Huyện Giao Thủy không chỉ có nhiều di tích lịch sử văn hóa với những lễ hội mang đậm nét văn hóa truyền thống đặc sắc mà còn là điểm sáng trong việc gìn giữ các môn thể thao mang đặc trưng của người dân vùng biển như: bơi chải, vật…
Trong số các môn thể thao chủ lực ở Giao Thủy, bơi chải được xem là “đặc sản” của huyện. Tại xã Giao Hải, cách đây hơn 100 năm, người dân đã đam mê và gắn bó với bơi chải. Trải qua nhiều thăng trầm, năm 2003, UBND xã có chủ trương phục dựng lại môn bơi chải truyền thống và đã nhận được sự đồng tình ủng hộ, đóng góp của nhân dân ở 4 thôn trong xã là Tiền Lang, Bắc Cường, Lâm Thành, Tân Hùng đầu tư hơn 100 triệu đồng đóng mới 4 chải bằng gỗ săng lẻ với kích thước như nhau: dài 11,5m; chỗ rộng nhất 1,5m; đầu thuyền chạm rồng đẹp mắt. Hiện nay, môn bơi chải ở Giao Hải đã phát triển mạnh; mỗi thôn trong xã đều có 2 đội: chải nam và chải nữ; mỗi đội duy trì 15-20 thành viên. Từ năm 2013 đến nay, đội bơi chải của xã với những VĐV xuất sắc trở thành lực lượng nòng cốt đại diện cho huyện tham gia thi đấu, nhiều năm giành vị trí nhất toàn đoàn tại các giải bơi chải của tỉnh; tiêu biểu, đội nam có: Nguyễn Văn Nam (xóm 14); Phạm Văn Quân (xóm 15); Nguyễn Văn Đốc (xóm 5)…; đội nữ có: Lê Thị Hà (xóm 6); Nguyễn Thị Thoan (xóm 7); Nguyễn Thị Hòa (xóm 8)… Vào dịp lễ hội hằng năm, hoạt động bơi chải luôn trở thành một nét đẹp không thể thiếu, là dịp người dân tưởng nhớ công lao của ông cha đã có công quai đê, lấn biển, mở đất. Ở các giải đua chải hằng năm diễn ra trên địa bàn huyện như: lễ hội đình Kiên Hành, xã Giao Hải vào ngày 5-6 tháng Giêng; lễ hội bơi chải truyền thống xã Giao Long; lễ hội làng Hòe Nha, xã Giao Tiến (ngày 14-15 tháng Giêng), Ngày hội VH-TT huyện nhân dịp Quốc khánh 2-9… đều thu hút sự tham gia, cổ vũ của đông đảo người dân.
Đội bơi chải nam huyện Giao Thủy thi đấu tại giải bơi chải truyền thống của tỉnh. Ảnh: Do cơ sở cung cấp |
Cùng với bơi chải, vật là môn thể thao thế mạnh và có truyền thống lâu đời ở Giao Thủy. Ông Trần Trung Trực (61 tuổi) ở xóm 8, xã Giao Hải, người có kinh nghiệm hơn 10 năm làm HLV đội tuyển vật của huyện nhớ lại: Trước đây vật cổ truyền ở Giao Thủy có nhiều đô vật nổi tiếng trong làng vật cả nước. Đội tuyển vật của huyện từng đại diện cho tỉnh tham gia thi đấu và giành giải Nhì tại Giải vật quốc gia năm 1983. Để duy trì vị thế vốn có ở môn vật cổ truyền, Phòng VH-TT, Trung tâm VH-TT-TT huyện đã phối hợp với các xã Giao Hải, Giao Long khôi phục và phát triển môn vật truyền thống; thành lập các CLB võ thuật, thu hút đông đảo thành viên tham gia. Qua các CLB võ thuật, nhiều võ sinh có thể hình tốt, có sức mạnh và niềm say mê với môn vật đã được các HLV tuyển chọn, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng, chiến thuật để tham gia các giải của tỉnh. Thời gian tới, bằng nguồn lực xã hội hóa huyện Giao Thủy có kế hoạch xây dựng sới vật rộng 1.200m2 tại Khu di tích lịch sử văn hóa Đình Kiên Hành, xã Giao Hải. Bên cạnh bơi chải, vật, môn đi cà kheo cũng được phát triển. Năm 2012, CLB cà kheo Thị trấn Quất Lâm được thành lập với 25 hội viên do ông Nguyễn Văn Khuê (TDP Lâm Thọ) làm chủ nhiệm. Từ nguồn kinh phí xã hội hóa, CLB đã tự mua sắm các trang thiết bị, trang phục, đạo cụ biểu diễn: đầu lân, các kheo cao từ 2-2,5m dành cho người lớn và 1,1m dành cho người mới tập luyện… Hiện nay, CLB cà kheo Thị trấn Quất Lâm đã xây dựng các tiết mục biểu diễn khá đa dạng với các bài đá bóng, múa lân, đánh trống, diễn hài...
Thời gian tới, huyện Giao Thủy tiếp tục huy động các nguồn lực xã hội cho việc duy trì, phát triển các môn thể thao truyền thống. Cùng với việc xây dựng đội ngũ cộng tác viên, hướng dẫn viên, huyện chỉ đạo các trường học đưa một số môn thể thao truyền thống khác như: kéo co, cờ tướng, võ - vật vào các chương trình ngoại khoá, nhằm phát hiện các VĐV tài năng để bồi dưỡng trở thành hạt nhân cho phong trào thể thao của huyện./.
Hoàng Anh