Ông Hoàng Dương Chương, hội viên Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh năm nay đã 76 tuổi nhưng vẫn thể hiện sự tinh anh, minh mẫn khi nói về các đề tài nghiên cứu đang theo đuổi.
Nhà nghiên cứu - phê bình Hoàng Dương Chương. |
Sinh ra ở xã Mỹ Xá (Thành phố Nam Định), năm 1963, sau khi tốt nghiệp cấp 3, Hoàng Dương Chương tình nguyện nhập ngũ và được làm thuỷ thủ tầu tuần tiễu T122 khu tuần phòng I, Hải quân nhân dân Việt Nam. Sau một thời gian, anh được tuyển về đơn vị huấn luyện quân đặc biệt tinh nhuệ, đặc công nước. Sau khoá huấn luyện, anh lên đường vào Nam chiến đấu. Anh cùng đơn vị Đội 1 Đoàn 10 đặc khu Rừng Sác đã đánh chìm, đánh cháy nhiều tàu chiến Mỹ - ngụy trên vùng sông Lòng Tàu và Ông Kéo, Đồng Tranh ở cửa ngõ cảng Sài Gòn. Trong tâm trí người lính già, kí ức hào hùng về những trận đánh năm xưa vẫn còn nguyên vẹn. Năm 1966, trong một lần đi trinh sát địch ở sông Lòng Tàu để chuẩn bị cho trận đánh lớn, xuồng của ông bị biệt kích Mỹ bắn chìm. Tuy bị thương, ông vẫn cố sức bơi trên 10 cây số về báo cho đơn vị. Lúc bơi qua Rạch Chàm, bị cá sấu tấn công, vết thương chảy nhiều máu nhưng bằng sự mưu trí và nội lực phi thường, ông đã hạ được cá sấu và kịp báo cho đoàn thuyền chở 7 trái thuỷ lôi về nơi cất giấu an toàn. Năm 1969, bị thương nặng sau khi đạn pháo địch bắn vào chân, ông được chuyển về Bắc điều trị. Trở về từ chiến trường với hơn 55% thương tật vĩnh viễn, ông vẫn quyết tâm theo đuổi giấc mơ học đại học. Năm 1971, ông trúng tuyển và được cử đi học tại Đại học Kharkov (Liên Xô). Năm 1977, sau khi tốt nghiệp, ông về công tác tại Thư viện tỉnh Hà Nam Ninh. Năm 1996, ông được đề bạt làm Giám đốc Thư viện tỉnh Nam Định. Trên cương vị lãnh đạo thư viện, ông đã cùng cán bộ thư viện biên soạn nhiều thư mục địa chí có nội dung vừa thông tin thư mục, vừa thông tin dữ liệu… Cũng trong năm 1996, ông được kết nạp hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh sinh hoạt ở bộ môn Nghiên cứu - Phê bình. Công tác ở Thư viện tỉnh nên ông có điều kiện thuận lợi để làm công việc nghiên cứu. Ông là chủ nhiệm một số đề tài công trình nghiên cứu khoa học cấp tỉnh như: “Hệ thống đặc điểm của đội ngũ tác giả Hán - Nôm Nam Định từ thế kỷ XI đến thế kỷ XX”, “Sự thay đổi địa danh làng xã Nam Định trong thế kỷ XX”. Nhiều cuốn sách nghiên cứu về địa chí, lịch sử của ông được các nhà khoa học đánh giá cao như: “Tiến sĩ Vũ Huy Trác” (Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin, năm 2008), “Trạng nguyên đất học Nam Trực” (năm 2003), “Tiến sĩ Đặng Phi Hiển (Nhà xuất bản Hội Nhà văn, năm 2009), “Đông A nhân kiệt” (Nhà xuất bản Dân tộc, năm 2011), “Lược khảo tác gia văn học Nam Định” (nhóm tác giả: Hoàng Dương Chương, Trần Mỹ Giống, Phương Thuỷ, Trần Bá Giao)... Cuốn “Đông A nhân kiệt” với gần 200 trang, được chia thành 4 phần gồm: Khởi nguồn Đông A, Đông A Hoàng Đế, các Thái sư Đông An mẫn tiệp, một số Hoàng hậu, công chúa Trần tộc. Qua cuốn sách, bạn đọc hiểu rõ hơn về triều đại nhà Trần với những đức minh quân như: Trần Thái Tông người đặt nền móng cho vương triều Trần; Trần Thánh Tông lãnh đạo quân dân Đại Việt 3 lần đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông; Trần Nhân Tông vị tổ sáng lập Thiền phái Trúc Lâm; Trần Anh Tông, Trần Minh Tông là các vị hoàng đế văn trị kế nghiệp. Bên cạnh đó, cuốn sách đi sâu nghiên cứu các vị Thái sư: Trần Thủ Độ, Trần Quang Khải, Trần Quốc Tuấn (Thượng phụ Thái sư), Trần Nhật Duật và thân thế của Linh từ quốc mẫu Trần Thị Dung; các công chúa: Phụng Dương, An Tư, Huyền Trân, Thiên Ninh... Để hoàn thiện cuốn sách cùng với đi thực tế tìm hiểu tại các di tích lịch sử - văn hóa thời Trần, ông còn chắt lọc tư liệu từ hơn 30 tài liệu tham khảo để có thể đánh giá khái quát, tổng thể chính xác về mỗi nhân vật, sự kiện. Cuốn “Lược khảo tác gia văn học Nam Định” (Nhà xuất bản Văn học, năm 1997) chứa đựng nhiều tâm huyết của tác giả Hoàng Dương Chương cùng các cộng sự. Nội dung sách gồm ba phần chính: “Tác gia Hán - Nôm Nam Định”, “Tác gia văn học hiện đại”, Phụ lục: Thống kê các nhà khoa bảng Nam Định và tuyển thơ của tác giả Hán - Nôm. Phần cuối sách là bảng tra tên tự, tên hiệu, biệt hiệu, bút danh và thư mục tham khảo. Cuốn sách cung cấp cho bạn đọc những tư liệu cụ thể, chính xác về tiểu sử và sự nghiệp của các tác gia văn học Nam Định tiêu biểu. Cuốn “Danh nhân Nam Định thế kỷ XX được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh” có sự đóng góp lớn của tác giả Hoàng Dương Chương. Cuốn sách giới thiệu với bạn đọc về thân thế, sự nghiệp và những đóng góp to lớn của 13 danh nhân Nam Định được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh trong đợt 1 năm 1996 và đợt 2 năm 2000. Trong đó, tác giả Hoàng Dương Chương có nhiều bài viết như: “Nhạc sĩ Văn Cao”, “Kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện”, “Nghệ sĩ Vũ Năng An”... Cuộc đời và sự nghiệp của các danh nhân Nam Định được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh được các tác giả thể hiện khá công phu và đậm nét. Với kiến thức uyên thâm, các bài viết của tác giả Hoàng Dương Chương trong cuốn sách đều phân tích sắc nét các tác phẩm và công trình được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, góp phần làm rõ công lao to lớn của các danh nhân.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, người chiến sĩ đặc công Hoàng Dương Chương được tặng các danh hiệu “Dũng sĩ diệt cá sấu”, “Dũng sĩ diệt Mỹ, đánh tàu chiến”; Huân chương Chiến sĩ giải phóng hạng Hai và hạng Ba, Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Ba. Trên mặt trận văn hóa, ông được nhận nhiều huy chương như: Huy chương Vì sự nghiệp văn hóa quần chúng, Vì sự nghiệp Văn hóa - Thông tin, Vì sự nghiệp Công đoàn, Vì sự nghiệp khoa học và công nghệ. Giờ ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, nhưng người chiến sĩ đặc công năm nào vẫn miệt mài tham gia nghiên cứu các công trình khoa học, lịch sử. Ông xem đó là lẽ sống, là niềm đam mê theo suốt cuộc đời./.
Bài và ảnh: Viết Dư