Nhìn lại đội tuyển Việt Nam ở vòng loại Asian Cup 2014: Sự yếu kém của một nền bóng đá

07:11, 23/11/2013

Không ai bất ngờ khi thầy trò HLV Nguyễn Văn Sỹ thất thủ ở UAE với tỷ số nặng nề 0-5, nhưng người hâm mộ (NHM) buồn lòng vì phải chứng kiến sự đi xuống quá nhanh của ĐT Việt Nam. Phải chăng, chúng ta đã chạm đáy?

Sắc đỏ đang ở đâu?

Có một thực tế không thể phủ nhận: ĐT Việt Nam đang đội sổ ở bảng đấu mà chúng ta tham dự vòng loại Asian Cup 2014. Ngoài U-dơ-bê-ki-xtan và UAE được đánh giá cao hơn, ĐT Việt Nam còn đứng dưới cả đối thủ vốn chỉ góp mặt ở các giải đấu khu vực “cho vui” là Hồng Công. Một kết cục khó chấp nhận với đội bóng từng được các chuyên gia FIFA đánh giá “đang phát triển mạnh và có tiềm năng vươn tầm châu lục”.

Trong suốt vòng loại Asian Cup 2014, NHM phải nuốt trôi hết thất bại này đến thất bại khác theo cách "trận thua sau đậm hơn trận thua trước". Đáng nói hơn, sau mỗi trận thua, ĐT Việt Nam lại “báo hiệu” thất bại sắp tới còn tệ hơn nữa.

Trở lại với trận đấu đáng quên trên đất UAE cách đây vài ngày, ĐT Việt Nam đã thể hiện bộ mặt yếu đuối và bất lực. Thẻ đỏ của Phước Vĩnh tuy hơi sớm (so với trận đấu), nhưng nó chính là hệ quả tất yếu phải diễn ra không sớm thì muộn. Vì nếu trung vệ đang khoác áo SHB Đà Nẵng không bị truất quyền thi đấu, rất có thể một đồng đội khác của anh cũng “dính đòn” khi khung thành thủ môn Thanh Bình liên tục chao đảo trong bối cảnh cả đội "sức cùng lực kiệt" theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Tóm lại, thất bại đó phản ánh đầy đủ sự hạn chế của cả nền bóng đá trong suốt thời gian dài.

Lứa cầu thủ của Học viện Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal sẽ là nòng cốt cho đội tuyển quốc gia trong tương lai? Ảnh: BĐ.com.
Lứa cầu thủ của Học viện Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal sẽ là nòng cốt cho đội tuyển quốc gia trong tương lai? Ảnh: BĐ.com.

Trước đó, thầy trò HLV Nguyễn Văn Sỹ miệng hô xung phong, đặt quyết tâm phục thù và thể hiện sự chuẩn bị nghiêm túc như đá một trận chung kết. Nhưng rút cuộc, họ vẫn để thua U-dơ-bê-ki-xtan 0-3 ngay tại Mỹ Đình.

Sau trận đấu này, báo chí mổ xẻ nhiều về các tình huống nhận bàn thua của ĐT Việt Nam, điển hình là cú bắt bóng “như trẻ con” của Tấn Trường. Không ít người coi đó là nguyên nhân của thất bại. Tuy nhiên, như đã phân tích ở trên - nếu Tấn Trường không phạm sai lầm thì cầu thủ khác cũng sẽ phạm sai lầm vì cơ bản: ĐT Việt Nam chẳng có gì để so sánh với đối thủ. Họ vượt qua chúng ta quá dễ, quá đơn giản mà chẳng tốn quá nhiều công sức ngoài việc phải di chuyển xa.

Chỉ tính riêng hai trận thua gần nhất và chuỗi 5 thất bại liên tiếp trên đấu trường Asian Cup 2014, NHM có quyền đặt câu hỏi: ĐT Việt Nam đang đứng ở đâu?

Khủng hoảng toàn diện

Thật khó để tìm lời giải thích nào tốt hơn cụm từ “khủng hoảng toàn diện”. Bóng đá Việt Nam - sau khoảnh khắc thăng hoa hồi AFF Cup 2008 và cơn mưa tiền tạm thời - đã trở về với bản chất nghiệp dư thực sự. Chúng ta cố tình nói tốt về nhau bằng những mỹ từ có cánh dành cho giải VĐQG. Nào là hấp dẫn nhất Đông Nam Á, nào là điểm đến của các ngôi sao khu vực… Tất cả tạo ra một hình ảnh giả tạo đến đau lòng.

Các đội bóng tranh thủ túi tiền không đáy của các ông bầu thi nhau làm mưa làm gió ở giải quốc nội (đặc biệt là V.League và hạng nhất), trong khi, những nhà đầu tư ngắn hạn (ông bầu) lại dựa vào sự “dễ tính” của cơ quan quản lý (VFF) để làm thương hiệu thời vụ. Hậu quả là sân chơi nội không đạt chất lượng, các cầu thủ tự huyễn hoặc khả năng “ngôi sao” của mình (thông qua mức lương khủng tạm thời) mà không nhận ra đâu là cái đích căn bản cần phấn đấu.

Trong suốt thời gian dài, VFF tạo ra hàng chục giải đấu phụ dành cho ĐTQG các cấp, kêu gọi được hàng đống tiền nhưng việc quan trọng là chăm sóc cái gốc - tức chất lượng cầu thủ (trong đó có đào tạo và giải quốc nội) thì họ bỏ qua. Điều này lý giải vì sao, ĐT Việt Nam hiện nay sa sút thảm hại về thành tích. Chiếc vé Asian Cup 2014 chỉ là một vấn đề, nhưng cuộc khủng hoảng nhân sự chắc chắn sẽ còn kéo dài.

Chúng ta có thể trách Tấn Trường, phê phán Phước Vĩnh, nhưng liệu HLV Nguyễn Văn Sỹ có thể dùng ai thay hai cầu thủ trên? Tấn Trường không tin được về phong độ và có cả “lịch sử sai lầm” ngu ngơ thì Vĩnh Lợi và Thanh Bình liệu có hơn? Đấy là câu hỏi khó, vì nếu hơn, họ đã được bắt chính. Còn Phước Vĩnh, có thể coi chiếc thẻ đỏ của cầu thủ này là một tai nạn.

Đáng nói hơn, trong việc điều hành ĐT Việt Nam thời gian vừa qua, nếu VFF không dùng HLV Nguyễn Văn Sỹ - một nhà cầm quân dẫn dắt Vissai Ninh Bình năm nào cũng suýt xuống hạng và chẳng có dấu ấn sắc sảo về chuyên môn thì mời ai ngồi vào ghế nóng? Khó ở chỗ đó, bởi những người có đủ tầm vóc để nhận việc thì không dễ thỏa hiệp hoặc có tư duy “nghe lời”, trong khi bản thân họ cũng không muốn được VFF “ban ơn” theo kiểu cấp trên… thương tình cấp dưới!

Bóng đá Việt Nam khủng hoảng là vì thế. Và những câu hỏi đại loại như “chúng ta đang đứng ở đâu?”, “vì sao ĐT Việt Nam thất bại thảm hại?” có lẽ cũng không cần phải trả lời cụ thể. Bởi nguyên nhân chính vẫn đang nằm ở VFF. Chỉ khi nào bộ máy đó thay đổi, NHM mới hy vọng ĐT Việt Nam sẽ “định giá tốt” cho cả nền bóng đá!

Theo qdnd.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com