Tào Tháo sai người đi bắt mẹ của Từ Thứ, Tháo thiết đãi tử tế và bảo rằng:
- Nghe con bà là Từ Ngưu Trực (tên tự của Từ Thứ) vốn người kỳ tài trong thiên hạ, nay ở thành Tân giả mà giúp nghịch thần là Lưu Bị, bội phản triều đình thì cũng như ngọc tốt mà rớt xuống bùn nhơ, thật là đáng tiếc. Vậy xin bà chịu phiền viết thư bảo y về, rồi tôi sẽ đến trước Thiên tử mà tiến cử thì Ngưu Trực ắt được phong thưởng.
Nói rồi liền bảo người đem viết giấy mực đến. Từ mẫu hỏi:
- Lưu Bị là người như thế nào ?
- Đó là đồ tiểu bối ở Bái quận, nó dối xưng rằng chú vua chớ thật không tình nghĩa chi. Ấy rõ bề ngoài là quân tử, mà bề trong thật là tiểu nhân.
Từ mẫu quát to:
- Ngươi sao dám nói quấy như thế ? Ta đã từng nghe rằng: Huyền Đức là dòng vua Trung Sơn Trịnh vương thật là chắc của Hiếu Kiển hoàng đế, chiêu hiền nạp sĩ, nhân đức chói vang, già trẻ bé lớn, tiều, mục, canh, ngư cũng đều biết danh là anh hùng trên thế. Con ta đã giúp đó thực là xứng đáng. Còn ngươi tuy dối danh là tướng nhà Hán, nhưng rõ thật là đứa giặc, vậy mà dám trở lại bảo Huyền Đức là phản thần, để khiến con ta bỏ chỗ sáng mà qua chỗ tối, sao ngươi không biết hổ ?
Nói xong, bà lấy nghiên mực ném Tào Tháo. Tháo cả giận truyền quân đem Tử mẫu ra chém. Mưu sĩ là Trình Dục can:
- Từ mẫu mắng nhiếc thừa tướng để thừa tướng giận mà giết đi, như thế làm cho thừa tướng mang tiếng bất nghĩa và bà sẽ được trọn danh đức. Vả lại, Từ mẫu thác rồi, Từ Thứ ắt bền lòng phò tá Lưu Bị để báo thù. Chi bằng ta để cho Từ Thứ thân tâm lưỡng địa, dù hắn có giúp Lưu Bị đi nữa thì cũng chẳng hết lòng. Vậy cứ để Từ mẫu ở đây, tôi sẽ có kế gạt Từ Thứ về giúp thừa tướng.
Tào Tháo lấy làm phải, để Từ mẫu ở một nhà riêng. Bây giờ Trình Dục thường lui tới thăm hỏi Từ mẫu, dối rằng: mình có kết bạn với Từ Thứ, Trình Dục lại thường sai người đem đồ vật cho và hay viết thư, thiệp cho Từ mẫu. Do đó Từ mẫu cũng dùng thư, mà viết gửi lại. Trình Dục lấy được kiểu chữ của Từ mẫu nên theo cách chữ ấy mà viết một bức thư sai kẻ tâm phúc qua thành Tân giả mà trao cho Từ Thứ bảo rằng của Từ mẫu gởi sang.
Tiếp được thư của mẹ, Từ Thứ vội vã xin Lưu Bị cho đi. Về đến Hứa Xương. Từ Thứ vào lạy mẹ. Từ mẫu kinh ngạc hỏi. Từ Thứ thưa:
- Con ở Tân giả phò Lưu Dự Châu mới đây có được thư của mẹ nên phải dung rủi về đây.
Từ mẫu nổi giận, vỗ ghế quát mắng:
- Loài nhục tử! Mi trôi nổi giang hồ đã mấy năm, ta tưởng mi học nghiệp đã tiến tích, té ra mi lại không bằng khi trước. Mi thường xem sách, sao mi không biết câu: “Trung và hiếu không khi nào toàn vẹn cả hai”. Vả lại, lẽ nào mi không biết Tào Tháo là đứa khi vua, nghịch bề trên, còn Lưu Huyền Đức thì nhân, nghĩa rải khắp bốn phương, lại dòng dõi nhà Hán, mi đã theo phò thì phải rồi. Nay mi thấy có một bức thư giả và chẳng suy xét, lại bỏ chỗ sáng mà về chỗ tối, quả thực là ngu phụ, ta còn mặt mũi nào mà thấy mi nữa.
Từ mẫu liền trở vào sau bình phong treo cổ tự tử.
Tam quốc chí
Lời bàn: Nghe tin mẹ bị bắt lại được thư mẹ kêu về, Từ Thứ về vâng lời mẹ để làm tròn bổn phận của một người con hiếu đạo. Nhưng về với mẹ tức là Từ Thứ về với Tào Tháo, bỏ mất chí hướng, sự nghiệp của mình. Từ Thứ là một người có mưu lược, đã đánh thắng Tào Tháo được nhiều trận, con người không phải tầm thường, nhưng đáng tiếc, Từ Thứ lại hiểu lầm một việc rất tầm thường. Làm con - nhất là con người như Từ Thứ, tại sao không hiểu được tính tình của người mẹ: Cứng cỏi hay nhu nhược, cao thượng hay thấp hèn. Cho nên trong đời, cha mẹ thường biết tính ý, để nuông chiều con, nhưng con lại thường không hiểu được tính tình của cha mẹ, thường làm cho cha mẹ buồn lòng.
Từ Thứ am hiểu tri thức nhưng đáng tiếc việc của mình thì lại không nhận thức được, hay “Việc người thì sáng, việc mình thì quáng” chăng ?
Theo Xử thế của cổ nhân