Khi Giải bóng đá vô địch quốc gia V-League 2013 đang bước vào những vòng đấu cuối và những tưởng sẽ yên ổn "cán đích" thì lại xảy ra vụ nghi án dàn xếp tỷ số của đội XM Xuân Thành Sài Gòn (XMXT Sài Gòn) trong trận thua 1-3 trước đội "cuối bảng" Kienlongbank Kiên Giang ở vòng 19. Cùng với quyết định xử phạt của VFF là quyết định bỏ giải của "ông chủ" đội bóng. Vụ việc một lần nữa cho thấy cách hành xử thiếu trách nhiệm, không chuyên nghiệp từ một bộ phận các "ông bầu" bóng đá nước ta.
Quyết định xử phạt (trừ XMXT Sài Gòn bốn điểm) của Ban Kỷ luật Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) được ban hành một cách khách quan, dựa trên báo cáo của Ban tổ chức Giải V-League 2013 cùng những tư liệu chuyên môn, băng ghi hình và các tài liệu liên quan đến trận đấu. Qua đó, có thể khẳng định việc "lách luật" của XMXT Sài Gòn khi tung ra một đội hình trẻ, thi đấu hời hợt để có lý do giải thích cho thất bại 1-3, trước đội bóng Kiên Giang. Việc ra án phạt này cũng bình thường như bao giải bóng đá chuyên nghiệp ở các quốc gia khác và nói như lãnh đạo VFF, mức phạt bốn điểm đó là cần thiết và hợp lý, đủ độ nặng để đội bóng này "không thể tiếp tục đóng kịch trên sân" và thể hiện sự thiếu tôn trọng với khán giả, đồng thời khuyến khích họ nỗ lực trong hai trận đấu còn lại mà với thực lực của mình, họ thừa khả năng kiếm điểm để ở lại sân chơi.Ðây cũng không phải lần đầu thầy trò HLV Trần Tiến Ðại dính đến các nghi án tiêu cực cho dù họ có thắng hay thua. Ðiều đáng nói là khi Ban Kỷ luật của VFF ra quyết định kỷ luật XMXT Sài Gòn thì phản ứng của Chủ tịch Câu lạc bộ đội bóng là tuyên bố bỏ giải đấu làm xôn xao dư luận, tác động không nhỏ đến tâm lý cầu thủ, gây nhiều bức xúc cho người hâm mộ. Hệ lụy khá rõ ràng vì nó đồng nghĩa với việc toàn bộ kết quả 20 trận đã đấu của XMXT Sài Gòn tại giải bị hủy bỏ. Khi đó đội cuối bảng Kienlongbank Kiên Giang trở lại với hy vọng trụ hạng. Ðội đầu bảng Hà Nội T&T chỉ cần kiếm thêm ba điểm ở hai trận cuối là vô địch. Ðội Sông Lam Nghệ An chịu thiệt lớn nhất bởi họ bị "lấy" mất sáu điểm sau hai trận thắng trước đó với XMXT Sài Gòn (còn lại 30 điểm) và gần như hết hy vọng cạnh tranh ngôi đầu. Trong khi đội đang bám sát ngôi đầu là Hoàng Anh Gia Lai cũng quá ít cơ may vì chỉ có thể kiếm được tối đa ba điểm khi chỉ còn được chơi một trận.
Việc tuyên bố bỏ giải một cách cảm tính, nếu không nói là bốc đồng nêu trên, cho thấy sự thiếu trách nhiệm không những với các cổ động viên của đội bóng mà còn với các cầu thủ. Họ sẽ chịu thiệt đầu tiên, nhiều khả năng sẽ bị "bỏ rơi" giữa chừng, thậm chí bị "cho ra đường" không một chút đắn đo. Nhưng quan trọng hơn cả, qua đây có thể thấy rõ tính nghiệp dư của giải vô địch quốc gia của bóng đá Việt Nam mặc dù được tổ chức theo hướng chuyên nghiệp hóa từ cách đây hơn chục năm. Ngoài việc đổi chủ, đổi tên "dễ như thay áo" của các đội bóng thì sự phập phù của bóng đá nước ta với những thay đổi cũng chóng mặt tùy thuộc theo "thời tiết cảm xúc" của các ông bầu. Bực lên là tuyên bố thả cửa, vô trách nhiệm, đòi xóa tên đội bóng, dọa Ban tổ chức bỏ giải. Bình thường ở các giải đấu chuyên nghiệp trên thế giới, nếu bị phạt và không đồng ý, đội bóng có thể kiện lên Ban tổ chức và cấp cao hơn để được xem xét lại. Song các ông bầu bóng đá Việt Nam thường không như vậy mà nhanh chóng phản ứng "Thôi, tôi không chơi nữa" trong khi VFF và Ban tổ chức cũng tỏ ra lúng túng bởi chẳng có một chế tài nào ràng buộc những người đang "cầm túi tiền" nuôi các đội bóng. Hiện tượng các ông bầu đòi bỏ giải đã diễn ra ở các mùa giải trước, nhất là trong thời gian gần đây, khi có sự chuyển đổi Ban tổ chức giải, cho thấy sự không ổn định của bóng đá nước ta cũng như tính thiếu chuyên nghiệp của những người làm bóng đá.
Trở lại với vụ việc của XMXT Sài Gòn, VFF cũng như Ban tổ chức giải đã chuẩn bị các phương án cho tình huống xấu nhất và theo Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ: "Về cơ bản, các đội bóng đều ủng hộ quyết định phạt XMXT Sài Gòn vì đây là cuộc chơi chung, phải tôn trọng". Ðiều đáng bàn ở đây không phải là trừ ít hay nhiều điểm, có chính xác hay chưa, mà là cách hành xử của những người đang tham gia vào một giải đấu chuyên nghiệp. Nếu vẫn tiếp diễn kiểu hành xử cảm tính mà một số ông bầu đã thể hiện như ở một giải phong trào thế này thì có lẽ bóng đá nước nhà sẽ mãi còn ì ạch để "hướng tới chuyên nghiệp".
Theo nhandan.com.vn