Bài học cho thể thao Việt Nam

06:05, 02/05/2014

Để có thể đăng cai thành công một sự kiện thể thao có quy mô như Đại hội thể thao châu Á (ASIAD), với sự tham dự của hơn 10 nghìn VĐV đến từ 45 quốc gia và vùng lãnh thổ, chúng ta cần phải có hệ thống cơ sở vật chất hạ tầng, trang thiết bị dụng cụ thi đấu đáp ứng đúng yêu cầu mà Hội đồng Ô-lim-pích châu Á và các Liên đoàn thể thao thành viên đặt ra; có một đội ngũ tham mưu điều hành có sự đồng bộ và trình độ cao, đủ khả năng đảm trách công tác tổ chức nói chung lẫn các cuộc đấu cụ thể, đặc biệt ở các môn mới nói riêng; đồng thời phải chuẩn bị sẵn sàng một lực lượng VĐV đủ mạnh để tạo ra đột phá về mọi mặt, nhất là về thành tích, có thể làm hài lòng các nhà quản lý cũng như người hâm mộ… Tuy nhiên có thể thấy, cách tiếp cận và cách làm của ngành VH, TT và DL trong việc vận động và chuẩn bị đăng cai ASIAD 2019 là tương đối đơn giản, sơ sài, chủ quan, phiến diện. Minh chứng là bản đề án dù đã qua giải trình và chỉnh sửa nhiều lần vẫn không đủ sức thuyết phục, nhất là về mức kinh phí cùng các biện pháp triển khai. Điều này là dễ hiểu, khi bản đề án được "khoán" cho một số người của Ủy ban Ô-lim-pích Việt Nam và Tổng cục TDTT, chứ không tập hợp được trí tuệ, sức mạnh như đáng ra phải có từ giới chuyên môn cũng như các bộ, ngành liên quan. Thậm chí, người ta có cảm giác ngành VH, TT và DL chỉ chăm chăm đến việc làm sao để được tổ chức ASIAD. Chuyện đăng cai một kỳ ASIAD với chi phí hàng trăm triệu USD của ngân sách Nhà nước mà cứ mang tính cục bộ như chuyện "nội bộ" ngành! Với những gì đã thể hiện, ngoài những yếu tố khách quan, rõ ràng chúng ta đã không chuẩn bị tốt các điều kiện, cũng như không có sự thích hợp về thời điểm. Thực tế đã cho thấy, những nước "gồng mình" lên để đăng cai một sự kiện thể thao quá sức luôn phải gánh chịu nhiều hậu quả kéo dài. Và bởi vậy, việc xin rút đăng cai là một quyết định đúng đắn, kịp thời, phù hợp với tình hình của đất nước hiện nay.

Có nhiều bài học cần được rút ra từ chuyện này. Trong đó, vấn đề quan trọng nhất đối với thể thao Việt Nam trong hành trình phát triển, đó là phải luôn gắn với điều kiện, hoàn cảnh thực tế của đất nước. Lợi ích, trách nhiệm của cả quốc gia đòi hỏi phải có cách tiếp cận, cách làm khách quan, minh bạch, hiệu quả, có sự giám sát chặt chẽ và phản biện khoa học, nghiêm túc. Lợi ích tối thượng ấy không chấp nhận những tư duy nôn nóng, duy ý chí và chỉ đáp ứng những mục tiêu thể thao thuần túy. Những gì đã, đang và sẽ xảy đến quanh quá trình nhận và rút quyền đăng cai ASIAD 19 là những trải nghiệm đắt giá dành cho thể thao Việt Nam. Thiếu sự cân nhắc kỹ lưỡng và tỉ mỉ đã khiến chúng ta lãng phí không chỉ thời gian, trí tuệ, công sức, tiền bạc... mà phần nào đó làm giảm sút uy tín và thể diện - những điều lẽ ra đã có thể tránh được ngay từ hai năm về trước. Câu chuyện đã khép lại, nhưng bài học về những biểu hiện cụ thể của tính chuyên nghiệp đó, trên thượng tầng kiến trúc, sẽ luôn cần phải được ghi nhớ.
Trong tương lai, Việt Nam sẽ có một lần đường hoàng nhận cương vị chủ nhà của một kỳ ASIAD. Song, nhất định lần ấy sẽ diễn ra vào một thời điểm mà các điều kiện về kinh tế - xã hội đã chín muồi, mọi ý tưởng đã được "nghiền ngẫm" kỹ lưỡng, những nguy cơ rủi ro đã được hạn chế đến mức thấp nhất và nền thể thao Việt Nam đã tiến một chặng dài trên hành trình chuyên nghiệp hóa. Chỉ đến lúc ấy, việc đăng cai ASIAD mới thật sự trở thành một vinh dự đích thực đối với đất nước./.

Khôi Nguyên (tổng hợp)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com