Những bức ảnh trong kháng chiến chống Mỹ của các tác giả Nam Định

07:04, 29/04/2017

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, các nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Nam Định đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, nguy hiểm để ghi lại những khoảnh khắc lịch sử giàu tính hiện thực về tinh thần yêu nước, ý chí chiến đấu kiên cường của quân và dân ta trong lao động sản xuất và chiến đấu dưới mưa bom bão đạn kẻ thù.

Đến Bảo tàng tỉnh những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi chứng kiến nhiều khách tham quan nán lại rất lâu để nghe cán bộ thuyết minh giới thiệu về bức ảnh “Sự trừng phạt đích đáng” của NSNA Quang Văn. Sáng sớm ngày 25-5-1966, khi máy bay Mỹ đánh phá cửa biển Hải Thịnh (Hải Hậu), dân quân Hải Thịnh phối hợp với bộ đội phòng không bắn rơi một máy bay địch. NSNA Quang Văn đã ghi lại khoảnh khắc nữ dân quân du kích Hà Thị Nhiên hiên ngang kéo xác máy bay Mỹ. NSNA Quang Văn cho biết: Là người trực tiếp bấm máy, trong suy nghĩ của ông lúc đó, khoảnh khắc cô gái dân quân kéo xác máy bay Mỹ thật phi thường. Năm 1970, Hội NSNA Việt Nam chọn gửi bức ảnh đó dự thi tại CHLB Đức và đã đoạt Huy chương Vàng. Sau đó bức ảnh được nhiều tờ báo quốc tế in lại làm bằng chứng sống để lên án sự xâm lược của đế quốc Mỹ với Việt Nam. Bức ảnh “Sự trừng phạt đích đáng” của NSNA Quang Văn vừa mang tính thời sự vừa có giá trị nghệ thuật cao. Tác giả chụp theo bố cục đường chéo, với góc máy hơi hạ thấp nhằm đặc tả một phần xác máy bay Mỹ, đồng thời tạo hiệu ứng đẩy cao nữ dân quân Hà Thị Nhiên - một biểu tượng tiêu biểu cho tinh thần chiến đấu của những người phụ nữ Việt Nam thời chiến. Trong thời kỳ chiến tranh chống đế quốc Mỹ, NSNA Quang Văn còn có nhiều tác phẩm nhiếp ảnh tiêu biểu khác như: “Bác Hồ về thăm Nam Định” (năm 1963), “Dân quân tự vệ Phủ Lý sẵn sàng chiến đấu” (năm 1965), “Sẵn sàng chiến đấu” chụp bộ đội pháo cao xạ tại Hải Lý (Hải Hậu), “Kéo pháo” chụp ở Đồng Văn Phủ Lý (năm 1968), “Bác sĩ Cu-ba cùng bác sĩ Bệnh viện 1 mổ cấp cứu bệnh nhân bị thương do bom Mỹ” (năm 1968), “Cầu phao Nhân Hậu” (năm 1972)… Bức ảnh “Sẵn sàng chiến đấu” từng giành Huy chương Bạc tại Liên Xô năm 1967. Bức ảnh chụp ngược sáng vào một buổi chiều muộn với điểm nhấn là nòng pháo của bộ đội ta vươn cao trên bầu trời và hình ảnh những chiến sĩ đang khẩn trương đắp ụ pháo, sẵn sàng chiến đấu khi máy bay địch bắn phá. Với những đóng góp cho sự nghiệp nhiếp ảnh, NSNA Quang Văn được tặng thưởng Huy chương Vì sự nghiệp VHNT Việt Nam, Huy chương Vì sự nghiệp Nhiếp ảnh Việt Nam, Huân chương Lao động hạng 2…

Cán bộ Bảo tàng tỉnh giới thiệu bức ảnh “Sự trừng phạt đích đáng” của NSNA Quang Văn.
Cán bộ Bảo tàng tỉnh giới thiệu bức ảnh
“Sự trừng phạt đích đáng” của NSNA Quang Văn.

Cố NSNA, nhà báo Đỗ Dương Uyên là một “tay máy” nổi tiếng trong những năm chống Mỹ cứu nước. Ông là người đầu tiên của tỉnh được kết nạp vào Hội NSNA Việt Nam (năm 1966), rồi sau đó được kết nạp vào Hội Nhà báo Việt Nam. Với niềm đam mê nghề nghiệp, nhà báo Đỗ Dương Uyên đã ghi lại từng khoảnh khắc cuộc sống lao động, chiến đấu của quân và dân ta trong cuộc chiến tranh chống Mỹ ác liệt, từ trận địa pháo bảo vệ bầu trời miền Bắc với những nòng súng hướng thẳng lên cao sẵn sàng nhả đạn diệt giặc, đến các dân quân tự vệ vừa rời xưởng máy đã khoác súng lên vai đến chốt gác làm nhiệm vụ. Dù ở đâu, khi nghe tin địch đánh phá hoặc quân dân ta bắn rơi máy bay Mỹ, ông đều xuất hiện kịp thời để ghi lại những khoảnh khắc lịch sử. Nhắc đến Đỗ Dương Uyên, người ta nhớ ngay đến những tác phẩm ảnh báo chí đã khắc ghi tên tuổi ông như: “Máy bơm nước”, “Giúp bà xâu kim”, “Sẵn sàng”, “Tổ trực chiến bắn máy bay Mỹ”, “Đánh cây đi trồng”, “Đón đánh máy bay Mỹ”, “Dân quân Trực Nghĩa đánh trả máy bay Mỹ”… Trong đó tác phẩm “Giúp bà xâu kim” đạt giải nhì Triển lãm ảnh nghệ thuật tại Hà Nội năm 1966, Huy chương Đồng Triển lãm ảnh Thanh niên, sinh viên thế giới ở Sô-phi-a (Bun-ga-ri) năm 1967, Bằng danh dự Triển lãm ảnh nghệ thuật Quốc tế lần thứ 5 - Béc-lin CHDC Đức năm 1970. Tác phẩm “Sẵn sàng” đoạt Bằng danh dự tại Triển lãm ảnh báo chí thế giới ở La Hay (Hà Lan) năm 1966. Ngoài ra, nhiều tác phẩm ảnh thời kỳ chống Mỹ cứu nước của ông đã được giải trong các cuộc thi ảnh, triển lãm ảnh nghệ thuật, đăng trên các báo Trung ương và địa phương... Bức ảnh “Dân quân Trực Nghĩa đánh trả máy bay Mỹ” được chụp đêm 30-9-1972. Khi đó NSNA Đỗ Dương Uyên đã không quản hiểm nguy đứng sát khẩu súng phòng không để bắt trọn khoảnh khắc nòng súng của dân quân Trực Nghĩa nhả đạn bắn máy bay địch. Nhiều bức ảnh nổi tiếng của ông đã ghi lại thần thái lạc quan, phấn khởi của những chiến sĩ, dân quân tự vệ, tiêu biểu như: “Thanh niên Thành phố Nam Định lên đường vào Nam chiến đấu (1966)”, “Thanh niên xung phong trước lúc vào Nam phục vụ chiến đấu”, “Tự vệ Cty Xăng dầu Hà Nam Ninh hành quân dã ngoại, sẵn sàng chiến đấu”… Trong đó bức ảnh “Thanh niên Thành phố Nam Định lên đường vào Nam chiến đấu (1966)” để lại ấn tượng đẹp với hình ảnh những thanh niên với nụ cười rạng ngời trên gương mặt trong trang phục người chiến sĩ trên đường ra chiến trường. Ánh mắt của các nhân vật thể hiện tinh thần lạc quan, hồ hởi dù biết trước có thể hy sinh bất cứ lúc nào khi chiến đấu trong chiến trường ác liệt. Với những đóng góp cho hoạt động nhiếp ảnh, báo chí và văn học nghệ thuật, cố NSNA, nhà báo Đỗ Dương Uyên đã được tặng thưởng các Huy chương: “Vì sự nghiệp nhiếp ảnh”, “Vì sự nghiệp báo chí”, “Vì sự phát triển Văn học nghệ thuật Việt Nam”...         

NSNA Lã Thượng Sỹ, là hội viên Hội NSNA Việt Nam (kết nạp năm 1986), hội viên Hội Nhà báo Việt Nam (kết nạp 1989), nguyên phóng viên Báo Công an Vũ trang (nay là Báo Biên phòng). Năm 1993, cùng với NSNA Quang Văn và Đỗ Dương Uyên, Lã Thượng Sỹ được Liên đoàn Nghệ thuật Nhiếp ảnh Quốc tế trao Thẻ hội viên A.FIAP. Từ năm 1975-1990, Lã Thượng Sỹ phụ trách công tác tuyên huấn Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh. Ông được tặng các Huy chương: Vì sự nghiệp VHNT Việt Nam, Vì sự nghiệp văn hóa quần chúng, Vì sự nghiệp phát triển nhiếp ảnh Việt Nam… Ông là người “đa tài”, nhưng đóng góp xuyên suốt, đậm nét của ông là ảnh báo chí, ảnh nghệ thuật.

Ảnh báo chí và ảnh nghệ thuật của Lã Thượng Sỹ hòa quyện vào nhau tạo nên giá trị thông tin và thẩm mỹ trong từng tác phẩm. Năm nay đã 74 tuổi nhưng đôi mắt ông vẫn tinh anh, đôi bàn tay thoăn thoắt lật giở từng tập album ảnh được ông chọn lọc và lưu giữ cẩn thận từ năm 1971 đến nay. Bền bỉ gắn bó với lực lượng Biên phòng, các tác phẩm ảnh của NSNA Lã Thượng Sỹ đã phản ánh sinh động cuộc sống của người chiến sĩ biên phòng nơi biên cương của Tổ quốc, đặc biệt là trên tuyến biên phòng của tỉnh từ giai đoạn kháng chiến chống Mỹ đến thời kỳ đầu bước vào công cuộc đổi mới đất nước. Trong số hàng trăm bức ảnh thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, NSNA Lã Thượng Sỹ tâm đắc với các tác phẩm: “Chiều cửa sông”, “Cảnh giác”, “Tháo bom nổ chậm”, “Bảo vệ bờ biển”, “Băng bó người dân bị ném bom”, “Lên trận địa chiến đấu”, “Trao trả phi công Mỹ”… Bức ảnh “Băng bó người dân bị nạn do bom Mỹ” chụp ở thôn Giáp Ba, xã Quang Trung (Vụ Bản), với hình ảnh các chiến sĩ đại đội cơ động 43 Công an Vũ trang Nam Hà băng bó cho người dân bị đánh bom năm 1972. Bức ảnh gây xúc động bởi thể hiện tình quân dân gắn bó, đôi mắt những nhân vật không hề sợ hãi bom đạn kẻ thù. Đề tài về những người nữ dân quân là một trong những thế mạnh nhiếp ảnh của Lã Thượng Sỹ thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Qua những bức ảnh: “Vận chuyển muối về kho”; “Khẩu đội kiên cường”, “Xung phong”, “Nữ công nhân tổ khuôn đúc”…, người xem như bị cuốn vào âm thanh tiếng máy chạy ầm ào của Nhà máy Tơ, thấy lại được không khí lao động hăng say của các chị công nhân lành nghề, đôi tay thoăn thoắt nối từng sợi tơ đang được gỡ ra từ kén mỏng nhưng trên vai vẫn không rời cây súng, cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ nhà máy, bảo vệ quê hương.

Những tác phẩm nhiếp ảnh thời kỳ chống Mỹ của các tác giả Nam Định vừa có tính hiện thực, vừa mang tính nghệ thuật đã trở thành tư liệu quý báu ghi lại những khoảnh khắc hào hùng, anh dũng của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ quyết tâm học tập, lao động xây dựng quê hương giàu mạnh./.

Bài và ảnh: Viết Dư

 



Máy ảnh Fujifilm XA7

BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com