Sau khi chỉ thắng có 6 trận trong 22 vòng đấu trước, HA.GL bất ngờ giành liên tiếp 2 trận thắng trước Hà Nội và Sài Gòn. Những kết quả này tác động rất mạnh đến cuộc đua vô địch. Nó khiến cho Hà Nội có thể “mất ngôi” ở mùa giải này, trong khi đó, Sài Gòn chính thức tan mộng. Điều đáng nói là HA.GL gần như không có mục tiêu nào để phấn đấu, ngoài việc chơi bóng phục vụ khán giả.
Trường hợp của Bình Dương cũng vậy. Đội bóng từng 4 lần vô địch V-League này đã không còn cơ hội vô địch ngay sau lượt đi, từ đầu giải đến nay chỉ mới thắng đúng 4 trận, ấy vậy mà ở lượt về, họ đã lần lượt cầm hòa Quảng Nam, FLC Thanh Hóa ngay trên sân khách, đánh bại Hải Phòng, Hà Nội, trở thành “kẻ phá bĩnh” nguy hiểm nhất V-League, đúng với câu “hùm chết để da”.
Hiện nay trên bảng xếp hạng, trong 7 đội xếp nửa dưới, có đến 5 cựu vô địch V-League, trong khi 7 đội xếp nửa trên chỉ có mình Hà Nội từng đăng quang. Điều này cho thấy, V-League vẫn giữ được tầm quan trọng trong đời sống bóng đá, tính cạnh tranh đang ở mức cao. Mặc dù ở mùa bóng năm nay, ngay từ đầu lượt về, người ta đã xác định Long An sẽ xuống hạng, nhưng điều đáng mừng là không có nhiều trận đấu “vô nghĩa”. Các đội chưa vô địch thì khao khát, những “cựu vương” thì nỗ lực để không bị quá “mất mặt” với khán giả yêu mến. Mỗi vòng đấu đều chứa đựng bất ngờ, khiến cho đến nay đội thắng nhiều nhất cũng chỉ mới 11 trận, chỉ chiếm 40% tổng số trận đã đấu và có đến 6 đội cùng đạt con số này, càng hứa hẹn kịch tính trong 2 vòng cuối.
Sự hấp dẫn ấy cũng đã được thể hiện trong bản danh sách triệu tập đội tuyển Việt Nam mới nhất do tân HLV trưởng Pắc Hang-seo công bố. Chỉ có 23 cầu thủ nhưng lại đến từ 11 đội bóng V-League khác nhau, tạo thêm một cuộc đua mới trong màu áo đội tuyển.
Thế nhưng điều đáng tiếc là lượng khán giả đến sân lại không tăng lên. Vòng 24 hết sức hấp dẫn vừa qua cũng chỉ đạt mức trung bình, chưa đến 4.000 người/trận trong khi mức bình quân của cả mùa giải hiện chỉ mới 5.500 người/trận. Đây là một bài toán hết sức hóc búa đối với các nhà tổ chức, bởi trong khi chất lượng các trận đấu tăng, số lượng thẻ phạt ngày một ít đi (trung bình chưa đến 4 thẻ vàng/trận), nhiều ứng cử viên vô địch hơn… mà khán giả vẫn không tăng thì mọi thứ trở nên vô nghĩa.
Nói gì thì nói, việc yêu cầu các đội bóng phải nâng cao chất lượng thi đấu nhưng lại thiếu các giải pháp tăng lượng người xem trực tiếp sẽ dẫn đến việc phát triển không bền vững. Không có khán giả, sẽ không có doanh thu từ bán vé, quảng cáo… gây trở ngại lớn cho ngân sách hoạt động, mua sắm cầu thủ hoặc lớn hơn đó là thu hút đầu tư.
Đây không phải là vấn đề “con gà và quả trứng” mà nó phải được phát triển song song thông qua những chiến lược quảng bá quy mô, truyền thông chuyên nghiệp cho V-League có tính chất vĩ mô từ nhà tổ chức chứ không thể khoán trắng cho các CLB. Có lẽ, lĩnh vực bóng đá cũng nên có một phong trào tương tự “người Việt dùng hàng Việt” để tạo nên động lực mới cho V-League trên bình diện chuyên môn lẫn kinh tế./.
Theo SGGP