Vậy là Ánh Viên đã thất bại hoàn toàn ở Giải bơi vô địch thế giới 2019, diễn ra tại Hàn Quốc. Ngay cả trong nội dung sở trường 200m hỗn hợp, 400m hỗn hợp, Ánh Viên cũng không còn là chính mình.
Đúng là phong độ của Ánh Viên đang đi xuống kể từ sau Olympic Rio 2016, nơi mà tuyển thủ quân đội này bơi 400m hỗn hợp hết 4 phút 36,85 giây (thành tích tốt nhất của chị). Cũng nội dung này, ở Giải bơi vô địch thế giới 2017, Ánh Viên đạt thông số 4 phút 40,39 giây; tại ASIAD 2018 hết 4 phút 42,81 giây và vào ngày 28-7, tại Giải bơi vô địch thế giới 2019, Ánh Viên đạt thông số 4 phút 47,96 giây. Thành tích trên của Ánh Viên còn kém cả chuẩn B dự Olympic của Liên đoàn Bơi thế giới (4 phút 46,89 giây). Như vậy Ánh Viên chỉ còn trông chờ vào SEA Games lần thứ 30-2019 cũng như chuỗi các giải FINA World Cup để hy vọng có được vé dự Olympic Tokyo 2020.
Có người nói Ánh Viên đã lớn tuổi (sinh năm 1996), ở tuổi 23 khó lòng cải thiện thành tích. Nhưng kình ngư Katinka Hosszu 30 tuổi vẫn đang vô đối trên đường đua xanh và trở thành “triệu phú đô-la Mỹ” đầu tiên trong số các tay bơi nữ hàng đầu thế giới nhờ tiền thưởng từ các giải đấu.
Người hâm mộ đã lâu không được thấy nụ cười chiến thắng của Ánh Viên. |
Như vậy có thể loại ngay yếu tố độ tuổi khi phân tích việc Ánh Viên xuống phong độ. Việc đưa Ánh Viên đi tập huấn dài hạn ở Mỹ là hướng đi đúng đắn, đầu tư táo bạo của ngành thể thao và quân đội. Sự kiện này sẽ mở đường, để lại nhiều bài học, kinh nghiệm quý cho những chuyến xuất ngoại tập huấn dài hơi sau này của các tuyển thủ quốc gia. Có điều Ánh Viên sang Mỹ hơi muộn, trong khi các kình ngư thế giới độ tuổi đôi tám đã sẵn sàng tranh tài ở các đấu trường lớn.
Khi mọi người than trách, hoặc cho rằng Ánh Viên đã đạt ngưỡng, thì hãy nhìn vào bảng thành tích đồ sộ mà tuyển thủ quân đội này mang về cho thể thao nước nhà. Với bơi Việt Nam nói riêng, bơi khu vực Đông Nam Á nói chung, Ánh Viên là một kỳ tài và nói không quá lời, có thể xứng đáng là một tượng đài. Trước Ánh Viên, bơi Việt Nam đã có huy chương vàng ở SEA Games nhờ công Hoàng Quý Phước, Nguyễn Hữu Việt… nhưng phần lớn đó đều là những tấm huy chương vàng nghẹt thở, chông chênh. Có Ánh Viên, những kỳ SEA Games gần đây, đội tuyển bơi Việt Nam luôn hoàn thành vượt trội chỉ tiêu giành huy chương vàng. Ngay cả khi phong độ đang đi xuống thì tại SEA Games lần thứ 30 diễn ra vào cuối năm nay, Ánh Viên cũng được giao chỉ tiêu giành 7-8 huy chương vàng. Đó là một chỉ tiêu cực lớn, mà chỉ mới một thập niên trước thôi, bơi Việt Nam đoạt 1 huy chương vàng ở Đại hội thể thao Đông Nam Á cũng là điều vui mừng khôn tả.
Quân đội và ngành thể thao đã đầu tư lớn, liên tục cho Ánh Viên trong thời gian dài vừa qua. Mỗi năm lên tới vài trăm nghìn USD, nhưng nếu tham khảo sự đầu tư cho các kình ngư quốc tế thì cũng chưa thấm vào đâu. Singapore mỗi năm đầu tư xấp xỉ 1 triệu USD cho nhà vô địch Olympic trên đường đua xanh Schooling. Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao (Tổng cục Thể dục thể thao) cho rằng: “Nhìn lại quãng đường đã qua của Ánh Viên, tôi càng tiếc cho tuyển thủ quân đội này. Giá như Ánh Viên được đầu tư sớm hơn 3-4 năm thì tốt quá. Nhưng khi không thể quay lại bánh xe lịch sử thì các bên liên quan phải có được một định hướng chắc chắn và bảo đảm”.
Nhìn vào thông số của Ánh Viên ở Giải bơi vô địch thế giới 2019, hẳn lãnh đạo Tổng cục Thể dục thể thao, Hiệp hội Thể thao dưới nước Việt Nam… thêm phần lo lắng khi SEA Games lần thứ 30 đang tới gần. Sau khi kết thúc các phần thi ở Giải bơi vô địch thế giới 2019, Ánh Viên cùng huấn luyện viên Đặng Anh Tuấn sẽ quay lại Mỹ để tiếp tục kế hoạch tập huấn. Vài năm qua có không ít ý kiến về việc phải thay huấn luyện viên, chuyên gia cho Ánh Viên, nhưng chuyện không đơn giản như… phán. Thiết thực hơn cả là ngành thể thao nên giảm chỉ tiêu huy chương vàng ở SEA Games tới cho Ánh Viên, để tuyển thủ quân đội này bớt được áp lực, tập trung cao nhất nỗ lực nhằm cải thiện phong độ, trước khi có những sự điều chỉnh cần thiết về mọi mặt./.
THU HIỀN
Theo qdnd.vn