Khinh người

06:01, 03/01/2014

Tử Kích là một bậc quyền quý, gặp Điền Tử Phương là một hàn sĩ ở giữa đường, liền xuống xe chào. Tử Phương làm lơ không đáp.

Tử Kích giận, hỏi Tử Phương rằng:

- Kẻ phú quý hay khinh người đã đành, kẻ bần tiện có khinh người được không?

Tử Phương nói:

- Kẻ bần tiện mới có thể khinh người, kẻ phú quý sao dám khinh người. Vua nếu mà khinh người thì mất nước, quan nếu mà khinh người thì mất chức. Còn kẻ có học thức, xử cảnh bần tiện, đi đến đâu mà lời nói vua quan không dùng, việc làm vua quan không theo, thì xỏ chân vào giày, đi ngay lập tức, đến chỗ nào chẳng được bần tiện, còn có lo sợ gì mà không dám khinh người?

Tử Kích nghe ra, bèn xin lỗi Tử Phương.

Chu Thư

Lời bàn: Tử Kích muốn lấy quyền thế, mà khinh người, Tử Phương muốn lấy học thức mà khinh người. Đến cùng, thì học thức khinh nổi được quyền thế. Mới hay ở đời nào cũng vậy, phú quý không bao giờ bằng được học thức. Có lẽ Tử Phương đây muốn chữa cái bệnh cho người quyền thế quá kiêu căng đời bấy giờ, cho nên nói những câu quá khích như thế. Ta cũng không nên quên cái tính phục thiện của Tử Kích đáng trọng và đáng yêu. Nay ta cứ bình tĩnh mà nói: Khinh người tức là “kiêu” mà chữ kiêu là cái nguồn gốc làm bại hoại cả đức tính. Phú quý chẳng nên kiêu, thì bần tiện dẫu có kiêu được, cũng không lấy gì làm phải. Kẻ sử sĩ đời Chiến Quốc phải cái phong khí nó chuyển đi, cho nên thường hay mắc phải cái thế kiêu như Tử Kích đây, không thoát khỏi tục, cũng là đáng tiếc. Người có học thức mà kiêu, là hạng người khinh thế ngạo vật, coi đời như không quan thiết gì đến mình. Ôi! Đã gọi là học thức mà có tính kiêu, thì vô bổ cho đời, đời có người ấy cũng như không vậy./.

Theo Cổ học tinh hoa



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com