Tạo nền tảng vững chắc để thể thao Việt Nam phát triển

07:03, 27/03/2015

Cách đây 69 năm, ngày 27-3-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh thành lập Nha Thanh niên và Thể dục, đồng thời viết bài kêu gọi toàn dân tập luyện thể dục, thể thao và ngày này đã trở thành Ngày truyền thống của ngành thể thao Việt Nam. Dựa trên những quan điểm, tư tưởng của Người, nền thể dục - thể thao (TDTT) nước ta đã có những bước phát triển mạnh mẽ với thể thao đỉnh cao trên nền tảng thể thao phong trào sâu rộng.

 Đoàn thể thao Việt Nam tại Lễ khai mạc Asiad 17 năm 2014. Ảnh: THU NGA
Đoàn thể thao Việt Nam tại Lễ khai mạc Asiad 17 năm 2014.

Luôn luôn được quan tâm đầu tư

Phát triển TDTT là một chủ trương lớn, luôn nhận được sự quan tâm, đầu tư của Ðảng, Nhà nước ta, qua đó, TDTT được tạo điều kiện vươn lên với nhiều chuyển biến tích cực. Theo GS, TS Dương Nghiệp Chí, nguyên Viện trưởng Khoa học TDTT, tiến bộ lớn nhất của TDTT Việt Nam thời gian qua chính là ở lĩnh vực chính sách. Chúng ta đã có Luật TDTT, chiến lược và quy hoạch phát triển ngành TDTT dài hạn; nhiều đề án, dự án lớn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; nhiều nghị định, thông tư về TDTT đã được ban hành. Trong những năm gần đây, chính sách TDTT đã bảo đảm và thúc đẩy sự nghiệp TDTT nước nhà phát triển, điều chỉnh hoạt động và hạn chế những tác động tiêu cực đối với xã hội.

Một trong những điểm nhấn về chính sách là việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2020 với các nội dung phù hợp xu thế phát triển mới của TDTT thế giới và điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn hiện nay. Chiến lược đã đề ra những mục tiêu xây dựng và phát triển nền TDTT nước nhà để nâng cao sức khỏe nhân dân, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp CNH, HÐH đất nước và tăng tuổi thọ của người Việt Nam. Chiến lược đã đặt ra các tiêu chí cụ thể trong từng nội dung phát triển, chú trọng TDTT quần chúng, giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường, lực lượng vũ trang, xây dựng thể thao thành tích cao và chuyên nghiệp, tập trung vào các môn trọng điểm, Ô-lim-pích, giữ vững thành tựu nằm trong tốp ba nước hàng đầu của thể thao khu vực, từng bước vươn lên tầm châu lục và thế giới.

Cùng với Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2020, Bộ Chính trị có Nghị quyết số 08-NQ/TW năm 2011 về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về TDTT đến năm 2020, khẳng định: phát triển TDTT là một yêu cầu khách quan của xã hội, là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân; góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân; giáo dục ý chí, đạo đức, xây dựng lối sống và môi trường văn hóa lành mạnh; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân; mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác quốc tế. Nghị quyết này cho thấy quan điểm của Ðảng ta luôn xác định việc đầu tư cho TDTT là đầu tư cho con người, cho sự phát triển của đất nước. Việc giữ gìn, tôn vinh những giá trị TDTT truyền thống của dân tộc, tiếp thu các thành tựu và tiến bộ của thể thao thế giới để từ đó phát triển nền TDTT nước ta mang tính dân tộc, khoa học, nhân dân và văn minh, là những quan điểm có ý nghĩa quan trọng trong quá trình hội nhập và phát triển.

Những quan điểm chỉ đạo phát triển TDTT nêu trên đã được thể hiện qua các chủ trương, chính sách và sự đầu tư mạnh mẽ. Tổng cục trưởng TDTT Vương Bích Thắng cho biết: Ðảng, Nhà nước đã có những chính sách tăng tỷ lệ chi ngân sách và huy động các nguồn lực xã hội để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất TDTT; đổi mới phương thức quản lý, phát huy mạnh mẽ chủ trương phân cấp, phân quyền và xã hội hóa trong quản lý, điều hành, tổ chức các hoạt động TDTT. Nhờ đó, sự nghiệp TDTT nước ta đã có những bước phát triển mới. Phong trào TDTT quần chúng ngày càng được mở rộng với nhiều hình thức đa dạng, tích cực, góp phần cải thiện đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, tiêu biểu là phong trào "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại". Công tác giáo dục thể chất trong nhà trường có những chuyển biến tích cực cả về hình thức lẫn nội dung. Phần lớn các xã, phường, thị trấn trong cả nước đã có Hội đồng TDTT, câu lạc bộ hoặc nhà văn hóa thể thao, khoảng 45% số xã, phường, thị trấn có sân chơi, bãi tập, 78% số quận, huyện có Trung tâm Văn hóa, Thể thao hoặc Nhà văn hóa huyện. Tính đến nay, đã có 45 trong số 63 tỉnh, thành phố tổ chức hoạt động TDTT thường xuyên cho người khuyết tật, qua đó từng bước động viên họ hòa nhập cộng đồng, tham gia tập luyện TDTT, đóng góp tài năng để nâng cao thành tích thể thao người khuyết tật trên đấu trường quốc tế.

Thực hiện chủ trương của Ðảng, Nhà nước trong phát triển thể thao, công tác xã hội hóa TDTT đang được đẩy mạnh thông qua việc xây dựng cơ sở vật chất, tài trợ huấn luyện và tổ chức các hoạt động TDTT... Nhiều địa phương đã duy trì và khuyến khích phát triển các cơ sở tư nhân, các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực TDTT, góp phần mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động TDTT từ các xã, phường, thị trấn đến làng, bản, thôn, ấp, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân.

Thành tựu nổi bật của thể thao Việt Nam trong hơn 20 năm đổi mới là sự vươn lên mạnh mẽ của thể thao thành tích cao, qua đó lọt vào tốp những nước có thành tích hàng đầu của thể thao khu vực. Tại SEA Games 26 năm 2011 và SEA Games 27 năm 2013, Ðoàn thể thao Việt Nam liên tục đứng trong tốp ba nước dẫn đầu khu vực Ðông - Nam Á; tại Ðại hội thể thao trong nhà và võ thuật châu Á 2013, Việt Nam xếp thứ 3 trong tổng số 45 quốc gia và vùng lãnh thổ; đứng thứ 7 trong số 45 quốc gia ở Ðại hội thể thao châu Á trẻ năm 2013. Một số môn đã đạt tới trình độ châu Á và thế giới. Nhiều đề án phát triển, chiến lược đào tạo vận động viên hay các chủ trương đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ của khoa học vào lĩnh vực TDTT cũng được triển khai có hiệu quả trong thời gian qua. Hợp tác quốc tế về thể thao được tăng cường, vị thế của thể thao Việt Nam được nâng cao và đã trở thành những "sứ giả" của tình đoàn kết, hữu nghị, thể hiện tinh thần và chủ trương chủ động hội nhập quốc tế của nước ta.

Hơn ba năm thực hiện Chiến lược phát triển thể thao Việt Nam đến năm 2020 và thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị, có thể nói, ngành TDTT đã có những đóng góp tích cực trong việc thực hiện những nhiệm vụ chính trị, xã hội, công tác đối ngoại của Ðảng, Nhà nước ta, từng bước nâng cao sức khỏe nhân dân; đào tạo và xây dựng được một đội ngũ lớn cán bộ, huấn luyện viên và vận động viên cho thể thao thành tích cao đã và đang nhận được nhiều kỳ vọng.

Bứt phá vươn lên

Tuy TDTT nước ta đã đạt được những thành tựu nhất định song vẫn tồn tại không ít những hạn chế, yếu kém. Sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác TDTT ở một số địa phương và ngành chưa được nhận thức đầy đủ; phong trào phát triển chưa sâu rộng, nhất là ở nông thôn, miền núi và các khu công nghiệp. Giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong học sinh, sinh viên chưa thường xuyên và kém hiệu quả. Thành tích thể thao Việt Nam chưa thật sự bền vững mà nguyên nhân không nhỏ là đội ngũ cán bộ, huấn luyện viên còn thiếu và yếu, nền tảng cơ sở hạ tầng, công nghệ, khoa học phục vụ tập luyện và thi đấu lạc hậu và chưa đầy đủ bên cạnh hệ thống tổ chức, điều hành quan liêu, thiếu ổn định cùng cơ chế, chính sách chưa linh hoạt, không mang tính khuyến khích, nhất là ở các môn thể thao Ô-lim-pích. Chúng ta cũng chưa tạo dựng được hệ giá trị văn hóa mang tính phổ quát trong cộng đồng tham gia các hoạt động thể thao và hưởng thụ thể thao. Trong khi đó, vẫn tồn tại nhiều tiêu cực trong thể thao thành tích cao, nhất là môn bóng đá.

Với mục tiêu đưa TDTT Việt Nam vươn cao trên trường quốc tế, sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ban, ngành từ trung ương đến địa phương là hết sức cần thiết và cấp bách; đồng thời phải không ngừng tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng, cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực và thực hiện phân cấp quản lý TDTT, tạo bước phát triển mạnh mẽ về TDTT đến năm 2020. Thể thao thành tích cao chỉ có thể bứt phá trên đấu trường quốc tế khi được phát triển bền vững, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong trường học - bộ phận quan trọng của phong trào TDTT; bảo đảm mục tiêu phát triển thể lực toàn diện và kỹ năng vận động cơ bản của học sinh, sinh viên, góp phần đào tạo năng khiếu và tài năng thể thao. Bên cạnh đó, thúc đẩy hoạt động TDTT quần chúng thông qua phong trào "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại"; phát triển sâu rộng phong trào TDTT trong các tầng lớp nhân dân.

Ðể xây dựng một nền tảng TDTT sâu rộng và bền vững, điều đáng quan tâm là chú trọng đào tạo các tài năng thể thao và đội ngũ kế cận có chất lượng; củng cố và phát triển các trường, lớp năng khiếu thể thao ở các tỉnh, thành phố; mở rộng quy mô và hiện đại hóa các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia; đổi mới tổ chức, quản lý thể thao thành tích cao theo hướng chuyên nghiệp; tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức xã hội, tư nhân tham gia đào tạo cán bộ, vận động viên TDTT. Trong đầu tư, cần ưu tiên cho các cơ sở đào tạo và vận động viên các môn thể thao trọng điểm. Vừa qua, ngành thể thao đã tiến hành quy hoạch đầu tư trọng điểm cho từng cá nhân vận động viên đạt thành tích cao ở các môn dự ASIAD và Ô-lim-pích (khoảng 50 đến 60 người) và khoảng 100 vận động viên có khả năng giành Huy chương vàng SEA Games và vận động viên trẻ tiềm năng trong năm 2015. Ngoài các chế độ bồi dưỡng, ưu đãi đặc biệt, vận động viên sẽ được tập huấn ở một số nước với các điều kiện tốt nhất, được thường xuyên thi đấu cọ xát để hướng tới mục tiêu giành thành tích cao ở đấu trường châu lục và thế giới. Ðây là hướng đi mang tính đổi mới, chuyên nghiệp và hiệu quả đối với thể thao thành tích cao của Việt Nam.

Năm 2015, thể thao Việt Nam đang tập trung chuẩn bị cho đấu trường SEA Games 28 và vòng loại Ô-lim-pích 2016, trong đó tập trung đào tạo vận động viên các môn thể thao trọng điểm, tạo bước đột phá thành tích. Ðây là nhiệm vụ then chốt của thể thao Việt Nam ở thời điểm hiện tại cũng như tương lai. Với những thành tựu trong 69 năm xây dựng và trưởng thành, hoàn toàn có cơ sở để tin rằng thể thao Việt Nam sẽ có những bước đi bứt phá trên con đường phát triển.

Theo nhandan.com.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com