Trong hoạt động sáng tạo nghệ thuật, quê hương đất nước là mạch nguồn tạo cảm hứng bất tận của nhiều thế hệ văn nghệ sĩ. Nhạc sĩ Hoàng Long (54 tuổi), hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam là người con Nam Định có nhiều nhạc phẩm về quê hương được đông đảo người yêu âm nhạc đón nhận.
Nhạc phẩm “Tự hào Trực Ninh hành trình đi tới” của nhạc sĩ Hoàng Long tham gia biểu diễn tại Đại hội Đảng bộ huyện Trực Ninh nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: Do nhân vật cung cấp |
Đam mê bất tận…
Chúng tôi gặp nhạc sĩ Hoàng Long trong dịp anh về quê nhà ở huyện Trực Ninh để lấy “chất liệu” chuẩn bị dự án âm nhạc mới. Chất giọng trầm ấm, anh chia sẻ, bản thân đã đặt chân đến nhiều địa phương trên cả nước nhưng mỗi lần về quê lại gợi cho anh những ấn tượng sâu sắc bởi sự thay da đổi thịt từng ngày của nhịp sống nông thôn mới. "Sinh ra và lớn lên ở vùng quê xã Trực Thái (Trực Ninh), ngay từ nhỏ, tôi thường được bố, mẹ dẫn đi xem các đoàn văn công biểu diễn hát chèo, cải lương tại sân HTX… Hồi ấy còn bé tuy không hiểu nhiều về nội dung các vở diễn nhưng những âm thanh của các loại nhạc cụ, lời ca, tiếng hát của các diễn viên khiến tôi mê mẩn…”. Lên cấp 2, Hoàng Long đi học ở Trường Năng khiếu Hải Hậu (nay là Trường THCS chất lượng cao Hải Hậu). Do điều kiện học xa nhà, phải ở trọ, chủ nhà lại là người biết chơi đàn ghi-ta nên anh cũng học “vẹt” được những nốt nhạc đầu tiên. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, xác định theo con đường âm nhạc chuyên nghiệp nhưng anh lại chọn “đường vòng” khi thi vào Trường Đại học Giao thông vận tải và học thêm âm nhạc ở Hà Nội. Thời gian này, gia đình mua cho anh nhạc cụ đầu tiên, đó là cây đàn ghita. Anh được nhạc sĩ Phan Nhân (tác giả của nhiều bài hát nổi tiếng như: “Hà Nội niềm tin và hi vọng, Hát với chú ve con) trực tiếp dạy đàn. Sau đó, anh tiếp tục học nhạc lý và nhạc cụ của các giảng viên Học viện Âm nhạc quốc gia và kết bạn với nhiều nghệ sĩ lĩnh vực âm nhạc. Sau khi tốt nghiệp Đại học, Hoàng Long là kỹ sư ngành Giao thông vận tải và gắn bó với nghề đến nay đã gần 30 năm. Nhạc sĩ Hoàng Long chia sẻ: “Từ năm 2012, dù bận công tác chuyên môn nhưng tôi vẫn sáng tác các bản nhạc. Được động viên, khích lệ của bạn bè, tôi bắt đầu công bố tác phẩm của mình đến với khán giả bằng nhiều cách. Tôi gửi bài cho các ca sĩ mình quen biết để họ hát. Tôi gửi tác phẩm đi dự các cuộc thi... Những giải thưởng trong các cuộc thi sáng tác hay những ca khúc được phát sóng trên các kênh phát thanh, truyền hình để lại dấu ấn trong công chúng khiến tôi có thêm niềm tin vào con đường mình sẽ đi…”. Anh luôn tin tưởng nếu tận hiến với công việc chắc chắn sẽ đạt được thành quả tích cực. Năm 2016, anh được kết nạp hội viên Hội Âm nhạc Hà Nội và năm 2017 được kết nạp hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam chuyên ngành sáng tác. Anh giành được một số giải thưởng âm nhạc, tiêu biểu như: Giải nhất cuộc vận động sáng tác về ngành Giao thông vận tải với ca khúc “Người chiến sĩ giao thông” năm 2016; giải thưởng âm nhạc Hội Nhạc sĩ Việt Nam (Giải C) năm 2017; giải thưởng cuộc thi sáng tác về tỉnh Bình Dương với tác phẩm “Bình Dương khúc hát tâm tình”; giải thưởng cuộc thi sáng tác về Công đoàn Giáo dục Việt Nam kỷ niệm 70 năm thành lập với tác phẩm “Em yêu Công đoàn Giáo dục Việt Nam”…
Mạch nguồn cảm xúc quê hương
Phong cách sáng tác của nhạc sĩ Hoàng Long đa dạng các dòng nhạc từ dân gian, nhạc nhẹ đến thính phòng. Trong số hàng trăm nhạc phẩm, sáng tác về quê hương Nam Định có mật độ khá dày đặc. Tác phẩm đầu tiên anh lấy chất liệu từ quê hương là nhạc phẩm “Thương mẹ” sáng tác năm 2013 lấy cảm hứng từ người mẹ của chính tác giả, cũng như bao bà mẹ hết mực yêu thương con, vượt lên bao khó khăn gian khổ, tảo tần chăm sóc nuôi dưỡng đàn con khôn lớn thành người. Tiếp theo đó là các nhạc phẩm: “Mái tranh”, “Khúc nhạc đồng quê”, “Con bướm và khu vườn tôi”... lấy cảm hứng từ không gian quen thuộc của quê hương. Các bài hát này đều được phát trên sóng các kênh: VTV, H1TV, VOV1, VOV3, VOV5 và nhiều Đài phát thanh truyền hình địa phương. Năm 2020, nhạc sĩ Hoàng Long tiếp tục cho ra đời 2 nhạc phẩm: “Đất dệt quê hương” (lời Đỗ Huy Hoàng) và “Thương về Nam Định”. Cả 2 bài hát này đều do ca sĩ Ngọc Ký (giải Nhì cuộc thi Sao Mai), cũng là một người con của Nam Định thể hiện. Hai bài hát đều ngợi ca Nam Định về lịch sử văn hóa, tín ngưỡng lâu đời, những vẻ đẹp tự nhiên của đất và người Nam Định, anh hùng trong quá khứ, những thành tựu đạt được trong hiện tại và những quyết tâm xây dựng quê hương trong thời kỳ mới. Trong đó, bài hát “Đất dệt quê hương” được nhạc sĩ Hoàng Long khéo léo kết hợp hai phong cách nhạc dân gian và thính phòng đem đến sự mới lạ, hấp dẫn người nghe. Bài hát “Đất dệt quê hương” đã được chọn biểu diễn tại Đêm văn nghệ chào mừng thành công của Đại hội Đảng bộ tỉnh Nam Định lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025. Viết về huyện Trực Ninh, từ năm 2018 đến 2019 nhạc sĩ Hoàng Long có chùm 3 ca khúc: “Trực Ninh quê mẹ”, “Tự hào Trực Ninh hành trình đi tới”, “Em là con gái Trực Ninh”. Các bài hát này đã được huyện Trực Ninh sử dụng trong các ngày kỷ niệm, liên hoan văn nghệ, trên sóng phát thanh huyện. Là người đam mê nghiên cứu các giá trị lịch sử - văn hoá quê hương, nhạc sĩ Hoàng Long đã sáng tác 2 ca khúc: “Thương nhau ta lại về” viết về Hội chùa Cổ Lễ và “Phúc Ninh Tự” viết về chùa Ninh Cường, xã Trực Cường (Trực Ninh). Nhạc sĩ Hoàng Long còn nhiều sáng tác về quê hương Trực Thái, tiêu biểu như: “Trực Thái yêu thương” với phần âm nhạc hấp dẫn, ngôn từ gần gũi với nhịp sống người dân quê; “Tổ quốc ghi công các anh hùng liệt sĩ” với giai điệu tự hào. Nhạc sĩ Hoàng Long còn nổi tiếng ở các nhạc phẩm lĩnh vực giáo dục tỉnh nhà với một loạt các sáng tác về mái trường, thầy cô, tiêu biểu như các nhạc phẩm: “Dệt ước mơ xanh” (viết về THCS Trực Thái), “Thời áo trắng”, “Trực Ninh B nâng bước ta đi” (viết về Trường THPT Trực Ninh B, nguyên là THPT Hải Hậu C), “Trở lại trường xưa” (viết về Trường Năng khiếu Hải Hậu), “THCS Hải Cường sáng mãi một niềm tin” (viết về Trường THCS Hải Cường)… Các bài hát này trở thành bài hát truyền thống của các trường; trong đó nhạc phẩm “Thời áo trắng” và “Trở lại trường xưa” đã phát trên sóng VOV5 Đài tiếng nói Việt Nam.
Lý giải nguyên nhân có được những bước đầu thành công trong lĩnh vực âm nhạc như hiện nay, ngoài sự quyết đoán, dũng cảm, sự đam mê, kiên trì học hỏi, nhạc sĩ Hoàng Long cho rằng viết các ca khúc về Nam Định là cách để nhạc sĩ tri ân quê hương bày tỏ niềm tự hào về truyền thống lịch sử - văn hoá, tôn vinh những thành tựu của quê hương ngày càng phát triển giàu đẹp, văn minh./.
Viết Dư