Trên địa bàn huyện Ý Yên có 13 di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia; 26 di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, với trên 20 lễ hội được tổ chức mỗi năm. Đây là điều kiện thuận lợi để huyện khôi phục, phát triển các môn thể thao truyền thống như bơi chải, đấu gậy, cờ tướng… gắn với lễ hội.
Hằng năm, vào ngày chính kỵ (12 tháng 3 âm lịch), lễ hội Đền Ngọc Chấn, xã Yên Trị được tổ chức. Sau phần lễ là phần hội với cuộc thi bơi chải trên sông Đáy để tưởng nhớ tướng quân Đặng Dung, người có công giúp dân trong vùng đắp đê chống lụt bảo vệ mùa màng. Hiện nay, tại Đền Ngọc Chấn vẫn cất giữ hai chiếc thuyền rồng phục vụ trong lễ hội được phục dựng từ năm 1989 theo nguyên mẫu những chiếc thuyền cổ xưa. Đôi thuyền làm bằng gỗ dổi có chiều dài hơn 13m, rộng 1m, phân thành 8 phách. Cuộc thi bơi chải với hai đội, một của thôn Thượng, một của thôn Hạ; mỗi đội có 19 trai tráng độ tuổi từ 18-30. Cuộc thi bơi chải tại địa phương còn được gọi là đấu chạo. Không giống như các cuộc đua khác, ngoài yêu cầu nhanh, mạnh, các tay chải còn phải khéo léo; nếu có hiện tượng đắm thuyền thì thuyền đối phương phải chờ mọi người lên hết thuyền rồi tiếp tục đua. Trong thời gian diễn ra cuộc đua, người xem đứng trên bờ cổ vũ nồng nhiệt, cổ vũ các tay bơi. Kết thúc cuộc đua là lễ trao giải động viên các đội bơi. Để duy trì và phát huy môn bơi chải truyền thống trong lễ hội Đền Ngọc Chấn, các cụ cao niên trong làng được giao trọng trách giám sát, đốc thúc luyện tập và đứng ra cầm cân nảy mực lựa chọn cho từng đội những tay chải tài giỏi, khỏe mạnh. Đội bơi chải huyện Ý Yên với nòng cốt chính là các tay chải thuộc thôn Ngọc Chấn từng xuất sắc giành 2 giải nhì khi tham gia thi đấu tại Giải bơi chải chào mừng Đại lễ kỷ niệm 750 năm Thiên Trường - Nam Định và giải bơi chải 6 tỉnh đồng bằng sông Hồng.
Các VĐV nhí biểu diễn võ gậy tại lễ khai mạc Đại hội TDTT huyện Ý Yên lần thứ VIII-2017. |
Làng La Ngạn, xã Yên Đồng có truyền thống múa lân, rồng với đặc trưng biểu diễn võ gậy thể hiện sự khát khao của người dân về một cuộc sống thịnh vượng, hạnh phúc. Năm 1943, hai cụ Đỗ Công Phung và Đỗ Công Gián thành lập đội múa lân. Trải qua nhiều thăng trầm, với sự dày công học tập, sưu tầm, đến nay, đội lân đã xây dựng được nhiều bài múa gậy đặc sắc, trong đó tiêu biểu nhất là bài múa gậy biểu diễn, múa gậy với lân, đấu gậy giữa người với người… Các màn múa gậy với lân, đấu gậy giữa người với người đòi hỏi người múa phải phối hợp nhịp nhàng, tạo ấn tượng cho người xem. Hiện nay, đội có khoảng 30 thành viên, trong độ tuổi 20-45 gồm thanh, thiếu niên các xóm... Ngoài chiếc đầu lân cổ, các thành viên trong đội đã đóng góp kinh phí mua thêm 2 đầu lân mới cùng một con rồng vàng dài hơn 20m. Nhiều năm nay múa lân, rồng cùng với biểu diễn võ gậy là hoạt động không thể thiếu của người dân làng La Ngạn trong lễ hội phủ Đại La tiên từ thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh vào mùng 2-3 âm lịch hằng năm, trong dịp rước giỗ tổ họ Đỗ và gần đây nhất là lễ khai mạc Đại hội TDTT huyện Ý Yên lần thứ VIII-2017.
Tại các giải thi đấu cờ tướng của huyện, của tỉnh, CLB cờ tướng xã Yên Cường thường giành thành tích cao. CLB cờ tướng xã Yên Cường thành lập đầu năm 2006, hiện có 40 hội viên đến từ 14 thôn xóm, thường xuyên tổ chức các hoạt động thi đấu, giao lưu trong lễ hội truyền thống. Nhiều thành viên tuy tuổi cao nhưng vẫn thường xuyên chơi cờ như cụ: Nguyễn Văn Đảo (82 tuổi), Nguyễn Văn Chớm (82 tuổi)… Ngoài ra còn có nhiều thành viên trẻ tuổi như các anh: Đinh Văn Đức (25 tuổi), Nguyễn Văn Duy (27 tuổi). Ông Tạ Văn Niêm, chủ nhiệm CLB cho biết: Để duy trì sinh hoạt, CLB đã xây dựng quy chế hoạt động, các hội viên tự nguyện đóng góp kinh phí. CLB không chỉ là nơi để các hội viên giao lưu, thi đấu, thoả mãn niềm đam mê cờ tướng mà còn đoàn kết, gắn bó trong cuộc sống như thăm hỏi nhau khi ốm đau, mừng thọ các bậc cao niên, chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế, nuôi dạy con cháu... Hoạt động nổi bật của CLB hằng năm là tổ chức đấu cờ tại hội xuân của các làng Nhân Lý, Trực Mỹ, Thức Vụ và Đông Tiền, sôi nổi nhất vào ngày 13-8 âm lịch tại di tích lịch sử Đình Đá thờ Triệu Việt Vương. Hội viên tham gia đấu cờ là những “tay cờ” nổi tiếng trong xã và những đấu thủ cờ ở những nơi khác. Trọng tài của cuộc đấu cờ là các cụ có tiếng là cao cờ và có uy tín trong làng. Hoạt động thường xuyên, hiệu quả, CLB cờ tướng xã Yên Cường đã từng bước lớn mạnh, góp phần phát triển phong trào chơi cờ tướng trong huyện.
Với việc khôi phục, phát triển các môn thể thao truyền thống thông qua các lễ hội, huyện Ý Yên đã giới thiệu với nhân dân địa phương và khách thập phương những nét đẹp tiêu biểu về nền văn hóa thể thao dân gian của địa phương; qua đó đã bảo tồn, khôi phục các môn thể thao truyền thống của cha ông./.
Bài và ảnh: Hoàng Anh