Nguỵ Văn Hầu hỏi Hồ Quyển Tử:
- Cha hiền có đủ nhờ cậy không?
Hồ Quyển Tử thưa:
- Không đủ.
- Con hiền có đủ nhờ cậy không?
- Không đủ.
- Anh hiền có đủ nhờ cậy không?
- Không đủ.
- Bầy tôi hiền có đủ nhờ cậy không?
- Không đủ.
Văn Hầu đổi sắc mặt, gắt rằng:
- Quả nhân hỏi nhà ngươi năm điều mà điều nào ngươi cũng cho là không đủ tại cớ làm sao?
Hồ Quyển Tử nói:
- Cha hiền không ai hơn Vua Nghiêu mà con là Đan Chu phải bị đuổi. Con hiền không ai hơn Vua Thuấn mà cha là Cổ Tẩu thực ngang ngạnh. Anh hiền không ai hơn Vua Thuấn mà em là Tượng rất ngạo mạn. Em hiền không ai hơn là ông Chu Công mà Quản Thúc bị giết. Bầy tôi hiền không ai hơn ông Thang, ông Vũ mà Vua Kiệt, Vua Trụ mất nước… Mong người không được như ý, cậy người không được bền lâu. Nhà vua muốn cho nước được bình trị, thì phải cậy ở mình trước, hơn là mong nhờ người.
Hàn thi ngoại truyện
Lời bàn: Cốt ý Văn Hầu nước Nguỵ là chỉ muốn hỏi có thể nhờ cậy được bầy tôi không, nhưng lúc đầu có mượn mấy câu hỏi đến cha con, anh em rồi mới dẫn đến vua tôi. Hồ Quyển Tử đáp như thế là rất phải. Cha tuy từ với con, con tuy hiếu với cha, anh tuy yêu em, em tuy kính anh, bầy tôi tuy trung với vua, nhưng mỗi người vị tất đã là hay được đủ mọi vẻ. Nếu mình không cần chịu ở mình, chỉ biết cầu những bậc ấy để đến nỗi thất đức, thì chẳng những không lợi gì mà còn hại đến thân mình nữa. Ta mong người, nhưng người ai cũng có thân, không ai bỏ cái thân mình để giúp cho ta, ta cậy người, nhưng người cũng có lúc cùng, không thể suốt đời mà đỡ đần ta được. Vậy ta ở đời, chẳng nên chỉ biết mong cậy vào người. Ta phải biết tự chủ tự lập, chớ có bỏ mình mà cầu người./.
Theo Cổ học tinh hoa