Ngày trước, ta thường đến một làng kia, vừa bước chân vào thì chuếnh choáng, nghiêng ngả, mờ mịt, lu bù, trông trời như thấp, trông đất như cao, mặt trời mặt trăng như không có ánh sáng. Mắt ta mờ, tai ta ù, tâm thần ta mê hoặc, thân thể ta mệt nhọc. Ta mới hỏi người rằng: Đây là làng gì? Người nói: Đây là nơi vui say, sẵn của ngon bùi, tha hồ ăn uống, phóng phiếm. Tục truyền là “Làng say”.
Than ôi! Đây gọi là làng say? Cổ nhân nói dối ta thật. Ta thường than cho lũ Lưu Linh, Nguyễn Tịch, đương lúc trong nước lục trầm, bốn phương rối loạn mà những tay giỏi giang sinh ra chán đời, dông dài liều lĩnh, thất thểu rủ nhau vào làng say. Cứ như ý riêng ta thì trong làng say không có gì là vui cả...
Hoặc có kẻ nói: Đến đây cho nguôi những sự lo nghĩ. Ôi! Cái lo nghĩ mà còn có cách nguôi được thì không phải là lo nghĩ. Nếu quả nhiên có điều gì đáng lo, thì bất tất phải tìm cách giải. Huống chi làng say này không thể giải được lo. Vậy thì người vào làng say đều là người vô lo vô lự cả.
Than ôi! Tự đời Lưu Linh, Nguyễn Tịch đến bây giờ, khắp cả thiên hạ đâu cũng có làng say. Làng say càng đông thì thiên hạ càng vắng. Mờ mịt, say sưa, ẻo lả, yếu đuối, ai đã vào làng say, không biết lối mà ra, gián hoặc có người vào làng say mà không mê, thì lại phải những kẻ đã mê hoặc bại loạn, chê bai, nói cười mai mỉa, thế mới thật là lũ say ở làng say.
Đái Danh Tế
Lời bàn: Làng say tức là chỉ tụi người say rượu. Mà phàm ai đã bước chân vào làng say cũng cho là gặp nơi vui thú cả. Thường lại viện những lẽ này lẽ khác, tưởng như chính đáng nhất là cái lẽ đỡ lo đỡ nghĩ. Ôi! Nhưng đã gọi là việc đáng lo, đáng nghĩ, thì tưởng càng phải nên tỉnh để mà lo nghĩ cho phân minh sáng suốt, chớ say thì lo nghĩ sao được. Cái say chính là cái làm cho bại hoại hết công việc. Việc to tày trời đến lúc say cũng còn bỏ, huống còn mong sao cho làm nên việc thường hằng ngày nữa./.
Theo Cổ học tinh hoa