SEA Games 29, sự kiện thể thao hàng đầu khu vực sẽ khởi tranh sau chưa đầy 5 tháng nữa, nhưng nhiều quốc gia vùng Đông Nam Á lại bàn đến chuyện chuẩn bị nguồn nhân lực cho ASIAD 18 sẽ khởi tranh vào năm sau. Đấy là điều đáng ngạc nhiên, bởi trước đây các quốc gia trong khu vực luôn rất hào hứng khi nhắc đến sân chơi vừa tầm SEA Games và luôn thận trọng với đấu trường châu lục.
Cho đến hiện tại, gần như các nền thể thao mạnh trong khu vực khá im hơi lặng tiếng, giới truyền thông thậm chí đưa thông tin rất nhỏ giọt lên mặt báo, ít nhắc đến SEA Games mà Ma-lai-xi-a sẽ đăng cai trong tháng 8, để nói nhiều về sự chuẩn bị hệ thống cơ sở hạ tầng của In-đô-nê-xi-a cho Á vận hội, về giấc mơ chinh phục Ô-lim-pích theo cách mà những ngôi sao thể thao hàng đầu khu vực là Hoàng Xuân Vinh (Việt Nam) hay Giô-dép Scun-linh (Xinh-ga-po) đã thể hiện ở Ri-ô Đê Gia-nê-rô 2016.
Đã từ lâu, tồn tại một thực tế khiến những quốc gia đăng cai Đại hội thể thao khu vực phải chạnh lòng, chính là chất lượng của SEA Games giảm sút, mất tính hấp dẫn, chỉ còn vài môn được trông đợi như bóng đá nam, bơi lội, điền kinh, bắn súng, cầu lông… vì ở đấy vẫn còn những ngôi sao hàng đầu châu Á, thế giới góp mặt. Nhóm môn không nằm trong hệ thống thi đấu Ô-lim-pích hoặc mang tính truyền thống của quốc gia đăng cai lại càng thất thế. Đấy là lý do hầu hết các nước khi được chuyển quyền đăng cai đại hội đều tìm cách né, không thoái thác được vì trách nhiệm thì cũng tìm cách “hoãn binh”.
SEA Games đúng là không còn hấp lực, nhưng ít ra đấy cũng là sự kiện mang tính hội tụ của các nền văn hóa - thể thao, tạo tình đoàn kết và giao lưu trong khối ASEAN. Giá trị lịch sử vẫn vẹn nguyên, chỉ là những nhà tổ chức chưa chịu hoặc không chú trọng thay đổi thể thức thi đấu, rút gọn số lượng môn để tập trung vào nhóm môn có thể “ăn nói” với châu lục, thế giới. SEA Games vì chưa loại bỏ được tư duy “hội làng”, còn nguyên những môn thể thao mang tính địa phương và ít phổ biến, nên mới đánh mất đi phần nào ý nghĩa. Thậm chí, việc kiểm soát đội ngũ trọng tài, thay đổi lịch thi đấu giờ cuối, đổi địa điểm… để giành bằng được số lượng huy chương đặt ra trước đại hội của nước chủ nhà cũng ngày càng khiến SEA Games chịu nhiều điều tiếng, tạo cơ hội cho tiểu xảo và những trò lố trong thể thao phát triển.
Thể thao hiện đại là sự vận động không ngừng, kéo theo đó là những đổi thay về luật lệ, cách thức thi đấu, những người làm thể thao Đông Nam Á cũng phải bắt kịp xu thế đó thì may ra mới tạo nên một hình ảnh mới mẻ và đầy cuốn hút cho SEA Games, thay vì để chính “người trong nhà” chỉ quan tâm đến khi bị ép buộc…
PV