mỗi năm cả trăm tỷ đồng đôi khi chỉ được biết dưới dạng tin đồn. Bởi theo quy chế của bóng đá chuyên nghiệp, ban đầu mỗi đội bóng phải cam kết tài chính tối thiểu 25 tỷ đồng, sau đó là 35 tỷ đồng trước khi tham dự V-League. Ðây là số tiền mà các nhà quản lý tính toán vừa đủ cho một CLB chi cho các khoản cơ bản hoạt động và thi đấu. Quy chế không đưa ra mức trần, điều này cũng dễ hiểu, bởi bóng đá Việt Nam rất cần sự đầu tư của doanh nghiệp, càng nhiều tiền rót cho bóng đá đương nhiên là càng tốt. Hơn nữa, số tiền tối thiểu theo quy chế cũng chỉ là phục vụ cho thi đấu, nếu cộng các khoản đầu tư cho bóng đá trẻ, hạ tầng thì phải nói đến chuyện hàng trăm tỷ đồng.
Nhưng khi không có mức trần, tình hình trở nên phức tạp. Các nhà tài trợ, doanh nghiệp rót gần trăm tỷ đồng mỗi mùa, nhưng chủ yếu là nhắm đến thành tích thay vì đầu tư dài hạn. Vì mục tiêu vô địch hoặc làm hình ảnh, có nhiều đội như Hải Phòng, Thanh Hóa chỉ 4 mùa đã bỏ ra 300 tỷ đồng, chủ yếu để mua sắm cầu thủ. Bỏ ra nhiều nhưng kết quả không có, thì ngay lập tức nhà tài trợ bỏ ngang và đội bóng khó khăn khi về lại với tỉnh.
Hệ lụy kế tiếp, đó là hình thành các cuộc “chạy đua vũ trang” theo công thức: Ngôi sao + tiền thưởng = chức vô địch. Hơn 10 năm qua, hàng chục đội bóng đã đi theo con đường này, nhưng thực tế là chức vô địch vẫn chỉ thuộc về các đội bóng có truyền thống. Thế là lại tiếp tục đổ tiền để hy vọng có vinh quang, cho đến lúc gặp những biến cố như đợt dịch COVID-19 hiện nay, các doanh nghiệp dần kiệt sức trong việc tài trợ. Chỉ còn lại những CLB có sự đầu tư dài hạn thì tạm vượt qua khó khăn.
Thế nên, đã đến lúc các nhà quản lý bóng đá phải tính đến một quy định kiểu như luật công bằng tài chính bên châu Âu. Qua đó, tăng thêm mức tối thiểu và cũng có một mức trần vừa phải để các đội bóng tự lượng sức mình trước khi quyết định tham gia V-League. Ðầu tiên, việc này sẽ giúp các cơ quan quản lý bóng đá tại địa phương nắm được mức đầu tư cần thiết để có sự kiểm soát với chính đội bóng, tránh tình trạng sắp vào giải rồi mà mọi thứ vẫn ngổn ngang như Than Quảng Ninh hiện tại. Kế đến, việc khống chế mức trần chi phí sẽ tạo sự ổn định về phí chuyển nhượng, không còn chuyện “thổi” giá hay tiền lương cao vót. Những đội bóng yếu sẽ có được lực lượng tốt dù có ngân sách hạn chế, còn các đội bóng “nhà giàu” sẽ phải dành thêm tiền cho các hoạt động nền tảng như đào tạo trẻ, điều kiện tập luyện… Nếu vấn đề tài chính rõ ràng như vậy, chắc chắn là chuyện bỏ giải sẽ ít xảy ra hơn./.
YẾN PHƯƠNG
Theo sggp.org.vn