Khi chỉ muốn đá bóng đẹp

09:10, 21/10/2016

1. Nhiều người hâm mộ Việt Nam mặc dù hài lòng về kết quả trận hòa với U.19 UAE nhưng rất bất bình về những pha bóng quyết liệt vượt khung luật của những cầu thủ trẻ Việt Nam. Công bằng mà nói, họ không có chọn lựa và giải pháp nào khác. Trước đối thủ mạnh hơn về trình độ, thể lực, lại đá hơn người thì việc phải chơi rắn là cơ hội duy nhất để các học trò ông Hoàng Anh Tuấn giữ được tỷ số 1-1 có lợi trong việc tranh vé vào tứ kết. 

Cũng cần phải lưu ý rằng, U.19 Việt Nam hình như không lường trước tình thế khó như vậy. Họ khởi đầu trận đấu tốt, cách tiếp cận thông minh và có bàn thắng dẫn trước theo đúng kế hoạch. Về lý thuyết, kiểu trận đấu như vậy luôn có lợi cho lối đá phòng thủ - phản công khá hiện đại mà ông Tuấn đang áp dụng. Việc để mất người trong một pha bóng gây tranh cãi nằm ngoài tính toán và sau đó, cách phòng ngự của những cầu thủ U.19 mang tính bản năng nhiều hơn.

Nói một cách khác: họ phải chơi thô bạo chỉ vì chưa hề tập đá phòng thủ… sao cho đẹp.

2. Nhưng cũng nhân trận đấu “vừa hài lòng, vừa không thích” nói trên, cần phải suy nghĩ về việc cổ xúy bóng đá đẹp tại Việt Nam.

Bởi cứ nói đến bóng đá phòng ngự là ở Việt Nam dễ nghĩ ngay đến thứ bạo lực sân cỏ tràn lan tại V-League. Có vẻ như chúng ta không biết cách chơi phòng thủ dù cách đây hơn 20 năm, HLV Uây-gang đã phổ cập những kỹ thuật phòng ngự của bóng đá Đức cho thế hệ vàng của bóng đá Việt Nam mà tiêu biểu là “dạy lại” những pha xoạc bóng ngang mặt cỏ để lấy bóng mà không phạm lỗi nặng với đối phương. Các hậu vệ như Hữu Thắng, Công Minh, Chí Bảo… nổi tiếng một thời ở các kỹ năng mới mẻ này.

Quang Hải (áo đỏ) giữa vòng vây của 2 cầu thủ UAE
Quang Hải (áo đỏ) giữa vòng vây của 2 cầu thủ UAE

Càng về sau, cứ đá phòng ngự, cứ trận nào căng thẳng một chút là y rằng sẽ nhan nhản những pha phi 2 chân để đoạt bóng, nhiều nhất vẫn là các cầu thủ đến từ lò SLNA. Điều này cho thấy, ở Việt Nam dường như không ưu tiên cho việc tập chơi phòng ngự và các kỹ thuật liên quan. Càng về sau, người ta càng cổ xúy cho bóng đá tấn công theo kiểu của HA.GL - Arsenal, phía ngược lại, tức là chỉ có lối chơi thô bạo. Kể từ sau thời Ca-lít-xtô và Gạch ĐT.LA, một đội bóng chuyên đá phòng thủ - phản công trở nên hiếm, mãi đến gần đây xuất hiện Sanna Khánh Hòa.

3. Ai cũng muốn xem bóng đá đẹp, nhưng cổ xúy cho nó mà coi thường việc chơi phòng thủ là điều không nên. Cũng có thể là vì bóng đá Việt Nam nhiều năm chơi bạo lực quá nên người hâm mộ bị ác cảm, chỉ muốn thấy bóng đá đẹp. Việc chê các cầu thủ U.19 Việt Nam đá quá xấu dù “cực chẳng đã” đó là thực trạng quan điểm xem bóng đá hiện nay của phần lớn người hâm mộ.

Trên thực tế, một nền bóng đá còn đang chậm phát triển như Việt Nam, 70-80% các trận đấu quốc tế đều phải chơi “cửa dưới” và luôn gặp những bất lợi kiểu như U.19 vừa qua. Chính vì vậy, việc học cách chơi phòng thủ, chọn chiến thuật phòng thủ cũng cần được khuyến khích. Bằng không, ở trên đá đẹp bao nhiêu thì chỉ cần 1 pha phòng thủ theo bản năng quá thô bạo sẽ khiến đội nhà mất người, lúc đó có muốn lấy công bù thủ cũng chẳng được./.

Theo SGGP

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com