Những ngày đầu thu, thời tiết thật đỏng đảnh. Đang nắng chang chang đầy trời, ào một cái đã lại mưa xối xả. Trong một chiều mưa lạnh, hối hả phóng xe giữa dòng người ngược xuôi trên phố, chợt thèm một bữa cơm gia đình đơn sơ mà ấm cúng với món tép kho khế của bà ngoại năm nào.
Bên bờ ao nhà ông bà ngoại tôi có cây khế chua, tán lá lòa xòa che kín cả cầu ao. Ngày còn bé, cứ mỗi mùa xuân, chị em tôi vẫn thường phụ giúp ông quét vôi quanh gốc khế để phòng sâu bệnh cho cây. Chúng tôi thích thú gọi công việc đó là may áo mới cho cây đón Tết. Những trưa hè, bọn trẻ con trong xóm ngồi chầu chực bên mấy bậc cầu ao làm bằng những phiến đá xanh bằng phẳng, mát lịm, rình bắt những con bướm khế khổng lồ, sặc sỡ. Đều đặn mỗi năm, cây khế hai lần trổ hoa, đậu quả, đền đáp công ơn chăm sóc của ông bà. Từ các nách lá, từng chùm nụ li ti nhú ra. Rồi những bông hoa năm cánh tím hồng bừng lên sắc màu tươi tắn, nổi bật trên những thân cành nâu đen. Quả non vừa nhú ra đã chia đều năm múi, kết thành chùm chíu chít. Chỉ sau chừng một tháng, quả đã to bằng nắm tay người lớn, màu xanh ngọc thật đẹp mắt. Khi khế chín, từng chùm màu vàng óng rực lên trong nắng khiến chúng tôi cứ ngồi dưới gốc cây mơ tưởng có con chim đại bàng đến ăn khế rồi ngân nga “ăn một quả, trả cục vàng” như trong câu chuyện cổ bà vẫn kể. Thường thì mỗi tuần, bố mẹ đều chở chị em tôi về thăm ông bà để bọn trẻ được hòa mình vào thiên nhiên sau những ngày học hành vất vả. Nhưng cũng có lần, vì mẹ bận việc, bẵng đi cả tháng chúng tôi mới được về quê. Nhảy từ trên xe xuống là chúng tôi chạy ào luôn ra vườn, nắn hồng xiêm, tìm ổi chín và đến bên cầu ao, ngắm những bông hoa khế nhỏ xinh trôi bồng bềnh trên mặt nước hoặc vặt những quả khế non chấm muối. Lần nào con cháu sum vầy, bà cũng làm vài món ăn từ khế; khi thì món tép đồng kho khế điểm xuyết lá chanh thái chỉ, khi thì canh riêu cua nấu khế ăn kèm với các loại rau thơm trong vườn nhà. Đơn giản hơn thì thái khế thành lát mỏng như những ngôi sao, chấm với mắm tép chưng tóp mỡ. Vào mùa khế rộ, chờ những ngày nắng to, bà còn cắt khế ra từng múi, phơi cho đến khi khô quắt, xào với muối, đường và gừng để các cháu có món ô mai ngậm ho mỗi khi trái gió trở trời.
Bây giờ, nhiều nhà trong xóm trồng được loại khế ngọt múi dày, mọng nước, ăn ngọt lịm, trẻ con chẳng đứa nào còn mặn mà với thứ khế chua nhăn cả mặt mũi nữa. Nhưng bác tôi nhớ lời bà dặn vẫn giữ lại cây khế chua làm kỷ niệm. Mỗi lúc về quê, tôi vẫn như thấy bà ngoại ngồi bên bậc cầu ao rửa rau, vo gạo, mái tóc bạc phơ vương những bông hoa khế tím hồng./.
Lam Hồng