1. Chuyện ông Nguyễn Xuân Gụ, phó chủ tịch truyền thông của VFF, than thở với cơ quan quản lý về nội tình của ban thường vụ tưởng như là “quả bom”, nhưng dư luận bảo: thường thôi.
Một ngày sau, đội U.23 Việt Nam thua U.23 Gioóc-đa-ni 1-3 trong thế kém cỏi, cũng tưởng sẽ có hàng loạt chỉ trích nhắm vào HLV Miu-ra. Thực tế thì cũng: thường thôi.
Một nền bóng đá mà ngay tổ chức đứng đầu còn chưa bao giờ có đội hình thống nhất, chưa thể có đoàn kết trong nội bộ, chưa nhìn cùng 1 hướng về trách nhiệm thì ở cấp độ đội tuyển, việc chơi bóng được như đội U.23 cũng đã là tốt lắm rồi, đâu có gì đáng để hoảng hốt hay chỉ trích. Nói cho công bằng, với một nền bóng đá mà lãnh đạo thì rối ren, hạ tầng CLB thì lệch pha, chất lượng cầu thủ thì toàn đào tạo theo kiểu ngắt ngọn, người hâm mộ thì tính toán thiệt hơn khi bỏ tiền mua vé vào sân thì làm được như ông Miu-ra cũng đã là quý. Chí ít, đội tuyển U.23 cũng thể hiện được tinh thần thi đấu và một mối quan hệ tương đối êm thấm. Đấy là những thứ tìm mãi không ra trong nền bóng đá Việt Nam.
2. Hãy làm một phép so sánh nhỏ giữa đội HA.GL và các đội tuyển quốc gia. Một đằng chỉ ăn và học đá bóng với đồng tiền đầu tư không giới hạn của ông bầu, đằng kia thì không có tiền để tổ chức các chuyến tập huấn, toàn chờ phía đối tác Nhật Bản “lo giúp”. Một đằng được bảo vệ đến tận răng bởi ông bầu, với một mục đích rất cụ thể đó là phát triển hình ảnh của doanh nghiệp, đằng kia người ta “ném” cả hơn 100 cầu thủ cho ông Miu-ra suốt 2 năm qua mà chẳng cần quan tâm, thậm chí người đứng đầu VFF còn chưa từng có mặt để động viên các tuyển thủ quốc gia tại một buổi tập nào. Một bên thống nhất như 1+1= 2 bởi chỉ có 1 lãnh đạo, bên kia thì những “ông chủ” mất đoàn kết, mâu thuẫn quan điểm về mục đích thi đấu.
Thế nên, phần lớn người hâm mộ thích HA.GL là chuyện đương nhiên. Chỉ có điều, cái yêu thích ấy không hẳn đến từ chuyện HA.GL quá nổi trội mà vì họ chẳng còn biết bấu víu vào cái gì để giữ lại tình yêu bóng đá.
3. Chính vì thế, xét một cách công bằng, HLV Miu-ra không đáng bị chỉ trích kể cả khi ông ta sai lầm trong lối chơi hay sử dụng nhân sự. Không một HLV nào đủ giỏi để thay đổi được năng lực của một đội tuyển có xuất phát điểm có quá nhiều khiếm khuyết. Ông ta hoặc chỉ có thể làm tốt công tác tinh thần, tính kỷ luật để xây dựng nền tảng cho tương lai hoặc “liều mạng” chọn những cầu thủ “hot” nhất để đá cho khán giả vui vẻ rồi nhận tiền lương về nước để lại một mớ hỗn độn cho người kế nhiệm.
Nói tóm lại, cái cần thay đổi ở bóng đá Việt Nam không phải là đẳng cấp hay lối chơi của các đội tuyển quốc gia. Đúng hơn, chuyện đó phải đến sau khi nền bóng đá có thể sản sinh ra nhiều cầu thủ có cùng trình độ, cùng kỹ năng, cùng thái độ chơi bóng. Mà để làm được điều đó thì lại phải đợi đến bao giờ các “trận đấu” tại VFF kết thúc mới được. Khổ nỗi, đó là những trận đấu không hề có bóng dáng trọng tài, chả biết bao giờ mới mãn cuộc. Thế mới có chuyện trận đấu ở Ca-ta chưa diễn ra thì “trận đấu” ở thượng tầng VFF đã bắt đầu./.
Theo SGGP