Tần Mục Công nói với Kiến Thúc:
- Bá Lý Hề thường nói tiên sinh là người hiền, xin tiên sinh chỉ bảo cho.
Kiến Thúc thưa:
- Nước Tần ta ở cõi Tây này tiếp giáp với các nước Nhung địch, đất hiểm quân mạnh mà không được bằng các nước Trung Quốc là chỉ vì không có uy đức đó thôi. Không có uy thì làm sao cho người ta sợ, không có đức thì làm sao cho người ta mến. Người ta không sợ, không mến thì làm bá chủ thế nào được.
Tần Mục Công hỏi:
- Uy và đức, hai điều ấy nên làm điều gì trước?
Nên lấy “đức” làm gốc lại có “uy” để giúp vào. Nếu có đức mà không có uy thì làm sao giữ được nước; có uy mà không có đức thì làm sao yên được dân.
Tần Mục Công lại hỏi:
- Ta muốn sửa đức và lập uy thì nên làm thế nào?
Kiến Thúc thưa:
- Dân nước Tần ta tập nhiễm phong tục mọi rợ, không biết lễ nghĩa, nay muốn cho dân biết tôn kính người trên thì phải dùng giáo hoá và hình phạt. Có giáo hoá thì dân biết ơn, có hình phạt thì dân biết sợ. Bấy giờ kẻ trên, người dưới khác nào thân thể trong một người.
Tần Mục Công hỏi:
- Cứ theo như lời của tiên sinh, có thể làm bá chủ được không?
- Thế cũng chưa đủ! Muốn làm bá chủ thiên hạ thì có ba điều nên kiêng: Chớ tham lam, chớ tức giận, chớ vội vàng. Tham lam thì có nhiều điều lầm lỗi, tức giận thì có nhiều sự khó khăn; vội vàng thì có nhiều việc tan nát. Chúa công biết kiêng ba điều ấy thì có thể làm nên nghiệp bá.
Tần Mục Công khen phải và Tần Mục Công đã nghe lời phải của đấng hiền tài nên nước Tần đời Xuân Thu ngày một cường thịnh. Đó là lẽ tất nhiên./.
Theo Xử thế của cổ nhân