Thầy Tử Lộ yết kiến đức Khổng Tử.
Đức Khổng Tử hỏi: Thế nào là người trí? Thế nào là người nhân?
Thầy Tử Lộ thưa: Người trí là người làm thế nào để cho người ta biết mình; người nhân là người làm thế nào để cho người ta yêu mình.
Đức Khổng Tử bảo: Nhà ngươi nói vậy cũng khá gọi là người có học vấn.
Thầy Tử Lộ ra, thầy Tử Cống vào, đức Khổng Tử lại hỏi người trí, người nhân là thế nào?
Thầy Tử Cống thưa: Người trí là người biết người; người nhân là người yêu người.
Đức Khổng Tử bảo: Nhà ngươi nói vậy cũng khá gọi là người có học vấn.
Thầy Tử Cống ra, thầy Nhan Hồi vào, đức Khổng Tử lại đem trí, nhân ra hỏi.
Thầy Nhan Hồi thưa: Người trí là người tự biết mình; người nhân là người tự yêu mình.
Đức Khổng Tử bảo: Nhà ngươi nói như vậy đáng gọi là bậc sĩ quân tử.
Gia Ngữ
Lời bàn: Cũng một chữ trí, một chữ nhân mà ba người đáp mỗi người một khác. Không phải là trí với nhân có lắm nghĩa, thay đổi khác nhau, đó là tùy theo cái trình độ học vấn, kiến thức của mỗi người, mà tư tưởng thuyết minh có phần hơn kém nhau. Thầy Tử Lộ đáp như thế là người vụ ngoại, chỉ cần cho người ta biết mình, yêu mình mà thôi. Thầy Tử Cống đáp như thế là người quên mình, chỉ biết người, yêu người mà thôi. So với thầy Tử Lộ thì cao hơn một bậc. Song chưa bằng thầy Nhan Hồi, học như thế mới là học vị kỷ; nghĩa là học để tự biết mình, yêu mình trước, rồi suy rộng ra đến biết người, yêu người. Biết mình, yêu mình không phải là có lòng tự kỷ hẹp hòi. Có biết mình thì mới tu tỉnh được tâm thân, cải quá thiên thiện mà nên người hay, người khá. Có yêu mình, thì mới biết trọng tư cách của mình, quý phẩm giá của mình rồi mới đến thân nhân dân, ái vật./.
Theo Cổ học tinh hoa