Dương Chu sang nước Tống, đến ở trọ một nhà kia.
Người chủ nhà trọ, có hai người thiếp, một người đẹp, một người xấu. Dương Chu thấy trong nhà ai cũng quý người thiếp xấu mà khinh người thiếp đẹp, lấy làm lạ bèn hỏi dò thằng trẻ con trong nhà trọ thì nó trả lời rằng:
- Người thiếp đẹp tự lên là đẹp mà mất đẹp, tôi chẳng biết cái đẹp của họ nữa, người thiếp xấu tự biết là xấu mà quên xấu, tôi chẳng biết cái xấu của họ nữa.
Dương Chu gọi học trò bảo:
- Các con nhớ lấy câu ấy. Người ta giỏi mà bỏ được cái nết “tự cho mình là giỏi” thì đi đến đâu ai mà chẳng tôn trọng, chẳng thân yêu.
Trang Tử
Lời bàn: Đàn bà đẹp mà tự cậy mình lên đẹp, thì người ngoài chỉ thấy cái bộ khoe khoang đáng ghét chớ không thấy còn gì là vẻ đẹp đáng yêu nữa. Đàn bà xấu, tự thẹn mình là xấu, thì chỉ thấy cái nết dịu dàng đáng thương, không còn thấy cái gì xấu xí đáng ghét nữa. Đấy người đẹp mà bị khinh, người xấu mà được quý là tại thế.
Ôi! Đẹp chỉ vì tên đẹp mà mất đẹp, xấu chỉ vì biết xấu mà quên xấu, thế thì những người giỏi mà tính tự lên là giỏi, thì sinh thời nào, đi đến đâu cũng không mong thiên hạ yêu kính được. Vì như thế tức là kiêu, mà kiêu thì không ai chịu được, sự khiêm nhã bao giờ vẫn là hơn vì thiên đạo, ích khiêm lưu khiêm, quỷ thân phúc khiêm, nhân đạo hiếu khiêm. Khiêm hay biết là dường nào! Dương Chu lấy câu chuyện ấy ra dạy học trò tất là phải lắm./.
Theo Cổ học tinh hoa