Góc nhìn thể thao: Ðầu tư chiều sâu cho thể thao thành tích cao

07:02, 04/02/2015

Những năm qua, sự tiến bộ của thể thao Việt Nam (TTVN), nhất là thể thao thành tích cao (TTTTC) trên đấu trường quốc tế như Ô-lim-pích hay Asiad còn yếu, nhiều môn có dấu hiệu thụt lùi. Trong các nguyên nhân dẫn tới thực trạng này, có một yếu tố quan trọng chưa được thực hiện hiệu quả chính là sự đầu tư có chiều sâu đối với lực lượng vận động viên TTC.

 "Kình ngư" Nguyễn Thị Ánh Viên được quan tâm đầu tư để giành thành tích cao cho thể thao Việt Nam.
"Kình ngư" Nguyễn Thị Ánh Viên được quan tâm đầu tư để giành thành tích cao cho thể thao Việt Nam.

Năm 2014, TTVN thất bại về mặt chỉ tiêu tại sự kiện thể thao quan trọng là ASIAD, nối tiếp những thất bại khác ở các năm trước. Những nhà quản lý ngành thường đưa ra "bộ" lý do quen thuộc như yếu tố khách quan (trọng tài, chủ nhà xử ép...), yếu tố tâm lý và cả sự... thiếu may mắn. Thậm chí, người ta còn vin vào thành tích "thường niên" nằm trong tốp đầu của thể thao Ðông-Nam Á để làm cái cớ "tự thỏa mãn" và dường như quên đi sự phát triển thiếu chiều sâu của thể thao nước nhà suốt quãng thời gian dài qua. Nhưng đã đến lúc phải nhìn thẳng vào thực tế trình độ chuyên môn còn yếu của các VÐV để có phương án cải thiện, không tiếp tục kéo lùi sự cố gắng của cả một hệ thống phát triển.

Nhìn lại sơ đồ thành tích của thể thao nước nhà hơn 10 năm qua, chỉ duy tính cạnh tranh huy chương tại đấu trường SEA Games là ổn định khi liên tục từ năm 2003 đến nay TTVN đều nằm trong tốp ba. Tỷ lệ đạt huy chương trên 40% tổng số VÐV tham gia đại hội. Ðây là kết quả tích cực xuất phát từ chương trình mục tiêu quốc gia từ năm 1993. Tuy nhiên, ở chính đấu trường có thành tích khả quan nhất này, khả năng tranh chấp huy chương các môn trong chương trình Ô-lim-pích của TTVN vẫn còn kém. Ðiều này tiếp tục thể hiện trên bảng thành tích ở sân chơi tiệm cận Ô-lim-pích là ASIAD, tổng số huy chương của TTVN có tăng nhưng số HCV không ổn định và hầu hết đều ở những bộ môn không thuộc trọng điểm Ô-lim-pích. Hơn nữa, thành tích cao nhất cũng đã cách đây 13 năm tại ASIAD 14 với bốn HCV, xếp thứ 15, sau đó đều "trồi sụt", hai kỳ ASIAD gần đây chỉ đoạt được một HCV. Ở sân chơi Ô-lim-pích, TTVN đã giẫm chân tại chỗ suốt 15 năm qua, từ hai chiếc HCB tại hai kỳ Ô-lim-pích năm 2000 (môn tê-cuôn-đô) và năm 2008 (môn cử tạ), đến nay không có thêm bất cứ huy chương nào...

Từ những vấn đề trên, đầu năm 2015, Tổng cục TDTT đã có biện pháp đi vào hiệu quả để thực hiện một quá trình đầu tư đặc biệt, có hệ thống đối với các VÐV thành tích cao. Theo đó, các VÐV trọng điểm loại một được xét phải có thành tích tiếp cận thành tích giành huy chương châu Á và có cơ hội đạt chuẩn tham dự Ô-lim-pích. Chế độ cho nhóm này bao gồm tiền ăn 400.000đồng/người/ngày và tiền lương 400.000 đồng/người/ngày. Các VÐV sẽ được ưu tiên tìm HLV, chuyên gia có chất lượng và được đi thi đấu tại các giải đấu quan trọng để giành thành tích cho TTVN. Ngành thể thao cũng sẽ đầu tư cho khoảng 100 VÐV trọng điểm loại hai ở các môn thi có khả năng tranh chấp HCV tại SEA Games và các VÐV trẻ tiềm năng. Các VÐV trọng điểm loại hai được đãi ngộ như đối với VÐV đội tuyển quốc gia, thêm vào đó được đầu tư đặc biệt về chế độ dinh dưỡng, thực phẩm chức năng, thuốc bổ hỗ trợ. Tất cả kinh phí đầu tư đều được lấy từ tiền ngân sách cấp cho sự nghiệp thể thao hằng năm (hơn 500 tỷ đồng dành cho năm 2015).

Chính sách nêu trên không phải là bước nhảy vọt nhưng là sự cần thiết trước nhu cầu hiệu quả và minh bạch hóa quá trình đầu tư cho các VÐV thành tích cao. Trong đó, đãi ngộ về tiền lương và chế độ ăn uống khoa học được coi là tối ưu. Chế độ dinh dưỡng và thuốc men được đặt lên hàng đầu cho sự phát triển thành tích của các VÐV thuộc nhóm đặc biệt này. Việc đầu tư khoa học hiện đại vào TTTTC như vậy đã được áp dụng ở nhiều nước, thí dụ như Thái-lan. Nếu ở ASIAD 11, thể thao nước này chỉ có hai HCV, bảy HCB xếp thứ 10 thì đến ASIAD 12 họ đã đoạt ba HCV, chín HCB xếp thứ 12 và chỉ sau bốn năm, ở Asiad 13, Thái-lan đã đoạt tới 24 HCV, vươn lên xếp thứ tư. Một sự biến chuyển cực kỳ ấn tượng sau hơn 10 năm đầu tư bài bản, tập trung cụ thể vào từng nhóm đối tượng VÐV. Vì thế, những gì TTVN đang thay đổi dù chậm nhưng chưa muộn. Ðiều cần thiết là chúng ta cần sớm khắc phục những bất cập sau khi đưa chiến lược vào thực tế để đạt kết quả cao nhất.

Có thể nói, TTVN đang đối mặt nhiều khó khăn, trong đó có sức ép thành tích, sự đòi hỏi thay đổi triệt để về chiến lược phát triển TTTTC. Quan trọng hơn cả, ngành thể thao phải tìm ra hướng đi đúng nhất, hiệu quả nhất để tận dụng ngân sách có hạn nhưng vẫn bảo đảm chế độ tập luyện và đãi ngộ tương xứng khả năng, sự cống hiến của các VÐV.

Theo nhandan.com.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com