V-League 2017 đã hạ màn với chức vô địch đẹp tựa truyện cổ tích của CLB Quảng Nam. Việc xứ Quảng lần đầu mở hội là tín hiệu mừng cho việc ngày càng nhiều đội bóng có tham vọng “xưng vương” thay vì tư tưởng “sợ” vô địch như trước. Thực tế trước thềm V-League 2017 khởi tranh, Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) và nhiều CLB đã phát đi tín hiệu khả quan về tài chính. Nếu VPF công bố nhiều nhà tài trợ lớn thì các đội bóng cũng chứng tỏ hầu bao rủng rỉnh bằng việc chạy đua chiêu mộ cầu thủ, HLV. Ngoài việc nhận được nguồn tài trợ từ các ông “bầu”, nhiều đội bóng còn rất được địa phương quan tâm, tạo điều kiện.

CLB Quảng Nam vô địch V-League 2017 sau màn đua sức nghẹt thở với Hà Nội.
CLB Quảng Nam vô địch V-League 2017 sau màn đua sức nghẹt thở với Hà Nội.

Tài chính ấm lên cũng đã kéo theo nhiều tín hiệu đáng mừng. V-League 2017 đã chứng kiến một cuộc cách mạng trên SVĐ. Nhiều sân đấu được xây dựng, chỉnh trang, tu sửa để bảo đảm chất lượng tốt. Ví như sân Hòa Xuân (SHB Đà Nẵng) được xây mới, mặt sân Hàng Đẫy (Hà Nội) được tu sửa đạt chuẩn, phòng thay đồ CLB TP Hồ Chí Minh được đầu tư hiện đại… Cầu thủ không phải phân tâm chuyện “cơm áo gạo tiền”, tập trung tối đa cho chuyên môn. V-League 2017 cũng là giải đấu đã chứng kiến những ngoại binh có phần lép vế so với cầu thủ nội. Người hâm mộ dễ dàng điểm mặt những cầu thủ nội xuất sắc, như: “Vua phá lưới” Anh Đức, “Vua kiến tạo” Thanh Trung, tiền vệ trẻ xuất sắc Quang Hải…

Bên cạnh những tín hiệu tích cực thì V-League 2017 cũng không hiếm chuyện đáng quên, trong đó nhức nhối nhất là vấn đề bạo lực. Người hâm mộ đã quá quen với hình ảnh các cầu thủ chơi xấu trên sân, phạm lỗi thô bạo hay sẵn sàng lao vào “xanh-chín” với nhau nếu có mâu thuẫn. Cách hành xử theo kiểu "chợ búa" của các cầu thủ đã khiến V-League càng mất giá và việc lượng khán giả đến sân ngày một giảm là minh chứng. Đáng nói, sau những hành vi bạo lực, Ban Kỷ luật của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đều chưa phản ứng nhanh và đưa ra những án phạt chưa đúng người, đúng tội.

V-League 2017 một lần nữa cho thấy sự yếu kém về công tác chuyên môn của một số trọng tài. Dù hằng năm VFF đã tổ chức nhiều cuộc tập huấn cho các trọng tài nhưng việc các vị “vua áo đen” mắc nhiều sai sót ở sân cỏ V-League lại là “chuyện thường ngày ở huyện”. Đặc biệt ở lượt đi, nhiều quyết định sai của các trọng tài như bỏ sót lỗi hoặc nhận định lỗi chưa chính xác; phương pháp không tốt, thiếu tập trung của trợ lý trọng tài; một số trọng tài chưa nghiêm khắc với hành vi phi thể thao, phạm lỗi nghiêm trọng xảy ra làm ảnh hưởng đến chất lượng chuyên môn của trận đấu. Khi trọng tài chưa chuẩn thì dẫn đến việc các cầu thủ bất tuân. Sự cố cầu thủ Long An đứng yên không thi đấu để phản đối quyết định của trọng tài ở vòng 6 V-League 2017 là ví dụ điển hình. Tất nhiên trong sự việc này, cầu thủ và lãnh đạo Long An đã phản ứng rất thiếu chuyên nghiệp. V-League 2017 đã ghi nhận nỗ lực của những người làm bóng đá trong việc nâng tầm hình ảnh giải đấu, tiếc rằng kết quả thu được chỉ là nửa vời.

Để V-League thật sự chuyên nghiệp thì rất cần có những giải pháp quyết liệt, sự chung tay của lãnh đạo VFF, CLB và cầu thủ. Để bạo lực sân cỏ không còn là nỗi ám ảnh thì VFF cần có những án phạt nặng, đủ sức răn đe với cầu thủ vi phạm. Lãnh đạo CLB cần nhìn nhận vấn đề, không được ủng hộ, bao che cho những hành vi chơi xấu của cầu thủ đội nhà. Trong khi đó, cầu thủ cần nhận thức đúng đắn về những hành vi bạo lực, giữ được cái “đầu lạnh” trên sân. Ngoài ra, VFF cần phải sàng lọc kỹ đội ngũ trọng tài hiện nay, tin dùng người có tâm, có tầm để điều hành giải đấu. Tin rằng nếu làm được điều này, V-League sẽ trở thành một giải đấu hấp dẫn của Việt Nam và khu vực!

Theo qdnd.vn