Nước mà trông cậy để vững bền được là nhờ ở ba thứ: Một là dân; hai là xã tắc; ba là vua.
Đem ba điều ấy so sánh với nhau, dân tuy không có thế đáng tôn, nhưng có hình đáng sợ, đáng trọng, thật là dân quý nhất.
Xã tắc là thổ thần và cốc thần tí hộ cho dân được yên, được sống nhưng cũng vì dân mới đặt ra, thì chẳng bì với dân được. Vậy xã tắc còn là đáng quý thứ hai.
Vua tuy chúa tể cả thần, cả dân, nhưng kỳ thực cũng phải nhờ lòng dân có yêu mến, xã tắc có yên ổn thì vua mới lâu dài được. Thế thì vua ví với dân, với xã tắc, vua không quan trọng lắm, nghĩa là đáng quý thứ ba.
Mạnh Tử
Lời bàn: Nước có quân chủ, thì còn ai trọng bằng vua chúa. Tục chuộng Thần quyền, thì còn ai sợ bằng thần thánh. Một đàn dân ngu, tha hồ mà giày xéo, bóc lột! Nhưng biết đâu dân chính là gốc của nước, có dân mới có xã tắc, có dân mới có vua, nên đem so dân với vua thì dân là quý nhất, không thể khinh thường được. Ông Mạnh Tử sinh vào thời cổ, quân chủ áp chế, mà thực đã hiểu rõ cái lẽ tối tân của đời bấy giờ là đời dân chủ. Dù có quân chủ chăng nữa nhưng cũng là tượng trưng cho toàn dân, mà phải thực hành trọng dân quyền thì mới hợp trào lưu tiến hóa vậy. Còn dân, cố nhiên là dân vi quý, nhưng dân trí không mở mang thì dân chủ cũng nguy hại lắm./.
Theo Cổ học tinh hoa