Điền Văn là con Điền Anh, ít tuổi mà cực khôn ngoan, thấy cha làm quan hay vụ lợi riêng, một hôm thừa nhàn, hỏi cha:
- Con đứa con gọi là gì?
Cha nói: Gọi là cháu.
- Cháu đứa cháu gọi là gì?
- Gọi là chút.
- Chút đứa cháu gọi là gì?
- Ai biết gọi là gì được…
- Cha làm tướng một nước Tề này đến nay đã trải ba đời vua, giàu có hàng ức vạn mà môn hạ không có một người nào là hiền tài cả. Con nghe nhà quan tướng võ, tất có quan tướng võ giỏi, cửa quan tướng văn, tất có quan tướng văn giỏi. Nay cha áo mặc gấm vóc mà người giỏi trong nước vẫn rách rưới, tôi tớ thừa ăn mà người giỏi trong nước vẫn đói khát. Cha quên hết cả việc công ích hiện thời của dân, của nước, chỉ chăm chăm súc tích của cải muốn để dành cho những kẻ sau này không biết gọi nó là gì! Con trộm nghĩ như thế thì thật là quái lạ lắm…
Sử Ký
Mạnh Thường Quân Truyện
Lời bàn: Người ta ai là chẳng vì con vì cháu mà cố sức làm ăn, mà súc tích tiền của. Cái sự lo cho mình xong đến lo cho con cái, cháu chắt, họ hàng là lối đi rất có thứ tự tự nhiên. Tuy vậy, ai cũng nên biết có nhà, có họ, nhưng lại còn có nước, có xã hội nữa. Cho nên cái sự mưu cho nhà, cho họ cũng có chế hạn để còn có tâm, có sức mưu cho người cùng giống, cùng nòi, cùng ở chung một nước, cùng sống trong một thời với mình. “Đời cua cua máy, đời cáy cáy đào”, ta lo quá xa mà cứ đem thân làm trâu ngựa giúp cho đến mấy đứa cháu mấy mươi đời về sau này, sao cho bằng ta lo ngay cho bao nhiêu sinh linh mắt ta trông thấy khốn khổ hằng ngày. Để của lại sau này, sâu xuống không biết đến đâu là đáy, mà của ấy thường một hai đời đã hết, so với làm ơn rộng ra ngay hiện thời, ơn ấy đến đâu thấm đến đấy, thì đằng nào hơn. Câu Điền Văn vặn hỏi cha rồi giảng giải như bài này thực là một bài học hay cho những người có tính cách cá nhân chỉ biết có người máu mủ trong một nhà mà không có độ lượng biết đến những người trong cả làng, cả nước, cả xã hội, nhân loại vậy./.
Theo Cổ học tinh hoa