Những năm gần đây, đề tài về chủ quyền biên giới, biển, đảo đã trở thành chủ đề “nóng” trong sáng tạo văn học nghệ thuật (VHNT) của các tác giả Nam Định. Với chủ đề này, các tác phẩm của các tác giả ở nhiều bộ môn nghệ thuật đã phản ánh đa dạng cuộc sống lao động sản xuất, sinh hoạt và đời sống của ngư dân, chiến sĩ hải quân ngày đêm bám biển, qua đó khẳng định chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Đạo diễn, NSƯT Đào Quang, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh cho biết: Thực hiện Hướng dẫn số 74 của Ban Tuyên giáo Trung ương, Hướng dẫn số 51 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy về tuyên truyền chủ quyền biên giới, hải đảo trong tình hình hiện nay thông qua các loại hình VHNT, báo chí, những năm qua, Hội VHNT tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động nghiệp vụ như: Tổ chức các chuyến đi thực tế ở các vùng miền khác nhau trên mọi miền Tổ quốc, mở các trại sáng tác, tham gia các liên hoan, hội diễn toàn quốc và khu vực. Từ năm 2010 đến nay, đã có trên 1.000 tác phẩm của các tác giả ở 7 bộ môn thuộc Hội VHNT tỉnh sáng tác về chủ đề biển, đảo. Trong đó tiêu biểu là các bộ môn thơ, mỹ thuật, nhiếp ảnh. Bộ môn Thơ hiện có 37 hội viên đã sáng tác trên 200 tác phẩm thơ về chủ đề biển, đảo. Tiêu biểu như các tác giả: Phạm Trọng Thanh, Trần Thị Nhật Tân, Đỗ Phú Nhuận, Nguyễn Thấn, Trần Thị Bích Liên, Bình Thanh, Nguyễn Thế Kiên, Trần Văn Lợi… Ở tuổi 75 nhưng các tác phẩm về biển, đảo của Phạm Trọng Thanh như: “Trở lại Hải Triều”, “Chuyện cùng hải âu”, “Một giờ với Chủ tịch xã đảo Đá Tây”… đã giúp người đọc có cảm nhận gần gũi về cuộc sống ngư dân, của những người lính biển. Bài thơ “Trở lại Hải Triều” được mở đầu bằng tiếng chuông nhà thờ, một đặc trưng của các xã ven biển: “Tiếng chuông phục sinh trên trùng sóng Hải Triều/ Thánh đường tinh khôi sáng lóa/ Lắng nghe một ngày yên ả/ Ngược triền đê mặt trời/ Biển ơi, biển ơi…”. Tiếp mạch cảm xúc, tác giả đã tái hiện sự can trường của các bậc tiền nhân trong dựng xây cuộc sống, chinh phục thiên nhiên: “Những thế kỷ không bình yên/ Thả cánh chuồn lao xao ngày nắng/ Cuộn mây mềm đậu cuối bàn trang/ Trĩu trịt bánh xe tròn bóng/ Đẩy trời cao gan góc theo người…”. Kết thúc bài thơ với 2 câu thơ “Tôi đến cùng ánh lửa/ Đêm Hải Triều náo động hướng Trường Sa”, ông muốn gửi niềm tin, niềm tự hào rực lửa của người hậu phương theo tiếng sóng đến với Trường Sa thân yêu. Với Đỗ Phú Nhuận, những bài thơ về chủ đề biển, đảo của ông được nhiều bạn đọc quan tâm như: “Tình yêu người đi biển”, “Đêm Cồn Lu”… Bài thơ “Tình yêu người đi biển” với nội dung ca ngợi tình yêu biển của mỗi ngư dân được đắp xây, gìn giữ từ những điều bình dị đời thường. Tác giả đã so sánh tình yêu đó như những cánh buồm mang nỗi khát khao vươn ra biển lớn: “Buồm trắng, buồm nâu trước biển khơi/ Như chim vỗ cánh lúc hừng đông…”. Bài thơ “Đêm Cồn Lu” tác giả viết dưới dạng thơ tự sự, tái hiện hình ảnh những người chiến sĩ biên phòng với công việc nhiều hiểm nguy, gian lao nhưng vẫn lạc quan hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bài thơ đạt giải chính thức tại Cuộc thi tìm hiểu “Quân khu III - những chặng đường lịch sử” nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Quân khu III năm 2015. Tác giả Trần Văn Lợi sinh ra và lớn lên trên vùng quê ven biển huyện Nghĩa Hưng nên chủ đề biển, đảo quê hương trở thành mạch nguồn cảm xúc xuyên suốt các sáng tác của anh. Các tác phẩm thơ tiêu biểu của anh như: Miền gió cát, Người đi về biển, Lời hạt muối, Làng giữa sóng, Buổi sớm ở làng biển Quần Vinh, Tượng Đức Thánh Trần ở Trường Sa, Những người đắp đê… Đặc biệt năm 2015, chùm 3 bài: Tượng Đức Thánh Trần ở Trường Sa, Người đi về biển, Ban mai biển của Trần Văn Lợi đã đạt Giải C cuộc thi sáng tác về biển, đảo của Hội Liên hiệp VHNT Phú Thọ và Tạp chí Đất Tổ. Đọc các bài thơ về chủ đề biển, đảo của Trần Văn Lợi dễ nhận thấy chất trữ tình kết hợp âm hưởng sử thi thể hiện niềm tự hào về con người, biển, đảo quê hương.
Bức ảnh “Nơi con sóng tràn qua” của NSNA Chu Thế Vĩnh được chọn trưng bày tại Triển lãm ảnh Quốc tế Gia Định năm 2014. Ảnh: Chu Thế Vĩnh |
Ở bộ môn mỹ thuật, đến nay đã có trên 100 tác phẩm về chủ đề biển, đảo, trong đó có nhiều tác giả tiêu biểu của Vũ Xuân Dương, Vũ Minh, Nguyễn Ngọc Châu, Nguyễn Minh Cường… Thạc sĩ, họa sĩ Vũ Xuân Dương với tác phẩm “Tổ quốc trong trái tim tôi”, chất liệu sơn dầu được trưng bày Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc tại Hà Nội năm 2012 và in trong tập Mỹ thuật với biển, đảo quê hương (NXB Mỹ Thuật năm 2013). Tác phẩm “Tổ quốc trong trái tim tôi” thể hiện rõ thế mạnh của họa sĩ Vũ Xuân Dương ở thể loại tranh sơn dầu. Trong tác phẩm là một mảng thân tàu chiếm phần lớn diện tích mặt tranh, trên thân tàu là hình ảnh những người lính Hải quân Việt Nam tay đặt trước ngực, mắt hướng cùng một phía thể hiện niềm tin, sự quyết tâm gìn giữ chủ quyền biển, đảo. Họa sĩ Vũ Minh từng là lính trinh sát kỹ thuật (Tổng cục II - Bộ Quốc phòng) từ năm 1963-1976 nên các tác phẩm về chủ đề biển, đảo của ông mang đường nét khỏe khoắn, dứt khoát, nổi bật thông điệp muốn truyền tải đến người xem. Các tác phẩm tiêu biểu về chủ đề biển, đảo của ông như: “Bình minh trên đảo Trường Sa”, “Mỗi ngư dân là một chiến sĩ”, “Biển, đảo quê hương”… Tranh cổ động “Mỗi ngư dân là một chiến sĩ” được chọn trưng bày chuyên đề biển, đảo lần thứ 2 năm 2013. Tác phẩm có màu sắc, bố cục đơn giản, với điểm nhấn là cánh tay ngư dân và những con thuyền hướng về Trường Sa, Hoàng Sa, thể hiện ý chí của những ngư dân vươn khơi bám biển vừa làm kinh tế, vừa khẳng định chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của đất nước. Nguyễn Minh Cường là một trong những họa sĩ trẻ tiêu biểu sáng tác nhiều tác phẩm về chủ đề biển, đảo. Anh chia sẻ: Nhiều năm đi thực tế lấy tư liệu tại các làng chài ven biển của huyện Hải Hậu, các bến thuyền xã Hải Chính, Hải Triều đã hình thành những ý tưởng và cho ra đời những tác phẩm của anh về biển, đảo. Nội dung các tác phẩm xoay quanh những hình tượng về người ngư dân lao động trên những bến, bãi thuyền đánh bắt hải sản. Các tác phẩm được vẽ theo bút pháp tả thực, thực về nội dung lẫn hình thức thể hiện. Các tác phẩm tiêu biểu của anh là: Được mùa sứa, Bám biển, Ngóng cha… Tác phẩm “Được mùa sứa”, chất liệu sơn dầu từng tham dự Triển lãm Mỹ thuật khu vực II - đồng bằng sông Hồng tại Quảng Ninh, Triển lãm Mỹ thuật “Vì biển, đảo quê hương” tại Hà Nội.
Chủ đề về biển, đảo quê hương cũng là một trong những nguồn cảm hứng bất tận với các nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Nam Định. Có thể kể đến các NSNA như: Đinh Duy Quang, Đinh Hữu Tuyền, Chu Thế Vĩnh, Mai Quốc Cách, Trần Văn Hưng… Tác giả Đinh Hữu Tuyền được nhiều người biết đến với cá tính sáng tạo, cách tân trong thủ pháp nghệ thuật. Cách đặt tên cho những tác phẩm của ông cũng đượm hơi hướng chuyển động của làng quê biển như: “Biển thức”, “Được mùa cá”… Chu Thế Vĩnh là một trong những nghệ sĩ có nhiều tác phẩm thành công ở mảng đề tài này, tiêu biểu như: “Rừng vàng biển bạc”, “Mặn mòi biển cả”, “Nơi con sóng tràn qua”… Tác phẩm ảnh “Nơi con sóng tràn qua” của ông gây ấn tượng mạnh với người xem bởi cách chọn thời điểm bấm máy hợp lý, sự tương phản màu sắc giữa mây trời và những ngư dân đang phơi cá… đã được chọn Triển lãm ảnh quốc tế Gia Định năm 2014. Năm 2015, ảnh “Làng chài Xương Điền” của ông đạt HCĐ của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam. Vừa qua, bộ ảnh “Đầu ra cho hạt muối Giao Thủy” của ông được trưng bày tại cuộc thi Khoảnh khắc vàng do TTXVN tổ chức - Hội NSNA Việt Nam bảo trợ. NSNA Đinh Duy Quang với phong cách sáng tạo nghệ thuật sắp đặt với bố cục hài hòa, hợp lý; cách xử lý khuôn hình tinh tế và thường gửi gắm những thông điệp mang tính nhân văn sâu sắc với nhiều tác phẩm phản ánh đời sống thường nhật của ngư dân. Các tác phẩm của ông như: “Vá lưới”, “Được mùa cá”, “Kéo rùng”... là những minh chứng sống động; trong đó tác phẩm “Được mùa cá” đạt HCB, tác phẩm “Kéo rùng” được trưng bày tại Liên hoan ảnh khu vực đồng bằng sông Hồng năm 2016.
Những tác phẩm VHNT về chủ đề biển, đảo của các tác giả Nam Định vừa có tính hiện thực, vừa mang tính hình tượng, tạo dấu ấn trong lòng người xem, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng. Bằng niềm đam mê và nỗ lực trong lao động sáng tạo nghệ thuật, các tác giả ở nhiều bộ môn đã và đang góp phần truyền cho người đọc, người nghe, người xem thêm tự hào và ý thức trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc./.
Viết Dư