Tháng Tư nhón ngọn gió khẽ khàng đặt vào giỏ xe phiến lá xà cừ loang loang màu thu. Tháng Tư cời lửa cháy trong tán gạo, vun tròn bụm khói tím biếc trên cành xoan. Tháng Tư thả dập dìu gánh hoa loa kèn trắng muốt trên chiếc xe đạp cà tàng rong ruổi phố. Tháng Tư hoài niệm nắng xuân, gọi nắng hè, chập chờn như có như không, tôi ngập ngừng ngón tay trên bàn phím chẳng thể nào gọi tên màu nắng mơ hồ ấy. Những ngọn gió giao mùa rủ nhau về hong ấm vạt mưa cuối xuân ẩm ướt. Tháng Tư đẹp hơn thế bởi hào sảng niềm vui thống nhất đất nước. Vươn ra từ lô xô mái phố nâu trầm, lá cờ đỏ sao vàng no gió. Băng rôn, khẩu hiệu từ đường lớn đổ tràn vào cả các ngóc ngách ngõ hẻm. Đi đâu cũng nghe thấy giai điệu: “Hội toàn thắng náo nức đất nước. Ta muốn bay lên, say ngắm sông núi hiên ngang. Ta muốn reo vang, hát ca muôn đời Việt Nam. Tổ quốc anh hùng!...”. Văng vẳng từ loa truyền thanh, từ trường học, từ những nếp nhà san sát,...
Còn nhớ tôi đã nhảy cẫng lên ôm ghì lấy cổ ông nội và khoe điểm mười trong ngày đầu tiên đi học cho câu trả lời dõng dạc: “Ngày 30 tháng 4 là ngày thống nhất đất nước”. Giờ học môn Tự nhiên và xã hội ấy, cô giáo hỏi: “Bạn nào cho cô biết ngày 30 tháng 4 là ngày gì nào?”. Tôi là đứa giơ tay nhanh nhất, đã vậy còn nhấp nhổm rướn mình để bàn tay nhỏ xíu cao hơn so với đám bạn bởi vì đó chính là bài học đầu tiên ông dạy cho tôi. Chiếc chõng tre cọt kẹt kê dưới giàn thiên lý của bà, tôi ngồi vắt vẻo trên đùi ông và nghe ông kể về những cuộc hành quân thần tốc, những chiến công của ông và đồng đội và đặc biệt là niềm vui ngân vang bất tận ngày đại thắng trở về giữa triệu triệu bàn tay vẫy, triệu triệu nụ cười, triệu triệu tiếng hò reo. Ông kể say mê. Khuôn mặt đen sạm, khắc khổ, chạy dài trên trán vết sẹo lồi nhăn nhúm sáng bừng lên như thể khoảnh khắc lịch sử ấy đang sống dậy nguyên hình hài bằng thứ đất sét ký ức trong ông. Tôi cứ nghĩ đó là một câu chuyện cổ tích! Có lần đi đào giun đất câu cá với đám thằng Huy, con bé Trang chán chê về, thập thò ngoài bậu cửa tôi thấy đôi mắt sâu hoắm, mờ đục của ông đỏ hoe, đôi tay run run miết miết từng thớ vải trên bộ quần áo bộ đội sờn bạc. Ông cứ ngồi trân trân như thế, cái đầu nghẹo sang một bên, mấy sợi râu bạc rung rung, khóe môi giật giật. Hồi lâu, ông ngần ngừ gấp bộ quần áo phẳng phiu xếp gọn ghẽ vào trong ngăn đứng tủ búp phê. Để rồi tôi hiểu rằng ngày 30 tháng 4 năm ấy không phải là cổ tích. Có những người đón không khí hân hoan ngày hội non sông thống nhất không trọn vẹn. Bà mẹ cắp chiếc nón mê rách, ngón tay cáu vàng bấu chặt vào tờ giấy báo tử của con, bàn chân nẻ toác thất thểu đến ngó mặt từng anh bộ đội. Người vợ bế đứa con xanh xao khóc ngằn ngặt, ánh mắt hao gầy, thẫn thờ kiếm tìm bóng dáng thân quen của chồng trong đoàn người trở về mà không thấy. Có những cuộc chia ly không ngày đoàn tụ. Có những vết thương khó liền da.
Hợp âm tháng Tư khi cao vút rộn ràng niềm vui thống nhất, khi lại trầm lắng bồi hồi tưởng nhớ sự hy sinh xương máu của những con người nguyện khuyết đi bản thân mình để vẹn tròn đất nước./.
Đào Mạnh Long