Giải bóng đá vô địch quốc gia Toyota V-League 2017 đã diễn ra căng thẳng ngay từ đầu và suốt mùa giải cho thấy một cuộc đua khá quyết liệt hướng tới ngôi vô địch cùng cuộc chiến giành suất trụ hạng không kém phần gay cấn. Đây là mùa giải được đánh giá khó lường, kịch tính nhất, nhưng cũng mang lại không ít thất vọng.
Ghi nhận
Đến tận vòng đấu cuối cùng của V-League 2017, cuộc đua ngôi vô địch mới ngã ngũ với sự đăng quang của đội bóng Quảng Nam khi cùng số điểm với FLC Thanh Hóa, nhưng chỉ nhỉnh hơn về hiệu số bàn thắng. Đội bóng xứ Quảng không nổi trội nhiều so với hai ứng cử viên là Hà Nội FC và FLC Thanh Hóa, song họ có sự may mắn khi nhà vô địch của mùa giải 2016 là đội bóng của Thủ đô đã để Than Quảng Ninh cầm hòa trên sân Cẩm Phả, cho dù có hai bàn thắng dẫn trước. Miệt mài bám đuổi trên tốp đầu ở lượt đi, lượt về của V-League 2017 và có lợi thế hơn các đội khác với ngôi đầu bảng, giành được quyền tự quyết ở vòng cuối, nhưng mọi công sức cả mùa giải đều bị xóa sổ ở phút cuối đã trở thành niềm đau của Hà Nội FC. Đó cũng là điều mà thầy trò HLV Chu Đình Nghiêm cần nhìn nhận lại tinh thần “quyết chiến điểm” mà họ cần có trong các thời khắc quyết định, không thể để mất điểm một cách đáng tiếc. Giống như đội bóng của Thủ đô, FLC Thanh Hóa để lại phía sau một mùa giải đầy nuối tiếc bởi có những thời điểm họ đã bứt tốc chiếm ngôi đầu, cách xa sáu điểm so với đội xếp sau. Sự hụt hơi ở những trận đấu quan trọng và nhiều khi không thể vượt qua các đối thủ cạnh tranh trực tiếp khiến họ đành nhìn chiếc Cúp rời xa khi đã có được số điểm ngang bằng đội vô địch.
Pha tranh bóng giữa hai đội Than Quảng Ninh và Hà Nội FC trong trận đấu cuối cùng của V-League 2017. |
Điều đáng ghi nhận qua các trận đấu năm nay là sự góp mặt của nhiều cầu thủ trẻ đang từng bước khẳng định mình ở các câu lạc bộ, ghi được nhiều bàn thắng quan trọng cho các đội bóng trong tổng số 531 bàn thắng của V-League 2017. Nổi bật là các cầu thủ trẻ lứa U20 như tiền đạo Hà Đức Chinh của SHB Đà Nẵng, hậu vệ Văn Hậu và tiền vệ Duy Mạnh của Hà Nội FC, tiền vệ Châu Ngọc Quang của Hoàng Anh Gia Lai, tiền đạo Tiến Linh của Becamex Bình Dương hay trung vệ Đinh Trọng của Sài Gòn FC... Bên cạnh việc ban tổ chức tập trung xử lý, phạt nặng các lỗi vi phạm của cầu thủ, tình trạng bạo lực sân cỏ giảm xuống đáng kể. Tuy số lượng thẻ vàng, thẻ đỏ vẫn còn nhiều ở một giải đấu chuyên nghiệp quốc gia, nhưng đã ít hơn hẳn so mùa giải trước với tổng cộng 659 thẻ vàng (trung bình 3,6 thẻ/trận) và 31 thẻ đỏ (trung bình 0,17 thẻ/trận) được các trọng tài sử dụng.
Để phòng ngừa những yếu tố tác động từ bên ngoài và cũng là một cách thể hiện sự chuyên nghiệp hóa, VFF và ban tổ chức giải đã tăng cường phòng chống tiêu cực ở các trận đấu của V-League 2017 với sự vào cuộc của Tiểu ban an ninh VFF (có sự hỗ trợ của C45 Bộ Công an) và tổ chức Sport Rada. Đáng mừng là cho đến vòng đấu cuối cùng, vẫn chưa phát hiện trận đấu tiêu cực nào cho dù đây đó có những dấu hiệu nghi ngờ nhất định.
“Bệnh cũ” vẫn tái phát
V-League 2017 cũng để lại không ít điều cần bàn mà nhiều người đã gọi là những “bệnh cũ” tái phát của một giải vô địch quốc gia vẫn đang trên đường chuyên nghiệp hóa trong 17 năm qua. Không ai phủ nhận chất lượng chuyên môn của giải đấu đã được nâng lên rõ rệt, song nhìn vào thành tích cụ thể thì có vẻ như lực lượng và trình độ các đội bóng ở sân chơi số một của bóng đá Việt Nam vẫn giẫm chân tại chỗ. Mặc dù có sự xuất hiện của những tên tuổi trẻ và họ được tin cậy đưa vào "thử lửa" nhưng không nhiều, trong khi các tên tuổi đã thành danh lại không thể hiện được đẳng cấp và sự nổi trội của mình. Bóng đá Việt Nam sau những hy vọng lại trở về thất vọng trong năm 2017 bởi ngôi vị Vua phá lưới lại thuộc về tiền đạo kỳ cựu đã 32 tuổi Nguyễn Anh Đức của một đội bóng thi đấu không mấy thành công ở mùa giải năm nay là Becamex Bình Dương. Lập kỷ lục ghi nhiều bàn thắng nhất qua các kỳ V-League (17 bàn), đồng thời là chân sút thuần Việt giành ngôi vị này sau 15 năm thuộc về các chân sút ngoại binh và nhập tịch, thành tích của Anh Đức cũng làm lộ rõ điểm yếu bóng đá Việt Nam, một nền bóng đá thiếu niềm tin vào những cầu thủ trong nước, không tạo nhiều cơ hội cho họ thể hiện khi quá trọng vọng, trông chờ vào các chân sút ngoại binh. Chắc hẳn, sau danh hiệu bất ngờ của Anh Đức, hy vọng lãnh đạo và ban huấn luyện các đội bóng sẽ phần nào thay đổi cách nhìn nhận và chú trọng hơn trong việc sử dụng những nguồn nội lực của mình.
Bên cạnh chuyên môn, vấn đề nổi cộm nhất ở mùa giải năm nay vẫn là khâu trọng tài. Tưởng rằng sau chấn chỉnh với hàng loạt án phạt và kỷ luật, lại được tăng cường tập huấn kỹ lưỡng với các chuyên gia của FIFA, công tác trọng tài của V-League 2017 sẽ thật sự có các chuyển biến tích cực, nhưng nhìn lại suốt cả mùa giải, có vẻ như “đâu lại hoàn đó”. Sai lầm nối tiếp sai lầm, cả về chuyên môn lẫn phương pháp, từ bỏ sót lỗi, bẻ còi (thay đổi quyết định trận đấu), nhận định không chính xác, công nhận bàn thắng trong tư thế việt vị, rồi từ chối bàn thắng hợp lệ hoặc cho hưởng phạt đền sai, thiếu nghiêm khắc với các hành vi phi thể thao, phạm lỗi nghiêm trọng... Điển hình là vụ trọng tài Trọng Thư cho đội TP Hồ Chí Minh hưởng phạt đền khiến các cầu thủ đội Long An “đình công” đứng yên cho đối phương ghi liền ba bàn thắng ở vòng sáu của giải, gây ảnh hưởng tiêu cực tới hình ảnh V-League và bóng đá Việt Nam. Sự thiếu niềm tin lên đến đỉnh điểm khi ban tổ chức giải đã phải mời trọng tài ở các nước trong khu vực sang điều hành, cho dù chưa hẳn là những trọng tài có chất lượng chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp tốt (một trọng tài đã bị bắt khi về nước do tham gia dàn xếp tỷ số trận đấu ở Thái-lan).
Cách điều hành sai sót có hệ thống của đội ngũ trọng tài mang lại nhiều phản ứng từ phía các đội bóng, song không phải vì thế mà chúng ta đồng tình với cách hành xử thiếu chuyên nghiệp của nhiều đội bóng ở mùa giải vừa qua. Đã thành một thói quen, dường như đội bóng nào có chuyện là cũng đổ hết lỗi cho trọng tài, rồi phản ứng theo kiểu tự phát (hoặc có chỉ đạo) không thể chấp nhận ở một giải đấu chuyên nghiệp, kiểu như bỏ thi đấu, quây lấy trọng tài để buộc họ phải thay đổi quyết định. Có những lãnh đạo đội bóng hay các huấn luyện viên đáng lẽ phải là chốt chặn kìm nén cảm xúc bột phát của các cầu thủ, cổ động viên thì lại là những người “đổ thêm dầu vào lửa” với hành động và phát ngôn bừa bãi, thiếu kiềm chế. Đây cũng là một phần nguyên nhân khuyến khích cổ động viên của không ít đội bóng vào hùa với các hành vi thiếu văn hóa trên khán đài, đe dọa và lăng mạ các trọng tài, buộc ban tổ chức phải thi hành án phạt cấm đến sân vận động như đối với cổ động viên đội Hải Phòng ở vòng 14.
Không khắc phục lối hành xử thiếu chuyên nghiệp nêu trên, V-League sẽ bị khán giả quay lưng. Điều này có thể thấy rõ trên các khán đài triền miên thiếu vắng người xem của V-League 2017 với một mùa giải chỉ có gần 860 nghìn lượt khán giả đến sân, tính trung bình, mỗi trận có chưa đầy năm nghìn người xem. Dư luận sẽ còn tiếp tục chỉ trích những điều đáng thất vọng của V-League 2017, quan trọng là những người có trách nhiệm của bóng đá nước nhà ở các cấp quản lý cũng như câu lạc bộ có thật sự cầu thị để thay đổi và phát triển, lấy lại niềm tin yêu của người hâm mộ hay không.
Theo nhandan.com.vn