Cơn mưa rào sầm sập đổ xuống đúng giờ tan tầm khiến dòng người xe trên phố hối hả tìm chỗ trú. Ghé vào một mái hiên tránh mưa, lặng nghe từng giọt nước trong vắt thánh thót rơi và gió thổi ào ào trên vòm lá sấu, cảm giác cái lạnh như thấm vào da thịt. Chợt thèm được trở về căn bếp ấm nồng hơi lửa của bà ngoại như thuở bé thơ.
Khi tôi còn nhỏ xíu, đã thấy căn bếp nhỏ nằm kề bên giếng khơi có khoảng sân rêu trơn trượt và cây vú sữa xòa bóng. Căn bếp xây bằng gạch, lợp mái rạ, có ba ô cửa sổ nhỏ thông khói nhìn ra vườn cây xanh mát. Qua thời gian, nhiều mảng tường đã bong tróc vữa, dưới chân phủ đầy những bụi dương xỉ mềm mại. Trên mái bếp ríu rít mẹ con nhà sẻ nâu bay về mỗi lúc hoàng hôn. Đã bao lần, tôi ngồi bên hiên nhà khi chiều muộn, ngắm không chán mắt dải khói lam mỏng nhẹ như sương vương vấn bay lên từ mái bếp thâm nâu vì mưa nắng. Ấy là khi bà tôi nổi lửa chuẩn bị bữa cơm chiều. Những ngày đông giá rét, đi học về, thế nào chị em tôi cũng chạy vào bếp, tranh nhau ngồi sát cạnh bà trên chiếc ghế gỗ nhỏ. Bà tôi lùa từng lọn rơm vào bếp, xòe diêm. Ngọn lửa bùng lên ấm áp, xua tan cái buốt lạnh tái tê khiến môi chúng tôi thâm tím. Khuôn mặt măng tơ dần hồng rực lên vì lửa. Trong căn bếp của bà ngoại là những kỷ niệm, tình yêu thương được chắt chiu qua năm tháng. Tuổi thơ chúng tôi đã bao lần chơi trốn tìm, nín thở nấp sau đống rơm trên sàn bếp, tóc tai quần áo dính đầy những cọng rơm thơm. Những lần cầm đèn cho bà cuộn tờ giấy thành chiếc ống, soi từng quả trứng và hồi hộp ngóng đợi đàn gà con lông vàng óng mượt như tơ mổ vỏ trứng chui ra, kêu chiêm chiếp thật dễ thương. Những đêm Giao thừa ngồi canh nồi bánh chưng sôi lục bục trên bếp, chơi đánh tam cúc quệt nhọ nồi rồi mệt quá ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Trong căn bếp thân quen còn là biết bao món ngon đã đi vào nỗi nhớ. Cơm gạo mới tháng Mười nấu nồi gang, ủ trong tro bếp, mở vung ra thơm lừng cả gian bếp nhỏ, đáy nồi là tảng cháy giòn tan, vàng rộm. Niêu cá diếc kho tương đậm đà, bùi ngậy. Nồi canh cua đồng rau đay mồng tơi điểm vài lát mướp hương mát lành, thơm ngát, xua tan oi bức ngày hè.
Từ ngày ông bà ngoại đi theo tiên tổ, căn bếp nhỏ không còn hồng rực ấm áp mỗi sớm chiều. Thỉnh thoảng về quê, nhìn lá vàng rụng đầy mái bếp, lòng rưng rưng nỗi niềm tiếc nuối “Căn nhà mái bếp ngày xưa/Người đi để mặc nắng mưa dãi dầu”./.
Lam Hồng