Bị khiếm thị từ lúc mới sinh, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn nhưng bằng nghị lực vượt khó, anh Nguyễn Văn Đam, sinh năm 1985 ở xã Hải Quang (Hải Hậu) đã không đầu hàng số phận. Với niềm đam mê và sự khổ luyện không ngừng nghỉ, anh đã trở thành một vận động viên điền kinh đạt nhiều thành tích vang dội ở khu vực trong nước và quốc tế.
Vận động viên Nguyễn Văn Đam cùng những tấm huy chương của mình. |
Sinh ra đã bị teo dây thần kinh thị giác, mặc dù được gia đình đưa đi chạy chữa nhiều nơi song di chứng để lại với cậu bé Đam là đôi mắt mờ không nhìn rõ được mọi thứ, những sinh hoạt bản thân phải nhờ đến chiếc gậy gỗ và người thân trợ giúp. Suốt những năm tháng đi học chữ Braile, anh Đam phải nhờ bố mẹ chở đến lớp. Khi về đến nhà thấy các bạn cùng trang lứa chạy nhảy nô đùa, tung tăng càng làm cho Đam tủi thân hơn. Sự lo lắng, những giọt nước mắt thương con của bố mẹ khiến cho anh suy nghĩ rất nhiều và tự hứa phải xóa bỏ mặc cảm, bản thân yếu hai con mắt thì vẫn còn đôi tay, đôi chân khỏe mạnh, anh đã cố gắng khẳng định mình để không phải dựa dẫm vào bố mẹ. Để có sức khỏe, anh Đam chọn lựa cho mình nhiều bộ môn thể thao khác nhau. Hàng ngày, anh thường dành 2-3 tiếng để luyện tập các bài như: đẩy tạ, ném bóng, tập thể hình... Những ngày đầu mới tập, do chưa quen nên cơ thể còn đau nhức, bởi với người bình thường, khi tập phải kết hợp nhuần nhuyễn các động tác để tránh bị thương. Nhiều lần anh sơ sẩy, tay yếu cộng với mắt kém nên hay bị chấn thương. Khó khăn là vậy, nhưng anh không bao giờ bỏ cuộc, tiếp tục khổ luyện để có sức khỏe. Nhờ tập luyện thể dục thể thao đều đặn, sức khỏe của anh ngày một tăng lên. Không chỉ tìm lại được niềm vui trong cuộc sống, năm 2006, Đam được gia đình đưa vào học tập tại Trường Giáo dục cộng đồng Quận 12 (Thành phố Hồ Chí Minh). Dưới mái trường học tập mới, với bạn bè cùng hoàn cảnh giúp anh dần thích nghi với cuộc sống mới. Bên cạnh việc học văn hóa, anh tích cực tham gia nhiều hoạt động thể thao tại trường như võ, điền kinh, đá bóng… và anh cảm thấy bản thân phù hợp với bộ môn điền kinh vì ít bị chấn thương. Càng chơi anh càng yêu thích, đam mê. Những động tác chạy nhanh và chắc không thể làm khó được anh bởi sự linh hoạt và dẻo dai của đôi bàn chân. Ngày nào, Đam cũng ra sân luyện tập cùng bạn bè và những anh chị lớn tuổi hơn trong trường. Nghị lực, sự miệt mài, tiến bộ từng ngày của anh khiến mọi người có cái nhìn tích cực. Ai nấy đều cảm phục, mến mộ bởi lẽ dù khiếm thị nhưng anh thi đấu điền kinh không hề thua kém, thậm chí giỏi hơn nhiều người bình thường. Nhờ tích cực học tập và đạt những thành tích xuất sắc trong các giải thi đấu giao hữu, phong trào và các giải thể thao tại trường, Nguyễn Văn Đam được chọn vào đội tuyển thi đấu giải thể thao người khuyết tật toàn quốc năm 2006 và đoạt Huy chương Bạc ở nội dung 200m nam và Huy chương Đồng ở nội dung 100m nam. Nhận thấy tiềm năng và khả năng phát triển nên các huấn luyện viên đã đưa ra lịch tập cụ thể và thường xuyên hướng dẫn cho anh tập luyện, giới thiệu anh đến tập luyện cùng đội thể thao người khuyết tật Thành phố Hồ Chí Minh. Từ đó, vận động viên Nguyễn Văn Đam thường xuyên được tham gia các giải thể thao người khuyết tật hàng năm, và đoạt nhiều huy chương các loại. “Thể thao nói chung và điền kinh nói riêng đã rèn cho tôi tính cách nỗ lực hết mình, vươn tới những tầm cao. Dù trong cuộc sống còn nhiều gian lao nhưng vạch đích cuối cùng tôi hướng tới là vinh quang trên mỗi chặng đường đua. Tôi sẽ nỗ lực phấn đấu để đạt được những thành tích tốt nhất trong các lần tham gia thi đấu”, anh Đam cho biết. Năm 2013, anh vinh dự được thi đấu tại giải ASEAN Paragame đấu trường khu vực Đông Nam Á. Vì mong muốn đạt thành tích cao tại giải này, Nguyễn Văn Đam ra sức tập luyện và không may bị chấn thương nên không đạt được thành tích ở giải thi đấu này. Không nản chí, anh tiếp tục tập luyện chuẩn bị tham gia các giải đấu mới. Năm 2015, anh lại được lựa chọn vào đội tuyển điền kinh khuyết tật quốc gia thi đấu ASEAN Paragame 8 tại Singapore. Tại nội dung chung kết nhảy xa, trong lần nhảy cuối cùng, với thành tích 5,48m, Đam đã đoạt Huy chương Bạc. Đây là Huy chương Bạc đầu tiên của anh tại đấu trường Đông Nam Á. Anh Nguyễn Văn Đam cho biết: “Động lực để anh gắn bó lâu dài với thể thao là niềm đam mê, không khí vui vẻ như gia đình khi tập luyện cùng đồng đội, sự nhiệt huyết của các huấn luyện viên, niềm tin, sự kỳ vọng của gia đình và mọi người dành cho mình. Và nhất là mong muốn được chứng tỏ khả năng của mình trong thể thao người khuyết tật”. Những thành tích ấn tượng của Nguyễn Văn Đam khiến bất kỳ ai biết tới cũng phải nể phục nhưng với một người khiếm thị như anh còn mang ý nghĩa đặc biệt hơn. Thể thao mang đến cho anh một công việc giúp ổn định cuộc sống, mở ra cơ hội để khẳng định bản thân. Kể từ đó đến nay, anh thi đấu cho Câu lạc bộ thể thao và du lịch Tân Bình (Thành phố Hồ Chí Minh), anh luôn duy trì phong độ, đều đặn gặt hái được huy chương tại các giải thể thao khuyết tật toàn quốc. Đặc biệt trong năm 2018, anh đoạt 2 Huy chương Vàng môn nhảy xa, 1 Huy chương Bạc môn chạy 200m và 1 Huy chương Đồng chạy 100m, 200m nam.
Bị khiếm thị không có nghĩa là đầu hàng số phận, giới hạn bản thân trong vỏ bọc tự ti, đó là điều mà anh Nguyễn Văn Đam luôn tâm niệm và muốn truyền tải đến những người khiếm thị xung quanh. Từ kinh nghiệm của bản thân, anh đã giúp đỡ cho nhiều bạn trẻ khiếm thị cùng đam mê thể thao để tìm kiếm con đường phát triển bản thân. Anh luôn tâm nguyện, chừng nào sức khỏe còn thì bản thân anh vẫn muốn được tiếp tục tập luyện để nối dài thêm thành tích trong thi đấu./.
Bài và ảnh: Văn Huỳnh