2015 là một năm thành công đối với bóng đá trẻ Việt Nam nếu nhìn vào thành tích của các đội tuyển U16, U19 và U23 ở vòng loại những giải bóng đá trẻ châu Á. Họ đã níu giữ được niềm tin của người hâm mộ về tương lai bóng đá nước nhà.
Đội tuyển U19 Việt Nam trong một buổi tập. |
Không nhận được nhiều sự quan tâm của người hâm mộ, cho dù thi đấu trên sân nhà ở vòng loại Giải vô địch U16 châu Á 2016, nhưng đội U16 nước ta vẫn nỗ lực ghi tên mình vào vòng chung kết của giải tổ chức tại Ấn Độ vào năm 2016, sau khi lọt vào tốp bốn đội nhì bảng có thành tích tốt nhất, đứng trên cả U16 Thái-lan. Trong khi đó, đội U19 Việt Nam (được lựa chọn đa dạng từ một số trung tâm đào tạo trẻ) cũng có những thành tích đáng phấn khởi: vào đến chung kết Giải vô địch U19 Đông - Nam Á 2015, dẫn đầu bảng G ở vòng loại Giải vô địch U19 châu Á 2016 để lọt vào vòng chung kết giải ở Ba-ranh, sau khi toàn thắng cả bốn trận, nhất là trận thắng đội chủ nhà đăng cai vòng bảng là U19 Mi-an-ma 1-0.
Đội tuyển U23 Việt Nam của HLV Mi-u-ra cũng thi đấu không tệ ở bảng I khi giành suất dự vòng chung kết Giải vô địch U23 châu Á 2016 tại Ca-ta bằng hai chiến thắng trước đội tuyển U23 Ma-lai-xi-a và U23 Ma Cao (Trung Quốc) với các tỷ số 2-1 và 7-0, chỉ chịu thúc thủ trước đội bóng quá mạnh là U23 Nhật Bản với tỷ số 0-2. Xếp thứ nhì bảng I, đội bóng nước ta lọt vào tốp năm đội nhì bảng có thành tích tốt nhất để đua tranh cùng các đội U23 mạnh của châu lục vào năm sau.
Cả ba đội tuyển U16, U19 và U23 Việt Nam lần lượt giành suất dự vòng chung kết các giải trẻ châu Á trong năm 2016, một lần nữa cho thấy sự trưởng thành và khoảng cách không quá cách biệt của nền bóng đá trẻ Việt Nam trong khu vực. Những thành tích này cũng nuôi giữ niềm tin cho người hâm mộ về tương lai và triển vọng của nền bóng đá nước nhà. Chúng ta không kỳ vọng quá mức vào việc các đội tuyển trẻ của Việt Nam giành thứ hạng cao trước các đội bóng mạnh được đào tạo bài bản với nhiều tài năng của châu lục như Nhật Bản, Hàn Quốc..., nhưng hy vọng đây sẽ là những cơ hội cọ xát, bổ sung kinh nghiệm, nâng cao chuyên môn, giúp các tuyển thủ trẻ thêm tự tin, xây dựng bản lĩnh và tính chuyên nghiệp trong thi đấu.
Bóng đá trẻ là nền tảng phát triển vững chắc của bóng đá mỗi quốc gia. Muốn xây dựng nền tảng ấy cần nhiều sự quan tâm đầu tư bài bản, đòi hỏi những chính sách, cung cách và cơ chế quản lý khoa học, chuyên nghiệp cùng những con người nhiệt huyết, giỏi chuyên môn và cùng có chung hướng nhìn đúng đắn về chiến lược phát triển cho bóng đá nước nhà. Điều đáng lo ngại là cơ hội cọ xát cho các tuyến trẻ thông qua những giải đấu đang ngày càng bị co hẹp (chỉ có khoảng 15 trận/năm) khiến họ không thể tích lũy nhiều kinh nghiệm và nâng cao chất lượng chuyên môn. Nhiều câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp không thật sự quan tâm đầu tư cho bóng đá trẻ, mà chỉ làm theo hướng đối phó với Quy chế về bóng đá chuyên nghiệp, thậm chí chịu nộp phạt chứ không chịu đầu tư cho các tuyến trẻ.
Những bất cập nêu trên là điều đáng lo ngại cho tương lai nền bóng đá nước nhà. Chúng ta không thiếu những cầu thủ trẻ đầy tiềm năng, chỉ cần được quan tâm đầu tư đúng hướng, tạo điều kiện và môi trường tốt hơn, họ sẽ giúp bóng đá Việt Nam “gặt hái” thành quả, đáp ứng kỳ vọng của người hâm mộ.
Theo nhandan.com.vn