Qua 25 năm gắn bó với nghệ thuật Chèo, đến nay Nghệ sĩ Ưu tú Diệu Hằng, Giám đốc Nhà hát Chèo Nam Định đã sở hữu nhiều giải thưởng trong các kỳ Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Với chất giọng vang rền, giàu cảm xúc, các làn điệu chèo qua sự thể hiện của Diệu Hằng luôn để lại ấn tượng trong lòng khán giả.
Nghệ sĩ Ưu tú Diệu Hằng (người đứng) biểu diễn tiết mục hát văn. |
Năm 1994, khi đang học Khoa Chèo, Trường Trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật Nam Định, Diệu Hằng giành Huy chương Vàng Hội diễn sân khấu các trường Văn hóa, Nghệ thuật toàn quốc với bài hát văn “Nam Định quê tôi”. Sau khi tốt nghiệp được về công tác tại Đoàn Chèo Nam Hà, diễn viên trẻ Diệu Hằng được giao vai “Tấm” trong vở chèo “Tấm Cám”. Để thể hiện thành công vai diễn, Diệu Hằng đã nghiên cứu kỹ nhân vật, các lời thoại và biểu đạt cảm xúc trong từng câu hát. Từ đây, Diệu Hằng được giao những vai diễn quan trọng của đoàn và sớm “thành danh” trong làng chèo cả nước. Năm 1998, với chất giọng chèo ngọt ngào, truyền cảm, nội lực cùng khả năng diễn xuất tinh tế, Diệu Hằng đoạt giải nhì tại cuộc thi Tài năng trẻ sân khấu toàn quốc trong vai “Bà Chài” trong trích đoạn: “Vợ chồng ông Chài”. Tiếp nối thành công, năm 2000, tại Hội diễn sân khấu chèo chuyên nghiệp toàn quốc, Diệu Hằng đoạt Huy chương Vàng trong vai “Hoàng hậu” trong vở chèo “Trần Anh Tông” (tác giả: Trần Đình Ngôn; đạo diễn Trịnh Quang Khanh). Với chất giọng thiên phú, cộng với sự dày công khổ luyện trong lao động sáng tạo nghệ thuật, Diệu Hằng liên tiếp giành Huy chương Vàng trong các vai diễn tại các Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc các năm 2001, 2002, 2005, 2009, 2011, 2013, 2016. Trong số Huy chương Vàng đoạt được, đặc biệt ấn tượng với các vai diễn trong các vở chèo về đề tài hiện đại như: “Chiến trường không tiếng súng”, “Không phải là vụ án”, “Trăng khuyết”. Năm 2011, vào vai “Minh Nguyệt” trong vở chèo “Trăng khuyết” (tác giả và đạo diễn Trịnh Quang Khanh), Diệu Hằng đã dày công nghiên cứu, tìm hiểu vai diễn. Nội dung vở diễn xoay quanh câu chuyện về cô kỹ sư nông nghiệp Minh Nguyệt; sau khi tốt nghiệp đại học đã tình nguyện về vùng nông thôn thành lập trang trại để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Với độ “chín” về nghề, khi nhập vai diễn, Diệu Hằng đã thể hiện thành công nhân vật và giành Huy chương Vàng tại Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc. Năm 2016, tham gia cuộc thi nghệ thuật Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, Diệu Hằng vào vai “Duyên” trong vở “Không phải là vụ án” (Đạo diễn Nghệ sĩ Nhân dân Lê Hùng) và đoạt Huy chương Vàng của Ban tổ chức cùng Bằng khen “Nghệ sĩ xuất sắc” của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. Vở diễn là bản tình ca về câu chuyện tình yêu giữa Lương, người chiến sĩ cảnh sát trại giam trẻ với Duyên, một cô sinh viên vừa ra trường đã vướng vòng lao lý. Cảm nhận vẻ đẹp trong sáng từ tâm hồn của Duyên khi nhiều lần chứng kiến cô xả thân cứu một nữ trại viên có ý định tự tử đã thôi thúc Lương làm rõ những uẩn khúc phía sau bản án năm nào. Không đặt ra những vấn đề “đao to, búa lớn” mà bằng cách kể gần gũi, bình dị, thông qua những mâu thuẫn nội tâm nhân vật cùng với cách dẫn dắt câu chuyện nhẹ nhàng tinh tế, các nhân vật chính đã đưa người xem đến với góc nhìn đa diện và chân thực nhất về cuộc sống; về những hy sinh thầm lặng của người chiến sĩ công an nhân dân.
Ngoài việc đảm nhận các vai diễn chính trong hầu hết các vở diễn của Nhà hát Chèo Nam Định, Diệu Hằng còn là giảng viên thỉnh giảng của Trường Cao đẳng Văn hóa, Nghệ thuật và Du lịch Nam Định. Nhiều sinh viên của Diệu Hằng hiện nay trở thành đồng nghiệp công tác và thành danh tại Nhà hát Chèo Nam Định; tiêu biểu như các diễn viên: Xuân La, Thu Phương, Hồng Năm, Thúy Quỳnh… Với những đóng góp cho sân khấu chuyên nghiệp, năm 2012, nghệ sĩ Diệu Hằng được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Hiện nay, với trách nhiệm Giám đốc Nhà hát Chèo Nam Định Nghệ sĩ Ưu tú Diệu Hằng luôn trau dồi nghiệp vụ, gương mẫu trong lao động sáng tạo nghệ thuật. Để nghệ thuật chèo có sức lan tỏa trong công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ, từ năm 2015 đến nay Diệu Hằng đã tập trung chỉ đạo nghiên cứu, sưu tầm, dàn dựng các vở diễn, trích đoạn chèo cổ, hát chầu văn. Hiện nay, Nhà hát Chèo Nam Định đang phối hợp với một số trường trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh dàn dựng các hoạt cảnh chèo có nội dung từ các tác phẩm văn học trong chương trình sân khấu học đường. Bên cạnh đó, Nhà hát Chèo Nam Định tăng cường phối hợp với Phòng Văn hóa - Thông tin các huyện, thành phố hỗ trợ chuyên môn cho các đơn vị có phong trào văn hóa, văn nghệ tiêu biểu; khai thác, bảo tồn những làn điệu chèo cổ, dân ca, ca trù, hát văn và múa hát văn hầu đồng - nghệ thuật diễn xướng tâm linh.
Là Giám đốc Nhà hát Chèo Nam Định, công việc quản lý bận rộn nhưng Nghệ sĩ Ưu tú Diệu Hằng vẫn luôn trau dồi nghề nghiệp, say mê diễn và tham gia đào tạo các nghệ sĩ trẻ. Trăn trở, hiểu được cái “khó” của nghệ thuật chèo trong đời sống nghệ thuật hôm nay, nhưng với niềm đam mê nghệ thuật, Nghệ sĩ Ưu tú Diệu Hằng vẫn không ngừng cống hiến với mong muốn thu hút được khán giả mà không mất đi bản sắc, đồng thời truyền cho thế hệ trẻ tình yêu nghệ thuật truyền thống./.
Bài và ảnh: Viết Dư